Người Biến Giấc Mơ Thành Hiện Thực
Với nghị lực phi thường, anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), trú ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã một mình chinh phục những quả đồi hoang lập trang trại. Giấc mơ được sánh vai với những tỷ phú nông dân trên thế giới của anh đã trở thành hiện thực…
Những ngày xây tổ…
Đến trang trại của anh Đặng Anh Tuấn, chúng tôi vô cùng thích thú khi được chính chủ nhân quần xắn móng lợn, cưỡi xe hơi bạc tỷ đưa đi tham quan rừng cây nguyên liệu và những vườn trồng cây ăn quả bạt ngàn. Anh Tuấn vui vẻ nói: “Trang trại bây giờ nhìn ngon lành thế, chứ trước đây là những khu đất trống, đồi trọc đến sim mua cũng không thể sống nổi”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, cuộc sống lam lũ nên từ nhỏ, Tuấn đã ý thức rằng chỉ có học mới thoát được nghèo. Sau khi học xong khóa trung cấp xây dựng tại Hà Nội, anh vào Nam lập nghiệp. Năm 1990 công ty giải thể, vợ chồng anh lại về quê ngoại ở Thanh Hóa vay vốn mở tiệm kinh doanh, rồi chẳng được bao lâu thì thua lỗ, phải dẹp tiệm…
Dừng xe tại mô đất ven bờ suối, anh Tuấn xuống xe, trầm ngâm nói: “Ngày đó tôi chán nản lắm, thường xuyên bỏ đi lang thang và đã ngồi chính chỗ này. Nhìn cảnh đồi núi mênh mông trước mặt, trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ sẽ biến vùng đồi hoang này thành trang trại”.
Sau đó, anh mạnh dạn viết đơn lên xã, lên huyện xin đấu thầu 20ha vùng đồi này. Biết chuyện ai cũng can ngăn, bảo anh dở người, bởi vùng đó đất hoang, bạc màu, chẳng cây gì sống được. Mặc kệ, chí đã quyết, anh cứ làm, một mình lên đồi hoang dựng lều chinh phục thiên nhiên. “Hồi đó là mùa khô năm 1995, tôi lấy một cái nhíp ô tô rèn thành xà beng và sắm thêm thuổng, cuốc, thúng mủng để san đồi, đánh ruộng bậc thang để trồng cây.
Nền đất ở đây rất cứng, một mình tôi làm từ sáng đến chiều, chiều đến đêm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Cứ san chỗ nọ, bù chỗ kia, rồi gánh đất ở ruộng, mương về tạo màu cho đất. Tôi tự ra định mức cho mình là mỗi đêm phải đào được 1 hố trồng nhãn và trồng cây nguyên liệu. Có những hôm, tôi gánh hơn 300 thùng nước leo lên đồi tưới cây. Đến giờ nghĩ lại mà… hãi” – anh Tuấn kể.
Rồi anh lấy cái xà beng trong nhà ra cho chúng tôi xem và nói: Giờ cái xà beng này đã trở thành kỷ vật, nó đã mòn đi khoảng 2 gang tay so với lúc ban đầu. Thế mới biết, trong khó khăn sức lao động của con người được phát huy mạnh mẽ…
Như con ong, cái kiến, anh Tuấn cứ kiên trì xây tổ, cuối cùng một trang trại với hơn 10.000 gốc nhãn đã thành hình. Tuy nhiên, ròng rã 5-6 năm trồng nhãn mà anh chẳng thu được gì đáng kể.
Do giống nhãn không hợp với chất đất nên đậu quả ít, thu hoạch lại gặp lúc rớt giá nên chẳng bõ công, anh chuyển sang trồng lạc, nhưng cây lạc cũng xác xơ như cỏ may. Tuấn xoay sang hướng khác, đi vay vốn xây dựng trang trại nuôi gà với 10 lò ấp, vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nhưng đúng là ông trời cũng muốn thử thách anh, khi gà sắp đến ngày xuất bán thì gặp dịch cúm, lăn ra chết sạch. Tuấn lại lần nữa trắng tay, nợ chồng nợ…
Trở thành tỷ phú
“Đận đó tôi tưởng sẽ không thể gượng dậy nổi sau những thất bại triền miên, nợ nần chồng chất. Nhưng đã cưỡi lên lưng cọp là phải phi thôi, dừng lại là tự sát. Trong thâm tâm tôi, vẫn luôn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ cưỡi xe hơi thăm trang trại như nông dân Mỹ, Úc…”.
Năm 2003, Tuấn lại chạy vạy vay mượn khắp nơi để mở đại lý buôn bán thức ăn gia súc kết hợp nuôi lợn, đồng thời trồng hơn 15ha tràm, keo, đắp đập ngăn suối để nuôi hơn 1ha cá… Lấy ngắn nuôi dài, dần dần trang trại của anh đã có 300 lợn nái, hơn 2.000 lợn thịt, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 nhân công với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại lợn có sử dụng đệm lót sinh học nên rất sạch sẽ. Anh Tuấn phấn khởi khoe: “Hiện nay trang trại lợn của tôi đã được cấp chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ nước, thức ăn đến môi trường đều sạch, đó là yếu tố quan trọng giúp tăng chất lượng thịt của trang trại, giá bán lúc nào cũng cao hơn lợn của các trang trại khác”.
