Người Nuôi Ngao Ở Thái Thụy (Thái Bình) Điêu Đứng
Năm 2014, tổng diện tích nuôi ngao bãi triều của huyện Thái Thụy (Thái Bình) là 1.020 ha; trong đó xã Thụy Trường có 172 ha, xã Thái Ðô có 396 ha và xã Thái Thượng có 452 ha.
Hầu hết diện tích nuôi ngao đang chuẩn bị cho thu hoạch, tuy nhiên khoảng 10 ngày trở lại đây, gần 100 ha ngao của người dân huyện Thái Thụy đang xảy ra hiện tượng chết hàng loạt.
Theo ước tính ban đầu của ngành chức năng, đến hết ngày 20/8 trên địa bàn huyện đã có khoảng gần 1.000 tấn ngao sắp thu hoạch bị chết, thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng.
Phải rất khó khăn, chúng tôi mới thuyết phục được những người trông ngao tại đây chèo thuyền nan đưa qua hơn 3km trên sông Trà Lý để đến khu vực cồn Ðen (xã Thái Ðô). Ðây là một trong những điểm có diện tích ngao chết lớn của huyện Thái Thụy. Trước mắt chúng tôi hiện ra bãi triều nuôi ngao rộng mênh mông, một số diện tích ngao đã chết trắng bãi, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Anh Ðàm Văn Tuyển, (thôn Danh Giáo, xã Thái Ðô) tranh thủ lúc thủy triều chưa lên cùng với một số người thân trong gia đình thu dọn số ngao đã chết. Gia đình anh nuôi 6 ha ngao đang trong thời kỳ thu hoạch nhưng hàng tấn ngao thương phẩm đã chết, thiệt hại ban đầu ước tính hàng trăm triệu đồng.
Trong thời gian gần 3 năm, gia đình anh đã đầu tư vào 6 ha ngao này hơn 2 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay. Không chỉ thiệt hại về nguồn thu, những người nuôi ngao hiện còn phải thuê hàng trăm công lao động với chi phí từ 150.000 - 170.000 đồng/công cho việc thu nhặt ngao chết để tránh lây lan cho diện tích xung quanh.
Theo tính toán của anh Tuyển, để dọn hết số ngao đã chết trên bãi, gia đình anh phải mất thêm khoảng 50 triệu đồng. “Với tiền lãi trả ngân hàng, tiền công cho người làm thuê, tiền nuôi con cái đang tuổi ăn tuổi học, sau đợt này gia đình tôi chưa biết phải tính thế nào” - anh Tuyển tâm sự.
Không chỉ riêng gia đình anh Tuyển, hiện nay hàng trăm gia đình ở 2 xã Thái Ðô và Thái Thượng cũng đang cùng chung tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi diện tích ngao đã chết chưa thể dọn sạch do con nước lên cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích nuôi ngao và môi trường xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Ngọc Khôi, Chủ tịch UBND xã Thái Ðô cho biết: Thái Ðô hiện có khoảng hơn 300 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 396 ha. Hiện tượng ngao chết xuất hiện từ ngày 10/8 với mật độ rải rác từ 10 - 20%, nhưng từ ngày 11 - 20/8 ngao chết rộ hơn, có những nơi mật độ ngao chết cao, từ 30 - 40%.
Trong khi đó, để đầu tư cho mỗi héc-ta nuôi ngao bà con nông dân phải bỏ ra từ 450 - 500 triệu đồng tiền mua con giống, công chăn nuôi... Nhiều gia đình đang lâm vào tình cảnh mất trắng, khó khăn chồng chất khó khăn, nợ nần chồng chất nợ nần. Trước tình hình đó, UBND xã kiến nghị các cấp có thẩm quyền và ngân hàng xem xét để giãn nợ, tiếp tục cho người dân vay vốn để sản xuất.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, hiện tượng ngao chết xảy ta tại 2 xã Thái Ðô và Thái Thượng bắt đầu từ ngày 5/8 với tỷ lệ chết rải rác khoảng 10% trên diện tích 86 ha. Tuy nhiên, đến ngày 12/8, người dân tiếp tục phát hiện ngao chết nhiều hơn với tỷ lệ khoảng 30 - 40% trên diện tích 35 ha.
Qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao (37 - 39oC), độ chua cao kết hợp với chu kỳ nước kém, ngao bị phơi nắng nhiều... Ngoài ra, độ mặn của nước biển chênh lệch lớn, tăng cao đột ngột cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Thái Thụy đã tổ chức họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người nuôi ngao. Ðể giảm thiểu hậu quả do ngao chết gây ra, UBND huyện tăng cường tuyên truyền để bà con nhân dân khẩn trương thu dọn ngao chết lúc thủy triều rút để tránh ngao chết thối rữa và lây lan dịch bệnh.
Xác ngao chết cần được đem chôn và khử trùng bằng vôi, không đổ trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến vùng nuôi ngao khác. Ðối với những diện tích có ngao đạt kích cỡ thương phẩm thì bà con nên tiến hành thu hoạch, những nơi có mật độ cao thì san thưa để giảm mật độ ngao nuôi. Ngoài ra, người nuôi ngao cần cải tạo và vệ sinh vùng nuôi thật tốt, rắc vôi bừa kỹ hoặc phủ cát mới để cải tạo đáy nhằm khử ô nhiễm, diệt trùng và làm sạch môi trường bãi ngao trước khi thả lứa mới để tránh dịch bệnh.
Chưa năm nào những người nuôi ngao ở Thái Thụy lại gặp khó khăn như hiện nay. Hy vọng các cấp, các ngành sẽ có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp, thiết thực như giãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất và tiếp tục cho người nuôi ngao vay vốn để duy trì sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Ở Việt Nam, hiện nay lạc là một trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, đem lại thu nhập nhanh cho nông dân và là nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Khi thực hiện tiêu chuẩn tự nguyện như những tiêu chuẩn ShAD xây dựng thì “chi phí để tuân thủ các tiêu chuẩn nuôi tôm là bao nhiêu?” Đây là câu hỏi đặc biệt quan trọng với người nuôi tôm quy mô nhỏ, những người đang phải đối mặt với những khó khăn làm hạn chế lợi nhuận của họ.
Nông dân xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch ớt cao sản. Năm nay cây ớt trúng mùa, trúng giá nên ai cũng phấn khởi.
Vụ đông xuân năm 2012, xã Phú Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) xây dựng mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 1.800ha. Trong đó, gần 850ha được doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, DN đã không thu mua lúa cho nông dân.
Hiện nay vụ lúa ĐX 2011-2012 ở các tỉnh phía Nam gặp thời tiết khá thuận lợi, có mưa nhỏ vài nơi với lượng mưa không đáng kể, sáng sớm có sương mù nhẹ, ẩm độ thấp nên hầu hết các loại dịch bệnh không phát triển như các năm trước.