Người Dân Bình Phước Lại Đua Nhau Trồng Tiêu
Ở thời điểm này, hồ tiêu có giá hơn 190 nghìn đồng/kg. Cây tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.
Đua nhau trồng hồ tiêu
Với mức lợi nhuận vượt trội hơn các cây trồng khác như: cao su, điều..., hiện nay nhiều hộ dân ở Bình Phước quyết định chặt bỏ các vườn cây hiệu quả kinh tế thấp, để lấy đất trồng tiêu. Điểm nóng nhất là huyện Bù Gia Mập, từ cuối năm 2013 đến nay, người dân đã trồng mới hàng ngàn ha hồ tiêu.
Tại huyện Bù Đăng cũng có vài trăm ha trồng mới. Chỉ riêng xã Nghĩa Bình, từ năm 2013 đến nay, người dân đã chặt bỏ trên 100 ha các loại cây trồng khác, kể cả vườn điều, cà phê, cao su hàng chục năm tuổi, để trồng tiêu, đại diện Hội Nông dân xã này cho hay.
Huyện Lộc Ninh hiện có gần 4.000 ha hồ tiêu (tập trung ở các xã Lộc An, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Hòa và Lộc Tấn), chiếm khoảng 30% diện tích hồ tiêu cả tỉnh Bình Phước.
Những năm trước, khi mủ cao su có giá, nhiều hộ nông dân xã Lộc An chuyển diện tích vườn tiêu già, tiêu chết sang trồng loại cây này. Vài năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu tăng, nhiều hộ dân tại các xã này lại bỏ cao su xoay qua trồng “cây thế mạnh” là hồ tiêu.
Chỉ vụ xuống giống năm 2013, xã Lộc An đã có thêm gần 200 ha tiêu được trồng mới, nâng tổng diện tích hồ tiêu của xã này lên hơn 1.000 ha. Năm nay, diện tích trồng mới hồ tiêu ở Lộc An sẽ vẫn tiếp tục tăng,đại diện Hội nông dân xã Lộc An, huyện Lộc Ninh khẳng định.
Theo Sở NN&PTNN, đến nay cả tỉnh Bình Phước có gần 12.000 ha hồ tiêu được trồng tập trung ở các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản và Bù Gia Mập, trong đó khoảng 9.000 ha đang cho thu hoạch.
Ở thời điểm này giá tiêu giữ ổn định ở mức 190.000 đồng/kg thậm chí có lúc vượt 200.000đồng/kg, tăng trên 60.000 đồng/kg so với năm 2013. Với giá này, hiện mỗi ha tiêu đạt lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/năm, lãi gấp đôi so với cây điều, cao su (khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha, năm nay hai loại cây này coi như hòa vốn, thậm chí cao su có thể còn lỗ).
Trao đổi với chúng tôi, Trung tâm Kiểm tra quy hoạch (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước), khẳng định việc người dân lại đua nhau trồng tiêu, chủ yếu là tự phát, chạy theo giá là đáng báo động, vì có nguy cơ mất cân bằng cung cầu trên thị trường và khi đó giá sẽ giảm. Đến nay chưa có thống kê chính xác về diện tích cây tiêu trồng mới, vì vậy rất khó đưa ra khuyến cáo đối với người dân.
Những hệ lụy khó lường
Ông Hoàng Nhật Tân, Phó chủ tịch huyện Lộc Ninh thông báo, “Lộc Ninh - Thủ phủ cây tiêu” của Bình Phước vừa được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh” cũng đang tăng diện tích trồng mới.
Nhiều hộ vừa chặt bỏ cây điều, thậm chí cây cao su, chưa kịp đặt hàng đang nóng ruột, vì giá nọc giả bằng cây gỗ tạp, tăng 10 nghìn/nọc (từ 25 nghìn lên 35 nghìn đồng) mà vẫn hút hàng.
Theo tính toán của hộ ông Nguyễn Văn Hai, xã Lộc Hòa thì để trồng 2.000 nọc tiêu/ha, thì ban đầu cần chi ra ít nhất khoảng 70 - 100 triệu đồng. Nếu dùng nọc sống (bằng cây keo lai) hiện giá khoảng 150 - 200 nghìn đồng/nọc, thì cần khoảng 300 - 400 triệu đồng/ha.
