Nguồn sống cho vùng đất lúa
Trong bối cảnh đó, để vực dậy một nền nông nghiệp trên mảnh đất khó nghèo Quảng Trị, từng bước khai hoang phục hóa, ổn định đời sống nhân dân vùng Triệu-Hải, Đảng, Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn được chọn là nguồn cung cấp nước tưới và phục vụ dân sinh qua sự nghiên cứu của Bộ Thủy lợi (cũ).
Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn ra đời khẳng định một tầm nhìn chiến lược trong việc đưa khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội một cách hiệu quả và bền vững.
Đầu năm 1978, công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn chính thức khởi công. Ngày 21/9/1979, Ban chuẩn bị quản lý thủy nông Nam Thạch Hãn được thành lập với quân số chỉ vỏn vẹn 12 người. Các cán bộ, công nhân làm việc trong ban chủ yếu là từ cơ quan khác chuyển đến và bộ đội phục viên, với trình độ nghiệp vụ khác nhau, bắt tay vào công việc hết sức mới mẽ, phương tiện cơ sở vật chất kỹ thuật rất thiếu thốn, ngay cả công trình để quản lý khai thác cũng chưa hoàn thiện, tất cả đều trong giai đoạn khẩn trương hoàn thành đến đâu đưa vào phục vụ sản xuất đến đó.
Trong điều kiện đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân phải khắc phục khó khăn, thiếu thốn ban đầu, từng bước chuẩn bị xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất cần thiết, nghiên cứu về chuyên môn nghiệp vụ, tiếp nhận dần các hạng mục công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác tưới phục vụ yêu cầu cấp bách cho sản xuất nông nghiệp, nhằm ổn định và nâng đời sống cho nhân dân của vùng đất phía Nam tỉnh nhà sau những năm bị chiến tranh tàn phá hủy diệt.
Cùng với đó, lực lượng dân công hùng hậu của cả tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) gồm 10 sư đoàn đổ dồn về Triệu Hải, có mặt trên công trường suốt nhiều năm trời cùng lực lượng thi công cơ giới, xây lắp, cán bộ kỹ thuật vượt qua biết bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn, bất chấp nắng cháy như thiêu đốt, mưa rét cắt da cắt thịt, bụng đói và thiếu thốn trăm bề, miệt mài khơi dòng nước ngọt về tận ruộng đồng Triệu Hải.
Hơn 100 chiến sĩ lực lượng dân công 202 đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi công trường. Mồ hôi, máu xương các anh, các chị đổ xuống không uổng phí. Những dòng kênh xanh đã thành hình hài trên mặt đất, dẫn nguồn nước ăm ắp sự sống về theo những luống cày. Từ đây, đánh dấu một cuộc sống mới no đủ hơn, văn minh hơn đang hiện diện khắp các thôn làng. Từ vùng đất khát bao đời, Triệu Hải trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Trị.
Trong hàng trăm công trình hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Nam Thạch Hãn là công trình đại thủy nông duy nhất ngăn sông Thạch Hãn để dâng nước vào kênh tưới cho vùng thâm canh lúa lớn nhất tỉnh thuộc thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Trước đòi hỏi bức bách cần có nước để phục vụ sản xuất và dân sinh, công trình hoàn thành đến đâu, đưa vào khai thác, sử dụng ngay đến đó. Vì vậy, sau gần 2 năm xây dựng, công trình đã đưa nước về tưới cho đồng ruộng.
Quy mô công trình ban đầu gồm 1 đập chính ngăn sông Thạch Hãn, 7 đập phụ ở cao trình +21,7m, 1 đập tràn có chiều rộng 135m, lưu lượng xả lũ thiết kế là 7.300m3/s; 1 công xả cát, 1 âu thuyền. Hệ thống kênh gồm 17 km kênh chính, các kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 có tổng chiều dài hàng trăm cây số.
Ban đầu khi hoàn thiện, công trình có nhiệm vụ tưới trên 16.000 ha lúa đông xuân của huyện Triệu Hải trước đây và một phần diện tích lúa của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, vụ hè thu tưới cho 5.280 ha. Do đóng vai trò to lớn, quy mô và tính chất quan trọng của công trình nên từ sau ngày lập lại (tháng 7/1989), đại thủy nông Nam Thạch Hãn là tài sản lớn nhất của tỉnh Quảng Trị.
Nhờ đại thủy nông Nam Thạch Hãn, diện tích lúa được tưới nước chủ động tăng lên; cơ cấu giống lúa và cơ cấu mùa vụ sản xuất được chuyển đổi ngày càng chủ động hơn. Các giống lúa có tiềm năng năng suất cao đã được đưa vào để thay thế giống lúa cũ ở địa phương.
