Nguy Cơ Xóa Vùng Nguyên Liệu Bông Vải

Cánh đồng trồng cây bông vải của huyện Tuy An trước đây rộng gần 200ha, nay đã thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân là do giá bông quá thấp, nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này.
Cánh đồng chuyên trồng cây bông vải ở các xã An Hiệp, An Hòa, An Mỹ (huyện Tuy An) trước đây rộng 190ha, vụ xuân hè này chỉ còn 10ha. Thời tiết nắng hạn kéo dài, cây bông thiếu nước, tỉ lệ hoa đậu trái thấp. Thêm vào đó, giá bông chỉ ở mức 13.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg so với trước đây, khiến người trồng lỗ nặng.
Ông Trần Văn Thân ở xã An Hiệp cho biết, mấy năm trước, gia đình ông trồng 3 sào bông, sau khi trừ chi phí, lãi gần 15 triệu đồng. Còn năm nay, không chỉ bông mất mùa mà giá bông còn giảm mạnh, nên gia đình ông chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng.
Cánh đồng Láng ở xã An Hiệp trước đây là vùng chuyên trồng bông vải, nay hầu hết nông dân chuyển sang trồng rau, đậu. Số ít trồng bông vải nhưng nông dân không được Trạm Bông Phú Yên cho mượn phân bón để bón cho cây bông, một số ít hộ được hỗ trợ nhưng ở mức thấp. Do không có vốn nên một số hộ “khoán trắng” cho đất nuôi cây bông, được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu!
Còn tại xã An Hòa, trước đây, vào những ngày này nhà nào cũng thu hoạch bông vải. Bông phơi từ nhà ra ngoài ngõ.
Có hộ trồng từ 7 đến 8 sào bông, cá biệt có hộ trồng cả hécta. Còn năm nay, nông dân xã An Hòa chuyển sang trồng rau, đậu. Bà Trần Thị Hương cho hay: “Trồng rau, hành ngò thu được nhiều lứa, ước tính cho thu nhập cao hơn trồng bông vải”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trước đây, huyện có 190ha chuyên trồng cây bông vải, nhưng vụ bông năm 2013 nông dân chỉ xuống giống 7ha, và năm nay “nhích” lên 10ha, trong khi kế hoạch của huyện trồng 20ha. Các năm trước, năng suất bông đạt 17 tạ/ha, lợi nhuận 30 triệu đồng/ha, thế nhưng 2 năm nay do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh nên năng suất bông giảm, người trồng bông gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Diện tích gieo trồng thấp hơn kế hoạch đề ra một phần do giá bông nguyên liệu thấp; một phần do mức hỗ trợ giống, phân bón của Công ty Bông Nha Trang thấp hơn so với các năm trước đã khiến nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này, chuyển sang trồng các cây khác. Nguy cơ xóa vùng nguyên liệu bông vải rất cao.
Có thể bạn quan tâm

Đây là vụ lúa thứ 2 mô hình sản xuất khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn được thực hiện trên địa bàn huyện Tuy An. Trong vụ sản xuất hè thu 2013, mô hình này đã đưa vào sản xuất 20 giống lúa GSR, thời gian sinh trưởng của các giống lúa từ 87 đến 106 ngày.

Sau khi giá củ mì tươi tăng cao đến 2.600 đồng/kg ở thời điểm mới bước vào vụ thu hoạch, hiện giá mì tươi bán tại rẫy tụt dốc nhanh chóng khiến cho cả thương lái và nông dân hết sức lao đao.

Khoảng 1 tháng qua, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL ở mức cao, nhưng thời điểm giá này, nông dân không còn lúa để bán và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Nông dân không đủ điều kiện tạm trữ để chờ giá nên luôn chịu thiệt thòi, hầu hết nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch.

Mặc dù một thời gian dài vào giữa năm 2013, thịt lợn hơi giảm giá mạnh làm cho người chăn nuôi không lãi nhiều nhưng vẫn cầm chừng đàn và với sự tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường, từ tháng 9/2013, nông dân tăng đàn để đảm bảo lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong Tết Nguyên đán. Đúng vào thời điểm này, giá thịt lợn tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.