Nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol đưa sang chăn nuôi... đã bị triệt tiêu!
Nhằm giảm thiểu tình trạng sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngoài những biện pháp chống, cũng cần có những biện pháp "xây".
Đó là những nội dung chính tại Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ với chủ đề “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Bình Dương ngày 12/4.
Đã kiểm soát nguồn cung chất cấm
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, kết quả kiểm tra chất cấm trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có dấu hiệu giảm xuống.
Trong tháng 1, trong 1.000 mẫu nước tiểu, các cơ quan chức năng phát hiện có 98 mẫu dương tính với chất cấm (9,8%). Sang tháng 2, trong số 1.157 mẫu nước tiểu, có 17 mẫu dương tính chất cấm (1,47%). Tháng 3, trong 457 mẫu nước tiểu, chỉ có 3 mẫu dương tính chất cấm (0,66%).
Ở các tỉnh phía Bắc, từ sau Tết Bính Thân đến nay, qua kiểm tra chưa phát hiện trang trại, lò mổ sử dụng chất cấm. Ở phía Nam, tình hình sử dụng chất cấm vẫn còn nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với trước đây. Theo báo cáo của Chi cục Thú y TPHCM, từ 17/1 - 7/2, qua kiểm tra phát hiện 11/276 lô heo có chất cấm. Trong tháng 3, tỷ lệ phát hiện tồn dư chất cấm là 1,5%.
Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bí mật lấy 207 mẫu TĂCN của 32 công ty ở 10 tỉnh để phâm tích. Kết quả cho thấy không phát hiện Salbutamol và Auramine (Vàng Ô). Có thể khẳng định hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công TĂCN đã không còn sử dụng chất cấm trộn vào TĂCN.
Một thông tin đáng chú ý là đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được nguồn mua bán Salbutamol để sử dụng không đúng mục đích (trong đó có sử dụng trong chăn nuôi).
Đại diện C49 cho biết, qua điều tra cho thấy không có lượng Salbutamol nhập lậu vào Việt Nam, chỉ có Salbutamol được nhập khẩu chính ngạch từ Ấn Độ trong các năm 2014 và 2015, tổng khối lượng 9.140 kg. Một phần lớn trong đó (6.248 kg) không được sử dụng để sản xuất thuốc cho người mà được bán ra ngoài không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích.
Hiện nay trong kho của các Cty dược còn lại khoảng 1.334 kg Salbutamol, các Cty đã tiến hành thu hồi 2.025 kg Salbutamol đã phối trộn (tỷ lệ Salbutamol thấp, kém chất lượng). Như vậy, chỉ còn một lượng nhỏ Salbutamol đang trôi nổi bên ngoài. Cơ quan chức năng đã nắm rõ những đối tượng mua bán Salbutamol, nhưng do hành vi chưa cấu thành tội phạm nên chưa thể khởi tố. Những đối tượng này vẫn đang tiếp tục được cơ quan chức năng theo dõi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol, nên việc đưa sang chăn nuôi để dùng sai mục đích đã bị triệt tiêu. Bộ Y tế sẽ đưa các chất vẫn dùng trong y tế, nhưng đã bị cấm ở các ngành khác, vào diện quản lý đặc biệt. Chẳng hạn nhu cầu sử dụng làm thuốc là bao nhiêu thì chỉ cấp phép nhập về với số lượng bấy nhiêu.
Theo TS Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, cần đẩy mạnh hướng dẫn cho nông dân chăn nuôi heo đạt tỷ lệ nạc cao mà không dùng chất cấm, như: Sử dụng các giống heo siêu nạc như Duroc, Landrace …; sử dụng thức ăn của các Cty có uy tín cũng làm tăng tỷ lệ nạc; nếu nông dân tự trộn thức ăn nên mời kỹ sư tư vấn phương pháp trộn sao cho làm tăng tỷ lệ nạc mà không dùng chất cấm; dùng các chất làm tăng tỷ lệ nạc được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng…
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương quanh vấn đề chất Vàng Ô vốn dùng trong một số ngành công nghiệp lại đang được sử dụng trong chế biến thực phẩm hay trong sản phẩm của một số nhà máy TĂCN. Kết quả của buổi làm việc là sắp tới Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng, mua bán chất Vàng Ô.
Ông Việt cho rằng trong thời gian tới cần tập trung thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm ở khu vực trang trại. Để thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, những đợt kiểm tra theo kế hoạch chỉ nên chiếm khoảng 30%, còn 70% là kiểm tra đột xuất.
