Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguồn gốc của quả thanh mai trên thị trường Hà Nội

Nguồn gốc của quả thanh mai trên thị trường Hà Nội
Ngày đăng: 03/06/2015

Có nguồn tin nói rằng quả có nguồn gốc tại các tỉnh miền núi Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lâm Đồng (Việt Nam), số khác lại cho biết quả thanh mai có nguồn gốc Trung Quốc. PV NNVN vào cuộc tìm hiểu làm rõ nguồn gốc xuất xứ loại quả lạ lẫm này.

Dạo quanh một loạt tuyến đường như Trần Duy Hưng, Xuân Thủy, Phạm Hùng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Khát Chân… (Hà Nội), không khó để bắt gặp những chiếc xe đạp chở đằng sau một sạp hàng quả thanh mai mà thoạt nhìn rất giống quả dâu tây, song bên ngoài lại xù xì giống quả mâm xôi có màu đỏ tía như màu mận chín hay nho tím.

Hỏi những người bán hàng rong, hầu hết đều nói đây là quả thanh mai hay còn có tên gọi khác là dâu rừng được thu hái tự nhiên tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn của Việt Nam.

Quả thanh mai hiện được bán lẻ với giá dao động từ 100.000 - 130.000 đồng/kg. Tôi mua thử 1 kg để ăn thấy quả có vị ngọt, thanh mát, thơm dịu. Nhìn chung khá dễ ăn. Một số chị em mua loại quả này cùng tôi chia sẻ, ngoài việc ăn trực tiếp có thể dùng để ngâm đường như chúng ta vẫn ngâm sấu để uống dần cũng rất tốt cho sức khỏe.

Sau khi quả thanh mai xuất hiện tại thị trường Hà Nội, trên một số trang mạng xuất hiện rất nhiều thông tin nhiễu loạn về loại quả này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, quả thanh mai đang được bày bán tại Hà Nội không chỉ có nguồn gốc tại Việt Nam mà còn có cả hàng từ Trung Quốc, và chỉ là loại quả tiều dùng thông thường.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Tuân - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII, Lào Cai (Cục BVTV - Bộ NN-PTNT) cho biết, mấy ngày nay ông được rất nhiều báo đài hỏi về loại quả này nên đã tiến hành rà soát và liên hệ với cơ quan hữu quan phía Trung Quốc làm rõ.

Theo đó, loại quả này có nguồn gốc tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), số lượng, diện tích không nhiều. Tính đến thời điểm hiện nay, lượng quả thanh mai nhập trái phép qua cửa khẩu Lào Cai chỉ có một lô khoảng trên 10 tấn. Ông Tuân cho biết thêm, loại quả này xuất hiện khá lâu rồi, nhưng năm nay mới rộ lên.

Ông Tuân khẳng định, quả thanh mai NK vào Việt Nam sẽ vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật như bất kỳ loại trái cây nào khác của Trung Quốc NK vào Việt Nam theo hiệp định thương mại ký kết giữa hai nước. Bên cạnh đó, ông Tuân tìm hiểu và được biết bên Trung Quốc họ ăn quả thanh mai rất nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng không có gì phải quá lo lắng, hoài nghi hay đồn đoán về loại quả này.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, phụ trách mảng quả của Viện song ông chưa từng biết đến loại quả thanh mai đang bày bán gần đây tại Hà Nội là loài gì bởi Viện Nghiên cứu Rau quả từ trước tới nay chưa có bất kỳ đề tài, dự án nào nghiên cứu hay khảo nghiệm với loại cây trồng này.

Theo thông tin Cục BVTV cung cấp cho chúng tôi, chiều 2/6, quả thanh mai hay còn gọi là dâu rượu có tên khoa học là Myrica sp. Cây mọc hoang ở nhiều nơi tại Việt Nam, nhất là ở tỉnh Lâm Đồng (núi Langbian) và ở các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc, đặc biệt là ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Lào Cai... Cây này còn phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Nam Trung Quốc, Lào, Nhật Bản. Người dân thường thu hái các bộ phận của cây quanh năm về để ăn và làm thuốc.

Quả thanh mai thường chín vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Loại quả này được sử dụng nhiều vào mùa hè như một thứ quả giải khát và được xem là có dược tính do có vị chua ngọt và thơm, có tác dụng bổ phổi và dịu đau dạ dày.

Do giá trị giải khát và chữa bệnh, hiện nay thanh mai đã được người dân trồng và khai thác từ tự nhiên để bán khá phổ biến ở nhiều nơi.

