Trung Quốc Tận Thu Tôm Nguyên Liệu
Trong gần 1 tháng qua đã xuất hiện tình trạng thương lái ồ ạt thu mua số lượng lớn tôm nguyên liệu tại nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung với giá cao rồi bán đi Trung Quốc.
Chưa bao giờ, người nuôi tôm ở Phú Yên lại thấy giá tôm tăng cao như vụ này, từ chỗ chỉ 90.000 đồng/kg đối với loại trên 100 con/kg hồi đầu vụ, sau đó tăng lên 120.000 đồng, rồi 130.000 đồng/kg. Ở ngay những vùng nuôi tôm, thương lái tập kết sẵn xe, thùng xốp, máy xay đá để đóng tôm nguyên liệu đưa sang Trung Quốc với số lượng hơn 50 tấn tôm/ngày.
Nhiều tháng qua, thương lái ở các tỉnh phía Bắc trực tiếp đến các vùng nuôi tôm Phú Yên thu mua, hoặc thông qua các doanh nghiệp thủy sản đặt mua tôm nguyên liệu với số lượng lớn. Có thời điểm, gần chục thương lái tìm đến Phú Yên để mua tôm nguyên liệu, sau đó cấp đông để đưa đi Trung Quốc. Vấn đề ở đây là tư thương Trung Quốc đưa ra giá thu mua cao hơn 10.000-30.000 đồng/kg so với các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trong nước.
Ông Nguyễn Văn Phong, Công ty CP Thủy sản Thông Thuận, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa cho biết: “Thương lái mua đi Trung Quốc nhiều quá, đẩy gia lên cao nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Đã có tình trạng cả doanh nghiệp trước kia làm đầu mối thu mua tôm cho các nhà máy trong nước, nay cũng đứng ra thu mua để bán lại cho thương lái Trung Quốc. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thật sự lo ngại trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có công văn gửi các tỉnh ven biển kiểm soát việc bán tôm cho Trung Quốc. Tuy nhiên, những khuyến cáo của cơ quan chức năng vẫn chưa hữu hiệu khi mà ở các vùng nuôi tôm miền Trung, những chiếc xe thu mua tôm đưa sang Trung Quốc vẫn hoạt động nhộn nhịp.
Kiểu thu mua tràn lan như hiện nay không chỉ khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước gặp khó, mà còn làm ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát kháng sinh và chất lượng tôm nuôi mà ngành tôm Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua. Đó là chưa kể, nguy cơ dịch bệnh kéo dài khi vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người lại ồ ạt thả nuôi cho vụ mới.
Có thể bạn quan tâm
Đứng thẫn thờ nhìn ruộng lúa gần 20 ngày tuổi chết dần chết mòn, chị Phan Thị Hòa ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) quả quyết “Phải gieo lại thôi, chứ như thế này không cứu vãn được nữa”.
Những ngày này, bà con nông dân ở Câu lạc bộ (CLB) cây ăn trái Đồng Tiến (ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đang phấn khởi chuẩn bị bước vào thu hoạch cam, quýt phục vụ thị trường tết với giá bán cao.
Sở KH-CN Nghệ An phối hợp với Cty Nông nghiệp Xuân Thành triển khai dự án “Trồng thử nghiệm ổi xen cam” tại huyện Quỳ Hợp nhằm hạn chế tối đa khả năng xuất hiện và gây hại của rầy chổng cánh, tác nhân lan truyền bệnh Greening.
Chuẩn bị sẵn sàng phục vụ thị trường xoài Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, năm nay 42 xã viên của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 120 tấn xoài các loại, chủ yếu là xoài cát chu (xoài cát hòa lộc chỉ chiếm khoảng 10%).
Sau thời gian triển khai công tác chống dịch, đến nay có khoảng 2.100/2.700 ha nhãn tiêu da bò bị bệnh “chổi rồng” đã phục hồi và phát triển trở lại sau khi được cắt tỉa và phun thuốc (trong đó có 600ha cho trái).