Nỗi Lo Của Người Trồng Dưa Ở Bãi Giữa Sông Trà

Cuối tháng 3 đáng lẽ là thời điểm những đồng dưa hấu vào vụ thu hoạch nhộn nhịp kèm theo nụ cười rạng rỡ của người nông dân. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay lại mang về cho người trồng dưa ở bãi giữa sông Trà nỗi lo thất bát vì dưa bị bệnh và ế ẩm.
Vừa làm cỏ cho ruộng dưa rộng 16 sào ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi), ông Nguyễn Thông không giấu nỗi bồn chồn khi nhìn thấy những dây dưa hấu chết héo. Bỏ ra bao công chăm sóc để thu về những trái dưa chín đỏ, ông Thông chưa bao giờ thấy khó nhọc như mùa dưa năm nay. “Từ đầu vụ đến giờ, dưa đã chết đến 4 cây bạt rồi (4 sào). Dây vừa ra trái nhỏ chừng nắm tay là dần héo chết, làm cách nào cũng không chữa được”- ông Thông chia sẻ.
Ông Thông có kinh nghiệm trồng dưa đã hơn 5 năm. Những năm trước ông Thông và nhiều người dân Bình Chương (Bình Sơn) đi thuê đất ở khắp các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Sơn Hà để trồng dưa kiếm thu nhập. Năm nay, khi nước lũ vừa rút khỏi bãi giữa sông Trà, ông Thông liền thuê mặt bằng, xử lý đất để vào vụ mới, mang theo hy vọng đất bãi bồi sẽ cho những quả dưa mọng nước.
Nhưng hơn 30 hộ trồng dưa ở vùng bãi bồi sông Trà lại không ngờ rằng, mùa dưa năm nay lại thất bát nặng nề vì dịch bệnh tấn công. Hàng trăm dây dưa dần chết lụi khi vừa đạt 45 ngày tuổi. Ông Lê Văn Lý cũng bị chết gần 10 sào dưa não nề nói: “Như năm trước thì chỉ chết nhiều lắm cũng khoảng 1 sào thôi. Năm nay thì chết đến 1/3. Giờ dưa có đạt giá cao thì chúng tôi cũng không thể nào lãi được. Tiền điện nước, phân bón bỏ ra cho gần 10 sào dưa chết cũng đã hơn 30 triệu đồng”.
Nói về nguyên nhân bệnh, những người nông dân đều lắc đầu thở dài và thừa nhận đó là lỗi của họ. Bà Nguyễn Thị Bồng trồng hơn 20 sào cũng bị chết mất 8 sào chia sẻ: Dưa hấu luôn ưa đất mới. Chúng tôi đã gắn với đất Tịnh An này được 2 vụ dưa rồi.
Do cuối năm 2013 có đợt lũ lớn, nghĩ là nước lũ sẽ cuốn đi đất cũ và bồi lên đất mới nên chúng tôi vẫn tiếp tục trồng thêm vụ nữa. Nhưng đến khi bệnh héo xanh đồng loạt tấn công thì chúng tôi mới biết, đất cũ không hề bị cuốn đi nên ẩn chứa mầm bệnh cho dưa.
Do vậy, trong khi các đồng dưa khác ở các huyện trong tỉnh vẫn bội thu mùa dưa hấu thì tại đồng dưa xã Tịnh An rộng hơn 80ha, đã có 1/3 diện tích dưa mắc bệnh héo xanh, năng suất dưa thu về giảm sút đáng kể.
Ông Phạm Bách- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Một khi vi khuẩn gây hại cho dưa hấu vẫn còn ẩn trong đất, người nông dân lại không xử lý đất kỹ thì dịch bệnh tấn công là chuyện có thể đoán trước. Bệnh héo xanh hiện chưa có thuốc đặc trị. Để ngừa bệnh lây lan, người nông dân phải nhổ bỏ những dây chết, xử lý bằng cách rải vôi. Để phòng bệnh lâu dài, cần xử lý đất kỹ và luân canh trồng nhiều loại cây khác nhau để cải tạo đất.
Ngoài nỗi lo dịch bệnh tấn công khiến cho năng suất dưa giảm sút rõ rệt, vấn đề đầu ra và giá cả cũng khiến người trồng dưa ở bãi giữa sông Trà đau đầu. “Năm trước, tôi trồng 15 sào dưa, sau khi trừ tổn phí thì còn lãi hơn 70 triệu đồng. Giá dưa đầu mùa năm ngoái lên đến 11.000 đồng/kg, giữa mùa giảm còn 6.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá dưa đầu mùa chỉ có 3.500 đồng/kg, đến cuối vụ có khi chỉ còn vài trăm đồng”- ông Trần Thính có hơn 20 sào dưa ở bãi giữa sông Trà lo lắng.
Hơn 30 hộ trồng dưa ở đồng dưa xã Tịnh An đang thấp thỏm chờ đợi với nỗi lo bị ép giá khi dưa đến kỳ thu hoạch mà giá rớt thê thảm và chẳng có thương lái đến mua. Vụ dưa xuân hè dù chỉ mới đầu mùa đã mang lại nhiều nỗi lo cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7/10, Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển về sự phát triển bền vững phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi tổ chức hội thảo thông tin tuyên truyền mở rộng vùng GAP năm 2016 – 2017 tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có bước phát triển mạnh là nhờ số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản khá ổn định, trong đó tàu thuyền khai thác biển 385 chiếc (có 10 chiếc đánh bắt xa bờ).

Ngày 9.10, tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ - Bình Định), Tập đoàn Việt- Úc đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao. Dự lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà và Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt- Úc Lương Thanh Văn.

Tình trạng ngư dân sử dụng rọ lồng (hay còn gọi là lồng bát quái, lồng xếp) để đánh bắt thuỷ sản đang diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái.

Từ xưa đến nay, khu vực thị xã Bình Long nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, bà con nông dân còn bỏ phí, chưa đầu tư, tận dụng hết tiềm năng diện tích ao hồ có sẵn mà thường chú trọng vào cây công nghiệp, ao hồ chủ yếu dành để cung cấp nước tưới.