Nguy Cơ Ruộng Thành Nghĩa Trang
Khi bắt đầu tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi không khỏi đắn đo, bởi suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng có một thực tế đang diễn ra: không ít diện tích“bờ xôi ruộng mật” ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên được cho thuê thành nơi an táng. Nếu không có giải pháp kịp thời, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đất ruộng trở thành nghĩa trang.
Theo phản ánh của người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, gần nghĩa trang Thanh Đông của xã, trên đất ruộng của một số hộ dân xuất hiện những ngôi mộ. Tìm hiểu sự việc, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Duy Thơm, Quản trang Nghĩa trang Thanh Đông, đội 3A, thôn Cộng Hòa, xã Thanh Luông.
Ông Thơm tỏ ra ái ngại, ngập ngừng khi trả lời về phản ánh của người dân trong xã. Chúng tôi phần nào hiểu, thông cảm với người đã có 14 năm gắn bó với nghề chăm sóc, trông coi nghĩa trang nơi đây. Ông Thơm cho biết: Nghĩa trang Thanh Đông là nơi an táng của thôn: Thanh Đông, Thanh Bình, Cộng Hòa, đội 16 thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên và C4, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ). Nhưng nhiều năm qua nơi đây tiếp nhận nhiều trường hợp ở các phường, xã khác nên quá tải.
Ông Thơm công nhận với chúng tôi trong tháng 10 vừa qua, người dân đội 3B cho người trong TP. Điện Biên Phủ thuê ruộng gần nghĩa trang làm nơi đặt mộ là hoàn toàn đúng sự thật. Gần đây nhất, nhận sự chỉ đạo từ Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông sắp xếp vị trí cho người khuất của phường Mường Thanh tại khu nghĩa trang Thanh Đông, ông đã cố gắng tìm một khu đất nhưng gia đình họ không đồng ý nên hợp đồng thuê lại khu đất ruộng gần nghĩa trang để chôn cất.
Ông Thơm không nhất trí, nhưng do hai gia đình bàn bạc, thống nhất, tự chịu trách nhiệm và nằm ngoài khu vực quản lý nên ông không báo cáo với UBND xã. Theo ông Thơm, khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã biết việc gia đình có người mất không đồng ý an táng người thân trong Nghĩa trang Thanh Đông, muốn thuê ruộng ở gần đó thì cũng không chấp nhận việc làm sai với quy định này.
Do vậy, 2 gia đình tự làm hợp đồng thỏa thuận với nhau. Ông Thơm dẫn chúng tôi lên ngôi mộ mới nằm hẳn trong diện tích ruộng và chỉ cho chúng tôi thêm một ngôi mộ gần đó có một nửa nằm trong nghĩa trang nửa thuộc diện tích ruộng.
Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời của chính quyền xã Thanh Luông thì ruộng gần nghĩa trang Thanh Đông sẽ thành... nghĩa địa.
Trả lời việc cho thuê ruộng làm nơi đặt mộ, vợ chồng anh Lương Ngọc Hải, đội 3B cho rằng, chỉ làm hợp đồng vài năm khi cải táng lại cải tạo, cấy lúa.
Nguyên nhân một phần, anh chị nghĩ đến tình nghĩa người khuất là người cùng làng ở quê giúp nhau bởi “nghĩa tử là nghĩa tận” không nghĩ đến việc cho thuê ruộng lại sai phạm quy định về sử dụng đất nông nghiệp. Lý do nữa là ruộng gần nghĩa trang, nhiều chuột phá hoại nên thu hoạch kém hiệu quả, nay chuyển đổi một thời gian cho thuê vừa làm việc nghĩa và lại có thu nhập cao hơn.
Chúng tôi xem bản hợp đồng thuê đất được viết tay trong cuốn sổ của vợ chồng anh Hải với nội dung: Cho thuê 8,25 mét vuông đến khi cải táng (từ 3 – 5 năm) với giá 6 triệu đồng. Chỉ với số diện tích trên mà tiền cho thuê cao hơn hẳn so với thu nhập từ sản lượng lúa hàng năm thu được trên diện tích này.
