Người Nông Dân Giàu Lòng Nhân Ái

Ông Bùi Văn Viên, ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải không chỉ được người dân trong vùng biết đến với tính cần cù, làm kinh tế giỏi, mà còn nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể ở địa phương và tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhưng ngôi nhà của gia đình ông Bùi Văn Viên cũng giản dị, chân chất như chính chủ nhân của nó. Ông cho rằng: Chỉ cần cuộc sống ổn định, gia đình thuận hòa, con cái được học hành và quan trọng là bản thân có sức khỏe để vẫn có thể lao động, có thể giúp đỡ người khác… là tài sản quý giá hơn cả.
Sinh năm 1963, trong một gia đình diêm dân, ông Viên cũng phải trải qua không ít khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp. Với sự cần cù, chịu khó và những thành công bước đầu trong việc sản xuất muối, năm 2000, ông là một trong những diêm dân được Hội Nông dân tỉnh cử đi học tập kinh nghiệm về mô hình sản xuất muối thương phẩm tại tỉnh Long An.
Vận dụng những kinh nghiệm học được, hơn 1,5 ha muối của gia đình ông sản xuất theo mô hình mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng.
Ông được Hội Nông dân tỉnh và bà con diêm dân tín nhiệm chọn làm chủ Dự án mô hình sản xuất muối thương phẩm ở xã Nhơn Hải. Là nông dân dám nghĩ, dám làm, ngoài thu nhập từ sản xuất muối, gia đình ông Viên còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đàn cừu trên 40 con.
Đặc biệt, tận dụng những khoảng đất trống xung quanh ruộng muối, ông đã cải tạo và sử dụng hệ thống tưới nước phun tự động để canh tác hành, tỏi, dưa hấu tạo thêm thu nhập cho gia đình. Năm 2010, ông vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen “Gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Kinh tế gia đình ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để ông Bùi Văn Viên tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội ở địa phương. Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Nhơn Hải, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ bà con trong thôn, trong xã phát triển kinh tế gia đình. Là Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh của Trường THPT Ninh Hải và Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ninh Hải) nhiều năm liền, ông Viên luôn nhiệt tình, hết mình vì sự nghiệp giáo dục.
Từ việc vận động học sinh bỏ học đến trường, giáo dục học sinh cá biệt… đến thăm hỏi, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo, học sinh học giỏi… ông đều chung tay cùng nhà trường giải quyết. Không chỉ tích cực vận động các phụ huynh, nhà hảo tâm ủng hộ, bản thân ông luôn là những người đầu tiên hỗ trợ các nguồn kinh phí cho nhà trường. Năm 2011, gia đình ông vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Gia đình cũng đi lên từ những ngày tháng khó khăn, bởi vậy hơn ai hết ông Viên thấu hiểu những thiếu thốn, vất vả của người nghèo. “Người nông dân phải biết đùm bọc, yêu thương, đoàn kết thì làm ăn, sản xuất mới bền vững. Nhà nhà đều ấm no thì quê hương mình mới khởi sắc” – Ông Viên chia sẻ. Với suy nghĩ ấy, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn như: hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho họ sản xuất; tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đi đầu trong việc ủng hộ các loại quỹ và đặc biệt, gia đình ông Bùi Văn Viên là “nhà tài trợ” quen thuộc của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của xã Nhơn Hải và huyện Ninh Hải. Bản thân ông cũng chính là tấm gương sáng để các con noi theo. Cuộc sống ổn định, gia đình hòa thuận và luôn được bà con lối xóm tin, yêu – là tài sản quý giá mà nông dân Bùi Văn Viên luôn phấn đấu gìn giữ.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn tại xã Mỹ Hiệp Sơn ngày càng được nông dân chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, cho lợi nhuận cao và nhất là giá thị trường rất ổn định. Ông Phạm Văn Ba ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất - Kiên Giang) là hộ điển hình thành công với mô hình này.

Mỗi hộ được hỗ trợ 10 cặp bồ câu giống và 50% chi phí thức ăn (30 ngàn đồng/cặp). Sau thời gian 4 tháng, khi bồ câu sinh sản đã đủ số lượng 10 cặp con giống đầu tiên thì các hộ này sẽ chuyển giao con giống cho những hộ nuôi tiếp theo.

Dịch bệnh trên tôm nuôi đang có dấu hiệu lây lan hầu hết tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau gồm các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước và Thới Bình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đến nay đã có 5.979 hộ khôi phục và thả giống lại đợt 2 với diện tích 6.140 ha, chiếm 55,8% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

Bồ câu là một trong những vật nuôi thường được "nuôi chơi", nuôi vài ba cặp cho vui, nhưng với gia đình anh Đặng Văn Cẩn, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội (Đức Trọng - Lâm Đồng), chim bồ câu thực sự đã trở thành vật nuôi giúp anh chị làm giàu. Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhờ nuôi chim bồ câu, anh chị đang trên đường trở thành triệu phú.