Còn theo ông Phan Minh Báu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, cũng nên tập trung thanh tra, kiểm tra các vựa thu gom heo. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy ở những vựa heo có tình trạng bơm nước vào trong con heo nhằm ăn gian khối lượng, thì tỷ lệ heo ở đó dương tính với Salbutamol cũng rất lớn. Hay có thể nói, những vựa heo có dấu hiệu làm ăn gian dối cũng là những nơi tập trung heo dương tính với chất cấm.
Xây dựng những mô hình tốt
Theo TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để quản lý tốt việc sử dụng chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bên cạnh biện pháp chống, cũng cần có những biện pháp "xây".
Trong thời gian qua, công tác khuyến nông đã tập trung vào việc xây dựng những mô hình chăn nuôi không sử dụng chất cấm, không lạm dụng kháng sinh. Trước hết là các mô hình chăn nuôi VietGAHP. Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã phối hợp với dự án LIFSAP tổ chức tập huấn quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho 52 nhóm nuôi heo ở 3 huyện, thị xã của tỉnh Đồng Nai.
Kết quả đã có 622 hộ thuộc 52 nhóm này được chứng nhận VietGAHP. Trong đó, có không ít mô hình làm nuôi heo VietGAHP tiêu biều như hộ ông Đoàn Thanh Long (xã Xuân Lập, Long Khánh), 5 năm qua không bị dịch, mỗi con heo xuất chuồng lãi bình quân 700.000 - 1.000.000 đồng.
Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh, TP vùng Nam Bộ đã tích cực tham gia xây dựng các mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt chất cấm và tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn. Trung tâm Khuyến nông Bình Phước đã ký cam kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Trên địa bàn tỉnh này, Cty Bình Minh đã ký kết chương trình hợp tác, liên kết với nông dân, hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi gia cầm.
Việc tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các chất thay thế chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi cũng đang được nhiều Trung tâm Khuyến nông ở các tỉnh phía Nam triển khai tích cực và có hiệu quả. Trong đó, việc chuyển giao nhanh TBKT về đệm lót sinh học là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế chất cấm và kháng sinh.
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cũng được chú trọng. Đã có nhiều mô hình thành công như mô hình nuôi heo nái trên đệm lót sinh học của trang trại Trang Linh (Xuyên Mộc, BR - VT), mô hình sử dụng thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính để nuôi heo của anh Nguyễn Phi Long (xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo, Bình Dương)…
Một điều đáng chú ý là bắt đầu từ 1/7/2015, khi Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự thay vì phạt hành chính như trước đây. Theo đó, người sử dụng chất cấm, cho dù chưa xác định được hậu quả mà hành vi đó gây ra, cũng sẽ phải đối mặt với án tù từ 1 - 5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, án phạt sẽ tăng lên, tới mức cao nhất là 20 năm tù.
Chính vì vậy, tại diễn đàn, một số đại biểu đã lưu ý người chăn nuôi nên biết cách tự bảo vệ mình khi sử dụng TĂCN. Theo TS Lã Văn Kính, khi mua TĂCN, nông dân nên yêu cầu nơi cung cấp phải có cam kết trong hợp đồng là thức ăn không có chất cấm.
Khi sử dụng TĂCN, nông dân cần lấy mẫu bỏ vào lọ, bên ngoài ghi rõ lô hàng sản xuất ngày nào, nhà sản xuất… để phòng khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện heo trong trại dương tính chất cấm thì có thể kiểm tra xem có phải do TĂCN hay không.
Có thể bạn quan tâm
“Khi vào TPP, chúng ta sẽ không chơi theo luật của ao làng nữa. Nếu không tăng chất lượng và năng suất, ngành chăn nuôi heo sẽ từ từ chết dần bởi sức cạnh tranh rất lớn từ các nước” - PGS -TS Vũ Ngọc Hải (Đại học Nông lâm TP.HCM) nhận định.
Với sản lượng 6-7 triệu tấn lúa/vụ, nhu cầu sử dụng máy sấy lúa của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất lớn. Tuy nhiên, hiện công nghệ và số lượng máy sấy lúa ở đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Thời gian gần đây nông dân trồng chanh ở tỉnh Đồng Tháp hết sức phấn khởi vì được các DN của Hàn Quốc sang ký hợp đồng thu mua trái chanh bông tím nên đầu ra khá ổn định.