Các giải pháp kỹ thuật tiến bộ để giảm gánh nặng lao động cho nông dân được áp dụng rộng rãi. Nhờ vậy, năng suất lúa không ngừng tăng lên. Từ việc ruộng đất trước đây chỉ cấy bằng lúa chiêm, tưới bằng các biện pháp thủ công hoặc nhờ trời, thì nay đã có nước chủ động, tưới cho hai vụ ăn chắc, năng suất lúa từ 20-25 tạ/ha đã tăng lên 50-70 tạ/ha. sản lượng lương thực toàn vùng chiếm trên 60% tỷ trọng lượng thực toàn tỉnh.
Hơn ba thập kỷ đã qua, giá trị nhất là ở chỗ, công trình vẫn còn nguyên tính hữu ích và ngày càng phát huy công năng của một hệ thống thủy lợi đóng vai trò chủ công trong tưới, tiêu cho cả vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam của tỉnh.
Hiện nay, từ thực tế quản lý công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, ngành NN-PTNT đã nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, thi công đập cao su có chiều dài 135m, cao 2m (là công trình lớn nhất Việt Nam thi công theo dạng này) nhằm tăng thêm dung tích nước ở thượng lưu đập lên 11,5 triệu mét khối, tăng khả năng tưới thêm được 700 ha, vừa đảm bảo không ngập lụt cho vùng thượng nguồn trong lũ chính vụ.
Trên tuyến còn có những công trình được xây dựng với chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới trong thi công, vận hành như cống An Tiêm với nhiệm vụ chuyển nước tưới trên kênh N1, ngăn mặn trong mùa khô, phân lũ trong mùa lũ chính vụ, cấp một lượng phù sa đáng kể cho vùng hạ du.
Cống đập Việt Yên với nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn nước tưới cho vùng cuối kênh N1 và N3 Nam Thạch Hãn. Đặc biệt là hệ thống cửa đóng mở tự động ứng dụng công nghệ mới, chống ăn mòn kim loại cánh cửa cống đã giúp cho công tác vận hành, quản lý sử dụng thuận lợi và giảm chi phí sửa chữa thường xuyên hàng năm.
Như những mạch nguồn của sự sống, suốt mấy thập kỷ qua, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn cùng với Bảo Đài (Vĩnh Linh), Hà Thượng, Trúc Kinh (Gio Linh), Tân Độ (Hướng Hóa), Ái Tử (Triệu Phong), Khe Chanh, Thác Heo (Hải Lăng), Hiếu Nam, Đá Lả, Nghĩa Hy, Đá Mài, Tân Kim (Cam Lộ)…với hàng trăm ngàn mét kênh mương các cấp đã tỏa rộng, vươn dài, len lõi, âm thầm làm tròn phận sự là chuyển dòng nước ngọt về tận các chân ruộng, góp một phần cực kỳ quan trọng trong việc giữ vững và nâng cao năng suất cây trồng, cung cấp nguồn nước sạch cho dân sinh, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn và đảm bảo môi trường sinh thái trên một khu vực nông thôn rộng lớn của tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn vẫn đảm bảo phục vụ nước tưới cho hơn 14.815 ha của 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị, trong đó vụ đông xuân 7.420 ha; vụ hè thu 7.395 ha.
Hơn 35 năm trôi qua, trong ký ức của người dân vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng vẫn hằn rõ những mùa hạ gió Lào quần thảo trên những cánh đồng trống trải một màu cỏ bạc phếch. Hạt thóc làm ra quá đỗi nhọc nhằn. Ám ảnh trên cánh đồng vẫn là hình bóng người nông dân oằn lưng tát nước cứu mùa.
Giờ đây, đi qua những thôn làng Triệu Trung, Triệu Đông, Triệu Tài, Triệu Long, Triệu Trạch (Triệu Phong), những vùng đất lúa phía Bắc huyện Hải Lăng, màu xanh đã lan tỏa tít tắp chân trời. Lãnh đạo Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn cho biết, trải qua hơn 35 năm xây dựng và trưởng thành, hiện xí nghiệp đã có đội ngũ CBCNV trên 100 người, được đào tạo cơ bản, luôn được tạo điều kiện để nâng cao nghiệp vụ. Cơ sở vật chất được nâng cấp, hệ thống kênh mương từ kênh chính đến kênh cấp I, cấp II cơ bản được kiên cố hóa, văn phòng làm việc, nơi ăn ở ổn định, trang thiết bị phục vụ cho công việc được đáp ứng đầy đủ.
Trong quá trình tưới, căn cứ vào tình hình sản xuất, thời vụ cây trồng của địa phương, xí nghiệp lập kế hoạch điều tiết phân phối nước đáp ứng kịp thời theo yêu cầu sản xuất của nông dân. Để tiết kiệm nước, đơn vị nghiên cứu áp dụng phương pháp tưới theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng và tình hình nguồn nước ở thượng nguồn.