Quả dâu rượu Bắc bộ Việt Nam mọc hoang trong rừng và được bán với tên thanh mai; còn thứ dâu rượu của núi Langbian thì quả nhỏ hơn và cũng ăn được. Ở Quảng Bình, người ta dùng quả tươi cho lên men chế rượu dâu dùng uống tốt thay các loại nước lên men; cũng có thể dùng quả khô để chế nước uống riêng.

Trong y học, thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và lỵ. Hạt được sử dụng chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; vỏ thân và vỏ rễ sắc uống dùng điều trị đụng giập, loét, các bệnh về da và ngộ độc arsenic.

Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Hà - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, Lạng Sơn, cho biết, sau khi tiến hành rà soát hiện chưa có lô quả thanh mai nào từ Trung Quốc NK vào Việt Nam qua tỉnh Lạng Sơn. 

Về thông tin quả dâu rượu NK từ Trung Quốc, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết, đơn vị đã kiểm tra kỹ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hiện nay và khẳng định Cục BVTV chưa cấp phép NK cho bất cứ lô quả dâu rượu (thanh mai) nào từ Trung Quốc.

Còn riêng lô hàng thanh mai trên 10 tấn sau khi bị phát hiện NK trái phép vào Việt Nam tại cửa khẩu Lào Cai (ngày 29/5), Cục BVTV đã tiến hành xử phạt hành chính và lấy mẫu theo quy định về kiểm dịch thực vật.

Còn việc khi chúng ta ăn quả nếu để ý thỉnh thoảng vẫn phát hiện ra dòi trên quả như dòi trên quả ổi, quả thị, xoài, na, cam quýt và trong quả nhãn, quả vải thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy sâu đục cuống trông khá giống dòi, theo Cục BVTV là điều bình thường trong tự nhiên...

Do vậy, việc phát hiện ra dòi trên các loại quả là hoàn toàn bình thường, thậm chí khá phổ biến trong tự nhiên đối với các loại quả tươi nhiệt đới nếu không có biện pháp diệt trừ chúng.

Thực ra, đây là ruồi đục quả, một loại sâu hại quả tươi phổ biến ở hầu khắp các vùng trồng cây ăn quả ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, nếu quả để bị thối hỏng có thể tìm thấy thêm các loài dòi của ruồi dấm trên đó.

Do vậy, không có gì phải lo ngại đối với thông tin về phát hiện ra dòi trên quả thanh mai hay các loại quả tươi khác. Như vậy, người tiêu dùng không nên lo lắng đối với các thông tin trên một số báo mạng đối với quả dâu rượu (thanh mai) đang được tiêu thụ trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Saigon Co.op ký hợp đồng bao tiêu hơn 100 tấn hành tím Vĩnh Châu Saigon Co.op ký hợp đồng bao tiêu hơn 100 tấn hành tím Vĩnh Châu

Thông tin từ Liên hiệp HTX TM TPHCM Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Co.opmart đã chính thức ký kết bao tiêu hơn 100 tấn củ hành tím Vĩnh Châu - Sóc Trăng giúp nông dân giải quyết khó khăn hiện tại khi mặt hàng này được mùa mất giá.

24/04/2015
Bó tay với kháng sinh trong tôm? Bó tay với kháng sinh trong tôm?

Mới đây, những thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) không thể bàng quan: Trong 2 tháng đầu năm 2015, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối nhập khẩu 107 lô tôm, tương đương 1/3 tổng số lô tôm bị từ chối trong năm 2014.

24/04/2015
Thị trường cà phê nửa năm nhìn lại Thị trường cà phê nửa năm nhìn lại

Năm kinh doanh cà phê 2014-2015 đã đi được nửa đường, tính từ ngày 1-10 năm ngoái. Với chừng 3,5 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu cà phê năm trước - một con số quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung, thử nhìn lại nửa chặng đường ngành cà phê vừa đi qua năm nay.

24/04/2015
Giá bán và giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đều giảm Giá bán và giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đều giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) cá tra lớn nhất của Việt Nam (chiếm 21,9%) nhưng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tính đến 15/3 giảm tới 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 62,9 triệu USD).

24/04/2015
Tìm đường tiêu thụ cho hành tím Sóc Trăng Tìm đường tiêu thụ cho hành tím Sóc Trăng

Để giúp một lượng lớn hàng tím của người dân Nam bộ đang dồn ứ trong kho, ngành đường sắt quyết định miễn phí cước tàu hỏa từ Nam ra Bắc cho nông dân.

24/04/2015