Nói về kinh nghiệm chăn nuôi, Tuấn chia sẻ thêm: “Tôi luôn cố gắng dành thời gian đi tham quan để học hỏi các mô hình thành công; thường xuyên đọc, xem, nghe để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, tôi rất chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh xâm nhập.
Theo đó, mọi phương tiện, người, lợn vận chuyển vào khu vực chăn nuôi đều phải qua khâu khử trùng. Việc xử lý chất thải cũng được thực hiện tốt bằng hầm biogas, vừa giúp chuồng trại sạch sẽ, vừa có năng lượng chạy máy phát điện. Trang trại còn có phòng thay quần áo cho công nhân và khách tham quan, có đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động...”.
Nhờ đó mà đến nay, giấc mơ trở thành tỷ phú của anh Tuấn đã trở thành hiện thực. Trong cuốn kỷ yếu của hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4, có những dòng về anh Tuấn thật đáng ngưỡng mộ: Năm 2011 tổng doanh thu đạt 16,5 tỷ đồng, trong đó từ chăn nuôi lợn là 10 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản 150 triệu đồng, dịch vụ thức ăn chăn nuôi 6 tỷ đồng, các dịch vụ khác 350 triệu đồng…
Dạo bước dưới rừng keo, tràm gần 20 năm tuổi trị giá hàng chục tỷ đồng, hỏi sao không bán, anh Tuấn lắc đầu nói: “Để bảo vệ môi trường sinh thái, tôi sẽ không bao giờ bán rừng cây này. Vừa đẹp cho mình, vừa đẹp cho đời”.
Cho quê hương thêm xanh
Ông Nguyễn Viết Thể - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Đặng Anh Tuấn là một tỷ phú trang trại rất nặng lòng với quê hương. Không những giúp đỡ người dân xóm mình, anh còn giúp đỡ bà con trong và ngoài xã cùng làm giàu từ trang trại. Vừa qua, anh Tuấn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng giúp đỡ 150 hộ xây bể biogas xử lý chất thải, góp phần làm sạch môi trường...
Không những làm giàu cho mình, Đặng Anh Tuấn còn bỏ tiền, bỏ công giúp đỡ bà con xóm 7 cùng làm giàu từ trang trại, cụ thể là giúp đỡ hơn 80 hộ con giống để chăn nuôi, thức ăn không tính lãi với số vốn hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Anh còn nhận bao tiêu sản phẩm nên bà con rất yên tâm đầu tư. Đến nay, không ít người được Tuấn giúp đỡ đã trở thành tỷ phú, như hộ anh Nguyễn Thọ Đức (sinh năm 1982).
Vợ chồng Đức được anh Tuấn nhận vào trang trại làm công, sau đó được cho vay vốn để mở trang trại riêng. Đến nay, Đức đã trở thành gương điển hình thanh niên lập nghiệp giỏi của tỉnh Nghệ An. Đức tâm sự: “Trước đây nhà em nghèo lắm, có nằm mơ cũng không nghĩ được rằng mình sẽ có ngày hôm nay. May có bác Tuấn giúp đỡ nên gia đình em mới đổi đời…”.
Hỏi về dự định cho tương lai, tỷ phú nông dân Đặng Anh Tuấn nói: “Sắp tới tôi sẽ xây dựng trang trại nuôi lươn và mở rộng trang trại nuôi lợn gấp đôi bây giờ. Mục tiêu của tôi là tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, giúp họ thoát nghèo và làm giàu. Hai đứa con của tôi đã học xong đại học và đang lập nghiệp ở xa, nhưng rồi đây tôi sẽ hướng cậu con trai về tiếp quản trang trại của bố mẹ, để cống hiến nhiều hơn cho quê hương”.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, một số nông dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bỏ cây tràm chuyển qua trồng cây xà cừ. Theo các hộ dân, trồng xà cừ lợi nhuận cao hơn 3 lần trồng tràm và tốn ít công hơn. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại lớn ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), cho biết với diện tích khoảng 25 hécta xà cừ năm thứ 12 - 13, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất gỗ tới hỏi mua với giá 2,5 - 3 triệu đồng/m3. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng/hécta.
Huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có trên 9.240ha trồng cây ăn trái, trong đó có 2.408ha cam sành. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa cây có múi xuống chân ruộng đang được nông dân huyện Trà Ôn phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội ND xã Minh Khai cho biết: Hội ND xã đã sớm về đích chi hội, cơ sở hội khá, vững mạnh với nhiều tiêu chí đạt trên 100% chỉ tiêu huyện giao. Cụ thể, Hội ND đã phát triển được 40 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 1.448; 4/4 chi hội đạt vững mạnh xuất sắc.
Đầu tháng 8/2013, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) sẽ phối hợp với một số tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước như: trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, Quỹ quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Áo... khởi động dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam”.
Khoảng 8 giờ ngày 8-7, người dân nuôi cá bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đi trên hàng chục chiếc ghe kéo ra sông để phản đối việc Công ty CP Hoàng Linh hút cát vì cho rằng việc hút cát gây ô nhiễm nguồn nước - nguyên nhân làm xảy ra nhiều vụ cá lồng bè bị chết hàng loạt.