Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Mía Kêu Cứu

Người Trồng Mía Kêu Cứu
Ngày đăng: 17/11/2014

Giá mía giảm, tình hình tiêu thụ khó khăn, không ít nông dân lâm vào cảnh nợ nần, nhiều nơi mía đã trổ cờ do quá ngày thu hoạch,... Đó là những khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phụng Hiệp nói riêng phải gánh chịu và đang cần sự giúp đỡ từ các ngành chức năng.

Kể từ khi các nhà máy đường có thông báo giảm giá thu mua mía 50 đồng/kg (từ ngày 30-10 vừa qua), đã tác động mạnh mẽ đến tình hình tiêu thụ mía của người dân, từ chỗ đã khó nay càng khó khăn hơn. Theo đó, các thương lái cũng đồng loạt giảm giá thu mua mía trong dân, hiện giá mía cân tại rẫy chỉ dao động từ 680-720 đồng/kg tùy giống, với mức giá này, hầu hết người trồng mía đều lỗ nặng.

Vừa bán xong gần 1ha mía cách đây mấy ngày, anh Huỳnh Kiến Quốc, ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vụ mía năm trước, gia đình tôi may mắn huề vốn, cứ tưởng năm nay cố gắng đầu tư, chăm sóc để bù đắp lại nhưng không ngờ thảm hại hơn. Tôi vừa bán xong hơn 100 tấn mía (giống K88-92), với giá 720 đồng/kg, giảm gần 100 đồng/kg so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nếu không tính công nhà cũng đã lỗ gần 10 triệu đồng”.

Mặc dù bị thua lỗ nhưng xem ra anh Quốc vẫn còn may mắn hơn so với những hộ đã vay tiền từ ngân hàng để đầu tư sản xuất. Vì, với tình hình giá mía như hiện nay, những hộ này đang lo không biết có tiền trả tiền phân, thuốc hay không, chứ có đâu trả tiền vay ngân hàng.

Với vẻ mặt đầy lo âu, ông Nguyễn Văn Dũng, ở cùng ấp Mùa Xuân, bộc bạch: “Năm nay, người trồng mía lỗ nặng. Đầu vụ, gia đình tôi có vay ngân hàng 35 triệu đồng để đầu tư cho 7 công mía và luôn tích cực làm cần mẫn cả năm chỉ mong đến ngày thu hoạch để có tiền trả nợ, nhưng không ngờ giá mía năm nay lại tiếp tục giảm sâu. Giá thấp, nhưng chạy kêu thương lái mấy ngày nay cũng không ai dòm ngó nên 7 công mía vẫn nằm ngoài rẫy dù đã quá ngày thu hoạch”.

Hiện nay, bên cạnh áp lực giá mía giảm, phải chịu cảnh thua lỗ,… người trồng mía còn đang gặp khó trong vấn đề kiếm thương lái để bán mía. Trong tổng số khoảng 2.500ha mía chưa thu hoạch trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, thì xã Tân Phước Hưng chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với khoảng 1.700ha.

Điều đáng quan tâm trong lúc này là tại ấp Mùa Xuân nơi có hơn 300ha mía còn lại ở đây đã trổ cờ vì quá ngày thu hoạch, nhưng việc kiếm thương lái để bán mía cũng giống như “đãi cát tìm vàng”.

Nhìn ra 7 công mía (giống K88-92) đã trổ cờ trắng xóa nhiều ngày qua, ông Phan Văn Chiến cho biết: “Cả tuần nay, ngày nào tôi cũng như nhiều bà con khác đã chạy khắp nơi kiếm thương lái để bán mía nhưng tất cả đều vô vọng.

Có hộ cố gắng năn nỉ thì cũng được thương lái đồng ý mua, nhưng chỉ có giá 680 đồng/kg và hẹn đến 20 ngày sau mới cân mía. Trong khi mía đã trổ cờ và khả năng chỉ cầm cự tối đa khoảng 15 ngày nữa, nếu không thu hoạch sớm thì mía sẽ chết, giảm trọng lượng. Do đó, với cách mua như hiện nay của thương lái thì thử hỏi làm sao nông dân không bức xúc”.

Theo bà con nông dân nơi đây, mọi năm, thương lái tìm chủ mía nhưng năm nay thì ngược lại. Nếu như đầu tháng trước, khi kêu thương lái bán mía thì họ cho rằng mía còn non, đến giờ mía đã trổ cờ thì lại sợ mất chữ đường nên e dè không chịu thu mua. Được biết, ấp Mùa Xuân có khoảng 500ha mía do Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đứng ra bao tiêu, hiện tại người dân đã thu hoạch được hơn 100ha, còn lại hơn 300ha (chủ yếu giống K88-92).

