Nhà vườn trồng thanh long gặp khó
Giá thanh long giảm mạnh
Những ngày này, các vườn thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo đang vào mùa thu hoạch nên vườn thanh long nào cũng mang sắc đỏ của thanh long chín. Tuy nhiên, giá thanh long hiện nay đang nằm ở mức thấp, nhà vườn trồng thanh long không có lãi nên không khí ảm đạm đang bao trùm các vùng chuyên canh trồng thanh long ở địa phương này.
Ông Nguyễn Văn Minh, nông dân trồng thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, hiện nay giá thanh long tại vườn chỉ được các thương lái thu mua với giá 1.500 - 5.000 đồng (tùy loại thanh long ruột trắng hay đỏ và chất lượng trái), giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước và chỉ bằng 1/3 so với giá thanh long thu hoạch hồi đầu tháng 2/2015. Với giá thanh long hiện nay, nhà vườn trồng thanh long gần như không có lãi.
Ông Đỗ Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Quơn Long cũng cho hay, thời điểm này thanh long bán xô (không phân biệt trái lớn hay nhỏ) chỉ có giá 2.500 - 3.000 đồng/kg, giảm so với mức giá khoảng 4.000 đồng/kg của mấy ngày trước. Đối với thanh long bị nhiễm bệnh nhiều giá còn thấp hơn, thậm chí sẽ không mua nếu trái bị bệnh quá nặng.
Mặc dù vụ thanh long thuận này có chi phí đầu tư thấp do không cần phải xông đèn như thanh long vụ nghịch, nhưng doanh thu từ vườn thanh long cũng khó có thể bù đắp chi phí.
Giải thích nguyên nhân thanh long có giá thấp trong những ngày qua, nhiều nông dân trồng thanh long cho rằng mấy năm nay thanh long được trồng quá nhiều nhưng việc xuất khẩu sang Trung Quốc đăng gặp khó nên giá rớt mạnh.
Còn theo phân tích của các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long thì hiện đầu ra của thanh long Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nên rủi ro rất cao. Hơn nửa, các thương lái Trung Quốc rất am tường mùa vụ thanh long ở Việt Nam nên họ có thể ép giá khi thanh long vào mùa thu hoạch rộ.
Mặt khác, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Mỹ cũng đang rất hạn chế, bởi hiện nay thanh long trồng tại Mỹ và các nước khác trên thế giới cũng đang chuẩn bị thu hoạch. Do đó, nếu đưa thanh long Việt Nam trong thời điểm này khó cạnh tranh với hàng nội địa của Mỹ hoặc từ Mexico, Chile... Tới tháng 9 khi chất lượng thanh long Việt Nam ổn định trở lại và hàng nội địa của Mỹ đã giảm bớt thì các doanh nghiệp mới đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
Ông Phạm Văn Quận, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết, vụ thanh long này cho trái tự nhiên, chi phí sản xuất thấp nên với giá thanh long ở mức 2.500 - 3.000 đồng/kg thì nông dân vẫn có thể huề vốn hoặc lỗ ít. Tuy nhiên, vụ thanh long nghịch sắp tới phải xử lý xông đèn, cộng với chi phí thuốc phòng trị bệnh đốm nâu bùng phát sẽ khiến cho chi phí sản xuất tăng lên rất cao. Do đó, giá thanh long thời điểm thu hoạch vụ nghịch phải từ 15.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lời. Dù vậy, giá thanh long trong những năm gần đây thật khó đoán nên nông dân phải chịu một áp lực rất lớn trước vụ thanh long nghịch sắp tới.
Sâu bệnh tấn công thanh long
Bên cạnh chuyện giá thanh long giảm mạnh, dịch bệnh trên thanh long hoành hành trước những cơn mưa lớn giữa mùa với độ ẩm cao trong những ngày qua càng làm cho nhà vườn trồng thanh long khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Chương, nông dân trồng thanh long ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, hiện nay vườn thanh long hơn 7 năm tuổi của gia đình ông đang bị bệnh đốm nâu hơn 30% với biểu hiện của bệnh là lúc đầu thanh long nổi những đốm trắng nhỏ trên thân và trái, sau đó to dần và chuyển sang màu vàng làm cho trái thanh long sần sùi.