Việc làm của vợ chồng anh Hải khiến chúng tôi băn khoăn, đặt ra câu hỏi: Mục đích chính cho thuê ruộng để an táng người khuất ở đây có đặt lên trên là tình làng, nghĩa xóm với người đã khuất? Vì sự hiểu biết hạn chế, đơn giản về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp? Hay vì lý do nào khác, dù biết sai vẫn làm ngơ, biến ruộng đang canh tác thành nghĩa trang.
Khi làm việc với chúng tôi, ông Lò Văn Ơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Luông mới biết về sự việc nêu trên. Ông Ơn bức xúc việc gia đình anh Hải đội 3B cho thuê ruộng, nhưng không nhận được thông tin từ người có trách nhiệm, trực tiếp là người quản trang được giao quản lý, bảo vệ, trông coi nghĩa trang Thanh Đông.
Những cán bộ, đảng viên ở các thôn, đội lân cận và cán bộ địa chính xã đã không sát sao nắm bắt thông tin, để sự việc đã rồi. Nếu biết trước, xã kiên quyết ngăn chặn, không cho phép việc làm sai quy định trên – ông Ơn cho biết quan điểm. Cũng theo ông Ơn, xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế Nghĩa trang Thanh Đông và làm việc với gia đình cho thuê ruộng.
Cách đây vài năm đã xảy ra trường hợp tương tự cũng tại Nghĩa trang Thanh Đông nhưng chỉ ½ ngôi mộ lấn chiếm ra ruộng nay tái diễn. Vì vậy, xã quyết tâm làm triệt để, không để gia đình khác làm theo vi phạm Luật Đất đai, đặc biệt là quy định về sử dụng đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông khẳng định: Việc thuê ruộng làm mộ, ông không hề nhất trí vì việc làm trên sai quy định. Ông nghĩ rằng không được sự đồng ý của UBND xã thì gia đình người khuất đã từ bỏ ý định, chứ không hề biết việc hai bên đã thỏa thuận, hợp đồng và tiến hành chôn cất trên đất ruộng.
Dù sao thì sự việc đã rồi, ruộng được chuyển đổi nay đã “mồ yên, mả đẹp”. Song với, chính quyền cơ sở và những người trách nhiệm cần rút kinh nghiệm, sát sao thực tế hơn có giải pháp ngăn chặn kịp thời không để ruộng thành… nghĩa trang.
Theo quy định Điều 57 Luật Đất đai 2013 thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác điểm b, khoản 2, Điều 2 NĐ 45/2014/NĐCP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì “đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao thu tiền sử dụng đất, chuyển đổi sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang có thu tiền sử dụng đất”.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/nguy-c%C6%A1-ru%E1%BB%99ng-th%C3%A0nh-ngh%C4%A9-trang
Có thể bạn quan tâm
Người trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đang tỏ ra phấn khởi khi mùa bưởi năm nay, trúng mùa, tốt giá...
Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 8.514 hộ sản xuất thanh long được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 7.211 ha, đạt 103% kế hoạch (7.000 ha).
Được khẳng định là mô hình tương đối bền vững, nâng cao kinh tế, ổn định môi trường, mỗi năm, tỉnh giao chỉ tiêu hàng ngàn héc-ta lúa - tôm cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Thế nhưng, thực tiễn sản xuất đã qua, diện tích lúa - tôm cứ giảm dần sau mỗi năm. Nguyên nhân không gì khác là bài toán thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất lúa - tôm đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình đang gây ra vấn nạn về ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đặc biệt là khu vực vùng nông thôn.
Làm nghề thả lưới đánh bắt cá trong lòng hồ tự nhiên xã Ia Băng (huyện Đak Đoa - Gia Lai) đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên anh Rơ Châm Nhol (làng O Ngó) thấy người ta thả hàng vạn con cá giống đã được thả trở lại xuống lòng hồ này. “Mình thả lưới ở hồ này đã lâu, thường vào mỗi buổi chiều thả lưới đánh bắt cá làm thực phẩm trong bữa ăn của gia đình