Giai đoạn làm đất, gieo cấy, dặm tỉa; đầu vụ nước đang dồi dào thực hiện tưới đồng thời trên kênh cấp I và kênh vượt cấp. Giai đoạn lúa sinh trưởng, phát triển, đứng cái và làm đòng, tổ chức tưới luân phiên nhằm tiết kiệm nước, tạo điều kiện cây lúa phát triển tăng năng suất cây trồng.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khu tưới để phát hiện những nơi thừa, nơi thiếu, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Sau những trận mưa phải kịp thời điều chỉnh để an toàn và ngăn chặn úng của vùng trũng ven sông, xí nghiệp đã bố trí lực lượng cán bộ kỹ thuật phụ trách các tuyến cùng công nhân của cụm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện những sự cố, hư hỏng và kịp thời cho xử lý, sửa chữa để đảm bảo tưới suốt mùa vụ.
Vụ hè thu do khả năng nguồn nước có hạn so với yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp và các loại cây trồng, sinh hoạt của nhân dân, nên khi vừa gieo cấy và tỉa dặm xong xí nghiệp thông báo tổ chức tưới luân phiên. Với phương châm tổ chức tưới - tiêu hợp lý và hiệu quả tưới đảm bảo cho các diện tích hợp đồng với xí nghiệp đồng thời tích cực khai thác mở rộng diện tích mà các địa phương đảm nhận tưới bơm.
Tổ chức chỉ đạo bơm đập cao su tích nước đúng thời điểm, sử dụng lượng nước tích được chặt chẽ và có kế hoạch, đặc biệt là không để xảy ra hạn hán cháy lúa. Trong công tác vận hành, đơn vị chỉ đạo phải chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc vận hành về mực nước, lưu lượng. Hệ thống các trạm bơm phải có kế hoạch sửa chữa trước lúc vào vụ, khi cần là có thể vận hành phục vụ được ngay. Công trình Việt Yên phải chú trọng đảm bảo giờ giấc trực, tuân thủ nội qui vận hành, khống chế giữ cao trình nước hợp lý đảm bảo tuyệt đối không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng và gây úng ảnh hưởng đến sản xuất.
Trong thâm canh cây lúa, kênh mương dẫn nước là huyết mạch chảy trong cơ thể ruộng đồng và đã đem đến những điều kỳ diệu, làm thay đổi cuộc sống của người nông dân, từ khó nghèo đến sung túc. Chỉ một dòng nước xanh hiền hòa mà ôm chứa trong lòng nó nguồn sinh lực lớn lao, phục vụ đắc lực cho đời sống kinh tế của người dân vùng đất lúa. Đất hồi sinh và làng quê thanh bình, hiện thực sống động đó được khởi nguồn bởi dòng nước xanh từ công trình thủy nông Nam Thạch Hãn chảy giữa đôi bờ no ấm.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài ra, ông Tuyến còn nuôi thêm cá thát lát cườm, cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp. Hiện, cá thát lát cườm thương phẩm giá từ 59.000 - 62.000 đ/kg, cá sặc rằn loại 6 con/kg giá 65.000 đ/kg, mỗi đợt thu hoạch ông bán ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm.
Cũng theo ông Trương Minh Điền - Giám đốc HTX Thủy sản xã Phú Thuận B, ngoài cá tra bột thì giá cá tra giống cũng đang tăng dần, cá tra giống loại 20; 30 và 50 con/kg bán với giá từ 23.000 đồng đến 30.000 đồng/kg (tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg).
Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là địa phương phát triển về nuôi thủy sản nước ngọt, với diện tích ương nuôi cá giống khoảng 350 ha, có nhiều đối tượng được bà con quan tâm nuôi như tai tượng, trê lai, diêu hồng, rô phi, cá sặc rằn, cá tra... Trong đó, cá tai tượng là một trong những đối tượng có nhiều lợi thế như: thịt ngon, dễ tiêu thụ, giá bán cao, nên cá tai tượng đang được bà con đầu tư nuôi từ khâu nuôi cá bố mẹ cho đẻ, đến ương cá giống, nuôi cá thịt.
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Ngọc Hải, Lý Văn Khánh và Trần Thị Thanh Hiền, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu sử dụng rong bún (Enteromorpha sp.) làm thức ăn cho cá nâu (Scatophagus argus). Kết quả nghiên cứu cho thấy rong bún có thể được sử dụng thay thế một phần thức ăn viên, góp phần cải thiện chất lượng nước, giảm chi phí thức ăn và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Với trăn trở giảm sức lao động cho bà con ngư dân, cải thiện lối câu truyền thống, ba bạn trẻ Lê Văn Hoàng (1986), Phan Thành Nhân (1986) và Nguyễn Văn Xuân (1984) đã sáng tạo ra “Máy kéo câu” (hay còn gọi là “Máy tời thu câu”) phục vụ ngư dân Đà Nẵng.