Nếu như vào thời điểm này của các năm trước thì thương lái đến đây mua mía khá nhiều, nhưng năm nay chỉ có 2 thương lái địa phương mua mía cho bà con. Trong khi, mỗi ghe có tải trọng khoảng 30 tấn nên mỗi lần chỉ mua được 2 công mía, thời gian vận chuyển mía nếu tính cả đi và về thì mất khoảng 6 ngày.

Như vậy, hơn 300ha mía còn lại ở đây phải mất một thời gian khá lâu mới tiêu thụ hết và đây là điều khiến người dân vô cùng lo lắng, bởi hầu hết các diện tích mía đến thời điểm này đều trên 12 tháng tuổi và đã trổ cờ. Ông Chiến cho biết thêm: “Vào thời điểm này của những vụ mía trước, khu vực phía sau nhà tôi bà con đã đốn hết mía và chuẩn bị trồng lại. Nhưng hiện nay chỉ thu hoạch lác đác một vài hộ nên diện tích còn lại khá nhiều.

Với tiến độ thu hoạch mía như hiện nay, nếu ngành chức không sớm đưa ra giải pháp thì nhiều khả năng tình trạng mía chết khô ngoài đồng, gây thiệt hại cho người dân là điều khó tránh khỏi”.

Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng Phan Hồng Phước cho hay: Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía phải chịu cảnh bán mía với giá thấp, nhưng có lẽ năm nay là năm thảm nhất khi nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, trong khi cây mía là cây trồng chủ lực của xã. Vào thời điểm này hàng năm, bà con trên địa bàn xã đã thu hoạch khoảng 3/4 diện tích mía, nhưng năm nay chỉ khoảng 1.000/2.700ha.

Nguyên nhân là do giá mía liên tục sụt giảm, nhất là đợt giảm 50 đồng/kg vào ngày 30-10 vừa qua đã tác động mạnh đến tiến độ thu hoạch mía của bà con. Điều lo lắng của địa phương cũng như người trồng mía trong lúc này là có nhiều diện tích mía đã trổ cờ, nhất là giống mía QĐ 13 đã có dấu hiệu chết cây, khả năng chỉ cầm cự trong 10 ngày nữa.

Do đó, biện pháp trước mắt là địa phương đang vận động người dân tiếp tục tìm thương lái đến mua ở những nơi mía bắt đầu có dấu hiệu chết cây, đồng thời đề nghị UBND tỉnh có biện pháp kêu gọi các nhà máy lân cận vào chi viện. Riêng các nhà máy đường có thể xem xét nâng giá thu mua như đầu vụ để người trồng mía giảm bớt gánh nặng trong mùa mía năm nay…

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1830DF/Nguoi_trong_mia_keu_cuu.aspx


Có thể bạn quan tâm

13 Cơ Sở, Vùng Sản Xuất Nông Sản Đạt Tiêu Chuẩn GlobalGAP 13 Cơ Sở, Vùng Sản Xuất Nông Sản Đạt Tiêu Chuẩn GlobalGAP

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 13 cơ sở, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong đó, có 4 cơ sở cây ăn trái, 2 cơ sở rau màu và 7 cơ sở thủy sản. Nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP trên cây ăn trái chủ yếu trên bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm, mận, xoài,…

29/11/2013
Được Mùa Vụ Dưa Hấu Cuối Năm Được Mùa Vụ Dưa Hấu Cuối Năm

Với giá bán 3.800-6.000 đồng/kg dưa hấu, vụ dưa hấu cuối cùng trong năm của bà con đất cồn (thuộc xã An Thủy - Ba Tri, Bến Tre) được đánh giá là có lãi khá cao. Do đặc thù của vùng đất, từ nhiều năm nay, bà con đất cồn không trồng vụ dưa hấu Tết vì “đụng hàng” với dưa của miền Đông và các tỉnh lân cận.

29/11/2013
Sáng Tạo Trong Mô Hình Lúa – Tôm Sáng Tạo Trong Mô Hình Lúa – Tôm

Sau nhiều năm năng suất tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Ngô Văn Hùng, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), sáng tạo bằng cách chia nhỏ vuông tôm để nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, kết quả năng suất tôm tăng trên 50%, lúa đạt trên 20 giạ/công.

30/11/2013
Ông Bắt Làm Giàu Từ Ong Ông Bắt Làm Giàu Từ Ong

Đến với ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó như một cái duyên. Nhưng cái duyên đó đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Phùng Văn Bắt, thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

30/11/2013
Diện Tích Ruộng San Phẳng Bằng Máy Tia Laser Quá Ít Diện Tích Ruộng San Phẳng Bằng Máy Tia Laser Quá Ít

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Giang Đoàn Ngọc Phả, nguyên nhân do giá bán máy còn quá cao (bao gồm cả máy kéo khoảng 500 triệu đồng), trong khi thời gian hoạt động của máy san đất chỉ vài ngày sau thu hoạch vụ lúa đông xuân nên nông dân ngại đầu tư vì chậm thu hồi vốn.

30/11/2013