Người Trồng Dưa Hấu Méo Mặt
Vụ này, người trồng dưa “méo mặt” vì mất mùa, mất giá, lại còn bị một số phần tử xấu ăn chặn khi xuất bán.
Theo các thương lái chuyên thu mua dưa hấu đưa đi tiêu thụ tại thị trường miền Bắc và Trung Quốc, vụ dưa này cả thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc đều “ăn” rất yếu. Do vậy, giá thu mua dưa tại ruộng hiện đang rất thấp.
Ông Lê Đình Chiến ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), thương lái chuyên thu mua dưa hấu từ miền Nam ra tới miền Trung, lên đến Tây Nguyên để cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho biết: “Trong Tết Nguyên đán, giá dưa được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc và miền Bắc còn khá cao, nên chúng tôi thu mua dưa tại ruộng với giá hơn 10.000đ/kg, người trồng dưa còn phấn khởi.
Thời điểm hiện tại, thị trường nội địa đang tiêu thụ rất yếu, thị trường Trung Quốc cũng không hơn gì nên chúng tôi thu mua tại ruộng với giá chỉ 5.000đ/kg. Với cái giá này, người trồng dưa thua lỗ là cái chắc”.
Ông Lê Hà Nhi (40 tuổi), quê ở thôn 3, xã Bình Nghi (Tây Sơn-Bình Định), người đã có gần 15 năm “du canh” trồng dưa hấu hiện đang thuê hần 1 ha đất ở Phú Túc (Krông Pa-Gia Lai) trồng dưa hấu, cho biết thêm: “Hiện nay, diện tích trồng dưa hấu của tui ở Phú Túc thu hoạch đã gần hết.
Giá bán dưa trong vụ này rất thảm, chỉ 5.000đ/kg. Vụ dưa năm nay bị mất mùa do thời tiết những tháng trước Tết Nguyên đán bất thuận nên năng suất dưa đạt rất thấp, mất đến 1/3 năng suất so cùng kỳ năm trước”.
Theo tính toán của ông Nhi, nếu như vụ này năm trước năng suất dưa đạt bình quân hơn 2 tấn/sào thì năm nay chỉ đạt 1,5 tấn. Mỗi sào dưa được đầu tư bình quân 8 triệu đồng, nếu dưa thu hoạch đạt hết loại 1 bán được 5.000đ/kg, thu được 7,5 triệu đồng/sào thì người trồng dưa vẫn lỗ 500.000đ/sào, ấy là chưa kể bỏ công chăm sóc suốt mấy tháng trời.
Thế nhưng khi dưa đã ế thì thương lái phân loại dưa còn khắc nghiệt hơn, nên số lượng dưa bị đánh xuống loại 2, loại 3 khá nhiều. Do đó, thu nhập từ 1 sào dưa còn thấp hơn mức 7,5 triệu rất nhiều, người trồng dưa lỗ méo mặt.
“Riêng ruộng dưa của tui, tui tính thấp nhất bị lỗ khoảng 1 triệu đồng/sào. Với 1 ha dưa, vụ này tui lỗ đứt 20 triệu đồng”, ông Nhi than thở.
Không chỉ vậy, người trồng dưa lẫn thương lái đến thu mua dưa tại xã Yayeng thuộc huyện Phú Thiện (Gia Lai) hiện đang gặp thêm cái nạn là bị một số phần tử xấu ở địa phương này “ăn chặn” giá mỗi khi thu hoạch, xuất bán dưa. Theo những thương lái thu mua dưa tại đây, xe nào lên thu mua dưa tại xã Yayeng đều phải cống nộp 1 giá.
Ví dụ, mua 15 tấn dưa phải nộp 1,5 triệu đồng, mua 20 tấn phải nộp 2 triệu. Đơn cử 1 trường hợp, vào ngày 9 tháng Chạp âm lịch năm vừa qua, bà Trần Thị Năm (65 tuổi) ở Diên Khánh (Khánh Hòa) lên thu mua dưa tại xã Yayeng thì bị nhóm thanh niên khoảng 15 người cả nam lẫn nữ đòi phải nộp 5 triệu, nhờ nhà vườn “xin giảm” được 1 triệu nên bà Năm chỉ còn phải nộp 4 triệu.
Không chỉ vậy, với lô dưa bà Năm mua, nhà vườn còn phải “cống nạp” cho nhóm thanh niên kia 5 triệu đồng nữa.
“Đã vậy, số dưa loại 3 tôi không mua vì không tiêu thụ được, bọn họ cũng không cho nhà vườn bán, bắt phải để lại cho họ thu mua nhưng với giá chỉ bằng nửa giá thị trường. Người trồng dưa đã bị mất mùa, mất giá lại còn bị ăn chặn kiểu này thì lỗ to”, bà Năm nói.
“Sau mùng 7 tháng Giêng, Trung Quốc sẽ mở cửa khẩu nhập dưa, không biết khi ấy giá dưa có được cải thiện hay không. Sau Gia Lai, khoảng 10 ngày nữa sẽ đến lượt đồng dưa ở Sông Hinh (Phú Yên) thu hoạch, rồi tiếp tục đến Bình Định, Quảng Ngãi. Người trồng dưa ở Sông Hinh (Phú Yên) đang mong mỏi giá dưa tăng cao trong những ngày tới”, ông Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), thương lái chuyên thu mua dưa cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh trong triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế là những nội dung được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của Hội Nông dân Việt Nam” do T.Ư Hội NDVN tổ chức chiều 13.10 tại Hà Nội.
5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Quảng Ninh là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.
Nằm ở nơi được xem là xa xôi nhất của TP.Hồ Chí Minh, nhưng Chi hội Nông dân ấp Doi Lầu (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) lại trở thành điểm sáng của thành phố trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10.1930-14.10.2015), cùng Dân Việt nhìn lại những cột mốc đáng nhớ của Hội NDVN với những thành tích đáng ghi nhận và tự hào.
Nhà phát minh nông dân Trương Thanh Khoan sau khi phát hiện được một loài kiến làm tổ trên cây dó đã bắt đầu nghiên cứu tập quán sinh sống của kiến, thuần dưỡng kiến, làm “chuồng” gỗ nuôi kiến, trồng cây lấy lá cho kiến ăn và cho kiến uống nước dừa.