Người Dân Giảm Mua Thịt/trứng Gia Cầm
Chỉ sau mấy ngày phương tiện thông tin đại chúng thông báo về việc dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh ngoại thành sức tiêu thụ gia cầm tại các chợ TPHCM đã giảm mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online , ông Dương Anh Dũng, Phó giám đốc quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, lượng thịt gia cầm tiêu thụ tại chợ này hằng đêm chỉ còn khoảng 800 kg, mặc dù lượng thịt này đã được Cục Thú y Long An kiểm định chất lượng.
Hiện nay thông tin dịch cúm gia cầm được thông báo rộng rãi cộng với xu hướng giảm tiêu thụ gia cầm trong những ngày sau tết nên thị trường thịt gia cầm bớt sôi động hẳn. Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện tại giá gà vịt không có biến động, giá gà công nghiệp nguyên con tại chợ vẫn chỉ ở mức 40.000 đồng/kg.
Chị Hà, tiểu thương bán thịt gà tại chợ Nhị Thiên Đường, quận 8 cho biết, ra Tết chị đã phải nghỉ bán, nay bán lại sức mua càng chậm hơn. Mỗi ngày chị chỉ bán khoảng 15 kg thịt gà mà cũng không bán hết.
Ông Nguyễn Văn T. một người có nhiều năm bán gà sống ở gần cầu Bình Lợi, Bình Thạnh (gần chợ Cầu Đỏ) chuyên mua gà từ các tỉnh miền Tây cũng thừa nhận là khoảng gần một tuần nay, số gà bán ra của ông mỗi ngày giảm khoảng 30%, thậm chí có ngày giảm 50%. Bình thường ông T bán khoảng 50-70 con gà mỗi ngày.
Chị Hoa, một người bán gà sống chợ Cầu, Gò Vấp cho biết, trước đây mỗi buổi sáng chị bán khoảng 20 con gà nhưng vài ngày gần đây có khi cả buổi sáng chỉ bán được vài con.
Theo chị Hoa có thể do người dân nghe thông tin về dịch cúm gia cầm đang bùng phát nên chuyển sang mua thịt gà đông lạnh ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Không chỉ với mặt hàng thịt mà người tiêu dùng cũng đã bắt đầu giảm mua trứng gia cầm.
Tại chợ Hòa Hưng, quận 3, anh Hải, tiểu thương bán trứng gà tâm sự, mấy ngày gần đây lượng tiêu thụ trứng gà giảm mạnh so với ngày thường bởi thông tin dịch cúm gia cầm ở các tỉnh khác được ủy ban xã thông báo rộng rãi.
Mặc dù trứng gà anh Hải bán ra được đóng gói kiểm định, do công ty Vĩnh Thành Đạt sản xuất, nhưng lượng tiêu thụ vẫn không tăng. Theo anh Hải, nếu trong thời gian tới dịch cúm gia cầm lan rộng, sức tiêu thụ trứng còn giảm nhiều hơn nữa.
Tại chợ Tân Thuận, quận 7, quán cháo vịt chỉ lác đác vài khách; mấy ngày gần đây lượng cháo vịt bán vào mỗi sáng giảm hẳn, chị Cẩm chủ quán thở dài.
Điều đáng lưu ý là sức mua giảm mạnh tại các chợ nhưng giá cả thịt/trứng gia cầm không hề thay đổi.
Cúm gia cầm lan nhanh
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính đến hết ngày 17-2, cả nước có 11 tỉnh đang có dịch cúm gia cầm. Tổng số gia cầm mắc bệnh là gần 24.000 con, tổng số gia cầm bị tiêu hủy là gần 31.000 con.
Trong khi đó, Chi cục Thú y TPHCM cho biết hiện số điểm bán gia cầm sống trái phép trên địa bàn thành phố dao động ở mức trên dưới 40 -50 địa điểm. Hầu như tại 13 quận huyện đều có ít nhất một điểm bán gia cầm sống.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nuôi gia cầm, nhất là gà đá, gà kiểng tại một số khu vực nội thành và ven nội; nuôi gà, vịt quy mô nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, không đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan thú y còn khá phổ biến tại các huyện ngoại thành. Hiện vẫn chưa ghi nhận có cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn thành phố.
Theo quy định hiện nay về phòng chống dịch, nếu gia cầm của các hộ dân, chim, gà đá… muốn được cấp phép để bán ra thị trường phải được tiêm phòng vắc xin A/H5N1, còn nếu không sẽ bị coi là nuôi và kinh doanh trái phép và bị thu hồi, tiêu hủy.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 12/8, nhiều gia đình trồng rau tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), vùng chuyên canh rau, củ quả lớn nhất cả nước cho biết, thời gian gần đây nhiều loại nông sản giảm giá mạnh khiến nhà vườn thua lỗ.
Thời gian qua, diện tích trồng cây keo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tăng nhanh. Ngoài phát huy hiệu quả trên diện tích đất lâm nghiệp với đồi, dốc cao, việc phát triển cây keo cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) khuyến khích nông dân chuyển đổi hàng ngàn ha đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu nhằm hạn chế tình trạng khô hạn do thiếu nước tưới. Sau cây đậu phộng, cây bắp giống, đậu bắp giống và đậu xanh giống trồng thử nghiệm trên đất lúa gò cao đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Thu nhập từ các cây trồng mới chịu hạn này cao gấp 1,5 đến 2 lần so cây lúa trước đây.
Chưa bao giờ người trồng tiêu ở Nông trường 25.3, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) lại có một mùa tiêu được giá như năm nay. Và cũng nhờ cây tiêu mà nhiều hộ dân nơi đây đã có cuộc sống khấm khá hơn. Thế nhưng, trước tình trạng cây tiêu bị chết hàng loạt trong nhiều tháng qua đã khiến nông dân “đứng ngồi không yên”.
Năm 2014, toàn tỉnh Đồng Tháp triển khai xây dựng các cánh đồng lớn (cánh đồng liên kết) với diện tích 86.630ha/524.262ha, chiếm 16,5% tổng diện tích sản xuất cả năm. Trong những tháng đầu năm 2015, tỉnh triển khai xây dựng 62.272ha cánh đồng liên kết. Nông dân sản xuất trong các cánh đồng liên kết giảm giá thành sản xuất lúa được từ 650 - 700 đồng/kg, lợi nhuận từ 22 - 2 3 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất nhỏ lẻ).