Theo ông Chương, không chỉ vườn thanh long của gia đình ông bị bệnh đốm nâu mà còn một số vườn thanh long khác ở huyện Chợ Gạo cũng bị bệnh với những mức độ khác nhau gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Trong những tuần gần đây bệnh phát triển rất mạnh, có vườn tỷ lệ thanh long bị bệnh thấp, có vườn tỷ lệ bệnh lên đến 70 - 80%.
Ngoài ra, bệnh thán thư cũng đang phát triển khá mạnh, nhưng bệnh thán thư có thể trị được còn bệnh đốm nâu thì chưa có biện pháp khống chế bệnh hiệu quả.
Lãnh đạo UBND xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cũng xác nhận, hiện nay bệnh đốm nâu trên thanh long lây lan nhiều nơi, có vườn nhiễm ít, có vườn nhiễm nhiều tùy theo kỹ thuật của nhà vườn. Riêng diện tích thanh long trên địa bàn xã mới được trồng trong những năm gần đây nên tỷ lệ nhiễm bệnh đốm nâu có phần thấp hơn nhiều nơi khác nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh cũng từ 20 - 30%.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết, hiện nay đang bước vào giữa mùa mưa trong năm nên sâu bệnh gây hại nhiều, chất lượng thanh long giảm. Do đó, các doanh nghiệp rất hạn chế xuất khẩu thanh long trong thời điểm này mà chỉ chọn thanh long chất lượng cao xuất khẩu bằng đường máy bay để đảm bảo chất lượng.
Số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ Thực vật Tiền Giang cho thấy, hiện nay toàn tỉnh có 220 ha thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó có 160 ha nhiễm bệnh 5 - 10% và 60 ha nhiễm bệnh từ 20 - 30%. Ngoài ra, bệnh thán thư cũng đang gây bệnh trên bông và trái thanh long trên diện tích 90 ha với tỷ lệ nhiễm 3 - 5%.
Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng thanh long khá lớn của cả nước. Thanh long Tiền Giang được trồng trên 9/11 huyện, thị, thành của tỉnh với diện tích thanh long đạt hơn 4.200 ha, trong đó có trên 3.000 ha thanh long đang cho trái. Năng suất thanh long bình quân ở địa phương này đạt năng suất bình quân từ 35 - 40 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 150.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Con số vựa thu mua thủy hải sản tại mỗi bến cảng chỉ một vài nhưng thú vị là các chủ vựa luôn được so sánh với một hình ảnh khá uy lực mà dân xứ biển dành riêng cho họ. Đó là những người hét ra lửa.
Bệnh lở cổ rễ đã hại khoảng 25 ha hành, tỏi, tập trung tại các xã Nam Trung, Nam Chính, Quốc Tuấn (Nam Sách). Ngoài ra, bệnh khô đầu lá, nghẹt rễ cũng bắt đầu hại hành, tỏi. Trên 40 ha cà rốt đã bị nhiễm bệnh thắt gốc với tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, chủ yếu xuất hiện tại các xã Đức Chính, Cẩm Văn (Cẩm Giàng), Thái Tân (Nam Sách). Hàng chục ha cà rốt ở Đức Chính, Cẩm Văn còn bị tuyến trùng gây hại rễ cây, nơi cao có 50% số cây bị hại.
Sáng 28.10, tại xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Quỹ tấm lòng vàng Người Lao Động đã tổ chức lễ bàn giao một tàu cá trị giá hơn 5 tỷ đồng cho Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn. Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Minh đã đến dự.
Nuôi bò sữa, nhiều hộ dân ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Trở lại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng những ngày này mọi người đều cảm nhận được khát vọng mãnh liệt vươn lên thoát nghèo của bà con nơi đây. Nhiều bà con cho biết, nhờ mô hình chăn nuôi bò sữa của dự án do Canada tài trợ, một trong những chương trình an sinh xã hội trợ giúp cho hộ nghèo và cận nghèo đã giúp cuộc sống của bà con được cải thiện rất nhiều