Người Nuôi Bò Sữa Đang Sống Khỏe
Dù không phải là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi bò sữa, thế nhưng, bò sữa vẫn đang phát triển rất tốt ở TP.HCM. Nông dân nuôi bò sữa nếu có trong tay khoảng 10 bò cái vắt sữa là khỏi lo thiếu tiền...
Ngày càng phát triển
Những năm gần đây, nuôi bò sữa ở TP.HCM ngày càng phát triển, tăng cả về sản lượng sữa cũng như quy mô đàn. Giá thu mua sữa nguyên liệu gần đây cũng đã tăng nhẹ khiến nông dân rất phấn khởi.
Ông Huỳnh Hữu Hạnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông dân (thuộc Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 90.000 con bò sữa, năng suất sữa bình quân đàn bò sữa TP. HCM đạt 5.100kg/con/chu kỳ, cao hơn bình quân cả nước (khoảng 4.500kg/con/chu kỳ). Quy mô đàn cũng tăng lên 11,63 con/hộ so với thời điểm năm 2011.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang phát triển chăn nuôi bò sữa theo mô hình nhóm hộ sản xuất. Qua đó, vừa tiết kiệm được chi phí đầu vào do giá thức ăn hỗn hợp, giá vật tư thấp hơn từ 5 - 10% so với thị trường. Trong tổng số gần 9.000 hộ nuôi bò sữa toàn thành phố, hiện có 23 THT và 5 HTX chăn nuôi bò sữa, trong đó, nổi bật là HTX Tân Thông Hội, Tân Xuân, Phước Long...
Hầu hết những THT, HTX chăn nuôi bò sữa này được các doanh nghiệp thu mua sữa nguyên liệu hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sữa nguyên liệu với giá cao hơn các hộ đơn lẻ từ 3 - 5%. Ông Phan Tấn Tài cho biết, hiện có khoảng 10 đơn vị thu mua sữa cho các hộ chăn nuôi, trong đó, Vinamilk và FreslandCampina có lượng thu mua cao nhất. Dù tổng đàn bò cũng như năng suất sữa những năm gần đây đã tăng nhưng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các nhà máy.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành sữa nước ta chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu từ nước ngoài và là một trong 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới với khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại/năm... Việc gia tăng đàn bò và lượng sữa tươi cung cấp đạt cao như ở TP.HCM là điều kiện tốt để giảm dần nhập sữa.
Triệu phú bò sữa
Nhu cầu lớn, giá thu mua tạm ổn giúp bà con nông dân nuôi bò sữa không sợ bị lỗ vốn. Tuy nhiên, bò sữa cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn, người nuôi bò lại rất vất vả khi phải thường xuyên túc trực, chăm sóc và vắt sữa cho bò.
TP.HCM có chương trình phát triển bò sữa giai đoạn 2011 - 2015, trong đó hỗ trợ 50% chi phí cho người nuôi mua các thiết bị như máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt, bình nhôm, máy băm thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng và được trả chậm 6 tháng không lãi suất.
Ông Lê Thành Nhơn (ngụ ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho biết, gia đình có 20 bò cái, trong đó thường xuyên có 10 con cho vắt sữa, sản lượng khoảng 100 - 120kg sữa/ngày. Với giá bán như hiện nay 13.000 - 14.200 đồng/kg, tùy chất lượng sữa, mỗi tuần ông Nhơn thu được khoảng 15 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư như cỏ, thức ăn hỗn hợp, thuốc men cho bò... ông còn lại khoảng 6 - 8 triệu đồng.
“Nuôi bò cực lắm nhưng trung bình mỗi tháng gia đình cũng thu được từ 15 - 18 triệu tiền lãi. Ngoài ra, nếu sau 9 tháng mang thai, bò mẹ đẻ bê cái thì để lại nuôi, tăng đàn, còn nếu đẻ bê đực thì bán được thêm 2 - 3 triệu/con” - ông Nhơn vui vẻ cho biết.
Ông Lê Văn Hùng ngụ xã Trung An (huyện Củ Chi) cũng cho biết, các con đều đã lớn và ra ở riêng, nhà chỉ còn lại hai ông bà, hằng ngày chăm sóc 10 con bò sữa, mỗi tháng thu về 6 - 8 triệu đồng. “Chừng đó cũng đủ để chi tiêu sinh hoạt trong nhà rồi, không phải phụ thuộc các con”- ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bích Quyên- Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi TP.HCM cho biết, giống bò sữa đang là một vấn đề đáng lo ngại trong phát triển chăn nuôi bò sữa. Theo đó, tình trạng cận huyết giữa các thế hệ thứ 2, thứ 3 trong đàn bò ở TP.HCM dù chưa nhiều nhưng nếu không kiểm soát chặt, trong tương lai, tỷ lệ rủi ro về con giống sẽ rất cao.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trịnh Thanh Chiều, một hộ dân trồng mía tại ấp 8, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) cho biết: Giá mía đã tăng lên 100đ/kg so với mấy ngày trước, hiện cân tại vườn với giá 620đ/kg, người dân bớt lo lắng.
Thông tư của Bộ NN-PTNT hướng dẫn, từ ngày 1/1/2015, thực hiện quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36. Hơn 6 tháng cuối năm 2014 là “lộ trình” cho các DN bán hết hàng tồn kho, sau đó sản phẩm cá tra chế biến muốn xuất khẩu phải thoát khỏi “cục nước đá”. Nếu kiểm tra phát hiện “cục nước đá” sẽ bị buộc chế biến lại hoặc tiêu hủy, cơ sở chế biến có thể bị đình chỉ sản xuất. Tất cả nhằm lấy lại uy tín chất lượng cho cá tra, từng bước xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Chiều 18/11, Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng Lương Văn Ngự khẳng định: “Trong rất nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường trong những năm qua của Sở đều không thể hiện nội dung vùng đất trồng chè của tỉnh Lâm Đồng có tàn dư của chất độc dioxin.
Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra 20 xe nhập tôm giống vào tỉnh và 10 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh.
Để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân, nông dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để diệt ốc, diệt cỏ… sau đó xả thẳng xuống sông. Lượng nước nhiễm độc cùng các mầm bệnh khiến cá nuôi tại các làng bè trong tỉnh chết hàng loạt.