Với giá nọc tiêu cao ngất ngưởng như hiện nay, để giảm chi phí đầu tư, nhiều hộ đã chọn hình thức đầu tư dần. Như ông Nguyễn Văn Trường ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, vừa thanh lý năm sào điều già chuyển qua trồng tiêu, nhưng chưa mua đủ nọc, nên chỉ trồng trước 350 nọc để lấy dây làm giống, diện tích còn lại năm sau mới trồng.
Khảo sát nhỏ của chúng tôi tại xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), cho thấy nhiều hộ trồng mới tiêu cũng lâm vào cảnh phải mua nọc giả với giá cao hơn đầu năm gần 20 nghìn đồng/nọc, nhưng phải chấp nhận vì đã sát mùa xuống giống. Nhiều hộ băn khoăn mức đầu tư ban đầu cao, trong khi phải ba năm tiêu mới bắt đầu ra trái và từ năm thứ năm mới cho thu ổn định.
Tuy nhiên, với so với giá mủ cao su, hạt điều như hiện nay, thì đầu tư vào cây tiêu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế hơn cả, ông Đào Quang Thiện, ấp 7, xã Lộc Hà, Lộc Ninh khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước, cho rằng việc phát triển cây tiêu ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong thời gian tới.
Đặc biệt các vườn tiêu trồng ở những nơi có điều kiện môi trường, đất đai không phù hợp, và nếu các hộ không áp dụng khoa học, kỹ thuật..., sẽ dẫn đến giảm năng suất, thậm chí chết vườn cây và khó tránh khỏi tổn thất lớn về kinh tế. Ông Khánh khuyến cáo người trồng tiêu mới lên tìm đất tốt, gần nguồn nước và giống tốt thì mới hiệu quả kinh tế.
Theo Trung tâm Kiểm tra quy hoạch, chỉ một số huyện như: Bù Đốp, Lộc Ninh và thị xã Bình Long là có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây tiêu. Tuy nhiên, người dân các vùng này khá thận trọng mở rộng diện tích. Trái lại, các nơi khác như Bù Gia Mập, Bù Đăng không phù hợp với cây hồ tiêu thì người dân lại đổ xô đi trồng.
Đáng lo ngại là nhiều hộ dân đang phá bỏ vườn điều, cà phê, thậm chí cả cao su...đang cho thu hoạch khá ổn định để chuyển sang trồng tiêu. Điều này ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân tránh đầu tư dàn trải và đầu tư chệch hướng có thể chịu rủi ro cao, hiệu quả kinh tế thấp, Sở NN&PTNN tỉnh Bình Phước cho biết.
Các nhà khoa học khuyến cáo, việc mở rộng diện tích trồng tiêu thiếu định hướng sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng trong vùng, ảnh hưởng tới tư duy sản xuất hàng hóa lẫn hiệu quả kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Đồng thời cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước có biện pháp kiểm soát diện tích, cây giống và khu vực trồng cây hồ tiêu hợp lý; phát triển loại cây này theo hướng bền vững, bằng cách trồng, chăm sóc hồ tiêu theo hướng sinh học, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, vừa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và cũng là biện pháp tạo thương hiệu hồ tiêu Bình Phước.
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều tháng điều tra, nhóm nghiên cứu do Donald Lightner tại Đại học Arizona đã xác định nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS), hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp (AHPNS).
Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.
Gần 1 tháng rưỡi qua (4/5 đến 17/6/2013) tại tỉnh Nghệ An đã có gần 60 ha tôm thẻ chân trắng ở 13 vùng nuôi tôm thuộc 3 huyện, thành đã dính các loại bệnh: Đốm trắng, Taura và hoại tử gan tụy. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã thu tôm bán non vớt vát lại vốn.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013.
Trại Giống nông nghiệp huyện Điện Biên thuộc Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp tỉnh, từ lâu là địa chỉ tin cậy cung cấp giống lúa tốt cho bà con nông dân trong tỉnh. Vụ chiêm xuân năm nay, ngoài nhận 18ha sản xuất lúa giống, Trại Giống còn cùng với nông dân sản xuất lúa giống với diện tích 100ha.