Ngư dân triệu đô ở tiền đồn Hoàng Sa
Người truyền lửa
Nắng xứ đảo Lý Sơn như có lửa. Nguyễn Gia Viên vừa cho đội tàu 3 chiếc của mình thắng lợi trở về từ Hoàng Sa. 4 năm không gặp, anh vẫn thế, oang oang át cả tiếng sóng biển. 43 tuổi - thuyền trưởng thành đạt- tỷ phú Hoàng Sa - ngư dân triệu đô… - là bạn thuyền vẫn nói như thế về Viên với sự nể trọng. Viên cầm cục tiền 500.000 đồng xanh lè, chia cho thuyền viên. Mắt ai nấy lấp lánh niềm vui, hẹn tuần sau hội ngộ. “Làm ăn với tui, chưa bao giờ bạn thuyền bỏ. Vui và có tiền”.
Gần 30 năm lênh đênh con sóng Hoàng Sa, Viên thuộc con nước, từng cột sóng hay từng mét nước chủ quyền biển khơi. Anh ít khi chấp nhận thất bại. 16 tuổi bắt đầu lên thuyền đánh cá, làm lao động được khoảng 5 năm, Viên đánh bạo gom góp những ngày công ít ỏi, liều lĩnh cùng 10 bạn thuyền chung vốn, mua lại một con tàu cũ chừng 80CV, giá 300 triệu đồng. Thời đó, sở hữu con tàu 300 triệu đồng đối với một chàng trai 22 tuổi là quá “oách”. “Chừng đó thôi, vui lắm rồi. Tàu cũ, sức ngựa yếu, những chuyến đầu hòa tổn là may lắm” - anh chia sẻ.
Gần 20 năm nay, kể từ ngày làm thuyền trưởng, chủ con tàu đầu tiên tới nay, trải qua không ít thăng trầm, giờ đây, Nguyễn Gia Viên đã được mệnh danh là “ngư dân triệu đô”. Cái tên “Viên Lý Sơn” lẫy lừng không chỉ ở xứ đảo mà cả dải đất ven biển miền Trung. Làm ăn càng ngày càng hiệu quả, nhưng những chuyến biển dẫu mưa thuận gió hòa mà vẫn chỉ có 5 - 7 tấn cá về bến, mỗi anh em chỉ đút túi 3 - 5 triệu đồng khiến anh luôn trăn trở.
Một chiếc máy dò đứng, giá khoảng trên 10 triệu đồng cách đây 10 năm đã là to lắm. Dân Lý Sơn lác mắt vì độ chịu chơi của chủ tàu trẻ. Chiếc máy dò đứng đúng là hữu hiệu, nâng công suất từ 3 - 5 tấn/chuyến lên tới 7 - 10 tấn, có khi là 15 tấn/chuyến. Vẫn chưa thỏa mãn với kiểu đánh bắt “nhờ trời” và kinh nghiệm, năm 2010, Nguyễn Gia Viên quyết định đầu tư hơn 300 triệu mua máy dò ngang.
Từ thời điểm này, tiếng tăm của Nguyễn Gia Viên và đội tàu 3 chiếc mới nổi như cồn. Anh lần lượt đầu tư, nâng cấp cả 3 tàu hiện đại, hoành tráng và có chức năng nhiệm vụ hẳn hoi. Tàu lớn nhất, QNg 96515 có công suất 846CV trực chỉ ở Hoàng Sa, tàu QNg 96403 công suất 420CV đánh bắt gần hơn, thường xuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ tàu lớn mỗi khi cần thiết. Chiếc cuối cùng là QNg 96111 (280CV) là tàu gom hải sản, chở dầu, lương thực tiếp tế cho hai chiếc kia mỗi khi đánh bắt dài ngày. Tổng cộng, “đại gia đình” đội tàu của Viên trên dưới 25 người, cùng hưởng phúc, chia họa, gắn kết chặt chẽ với nhau bao năm nay.
Đội tàu 3 chiếc của anh Viên vừa đi biển về lên đà sửa chữa. Ảnh: Nam Cường
Tôi quen Viên cũng đã lâu, đủ thân để biết những năm 2010 - 2013, Nguyễn Gia Viên nức tiếng như cồn trong giới ngư dân miền Trung bởi một mẻ lưới gần 35 tấn cá. Đó là vào năm 2013, chỉ cần một mẻ lưới ở vùng biển Hoàng Sa, tàu anh Viên đã hoàn tất chuyến biển nhẽ ra kéo dài gần cả tháng.
Đỉnh điểm thành công của Viên cùng 3 tàu là năm 2013, anh thu về hơn 10 tỷ đồng, anh em bạn thuyền tính hòm hòm mỗi người cầm hơn 300 triệu đồng. Không có tàu nào làm được như thế. Tính trung bình, mỗi tháng 3 tàu đóng góp vào tài khoản gia đình anh gần tỷ đồng. Như vậy, trừ mọi phí tổn, lương trả bạn thuyền, Viên có hơn 6 tỷ đồng.
“Được cái anh em trên tàu đoàn kết. Tổng cộng 3 tàu khoảng 30 người, có trên có dưới, có già có trẻ. Ai làm việc nấy, răm rắp. Khi xin lên tàu, tui bắt góp vốn vào, nói trước nếu bỏ là mất luôn. Đó là chuyện mấy năm trước. Giờ thì thôi rồi, ai cũng có trách nhiệm” - anh Viên cho biết.
Ngư dân Nguyễn Phụ - bạn thuyền gắn bó với anh Viên từ thuở mới lập nghiệp kể rằng, chưa thấy thuyền trưởng nào có máu liều như Viên. Từ đầu tư mua sắm lưới, ngư cụ cho đến các thiết bị nghề biển hiện đại. “Anh em có ngày hôm nay nhờ Viên cả. Cậu ấy không những liều mà còn giỏi, làm cái gì ra cái đó, công tâm và sòng phẳng. Cuộc sống 23 thuyền viên quanh năm no đủ. Nói thiệt chớ giờ có các vàng, tui cũng không bỏ tàu cậu Viên. Không những thế, Viên còn là thuyền trưởng truyền lửa cho anh em” - ông Phụ nói, kèm theo tiếng cười ha hả, vang dội cả góc biển.
Trọn đời với biển
Được mệnh danh “ngư dân triệu đô” là bởi, hiện trong tay anh Viên, ngoài đội tàu khủng 3 chiếc, vốn liếng, nhà cửa, anh nắm không dưới triệu đô. Vốn lớn, tàu khủng cùng sự vững tin, anh Viên cho biết, mình sẽ trọn đời gắn bó với nghề biển: “Để gìn giữ ngư trường, để phát triển, làm giàu cho bạn và cho mình. Bây giờ, không làm biển thì còn biết làm gì?”.
Là “vua biển” ở Lý Sơn, thậm chí miền Trung, nhưng ngạc nhiên ở chỗ, trong gia đình anh, không ai theo nghề biển. Từ ông bà, cha mẹ cho đến các anh chị em, tất thảy đều công chức, giáo viên hoặc chọn nghề nhàn hạ. Riêng anh, từ khi học cấp 3, đã phát lộ khát khao đại dương. “Ông bà nói miết, phải đi học, phải vào đại học. Tôi biết sức học mình đến đâu, cố lắm cũng cao đẳng hoặc trung cấp. Thôi, đã trót ở biển phải gắn bó với biển”.
Là nói vậy, nhưng Viên là người ham mày mò, luôn áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc đánh bắt hải sản. Chính những cú liều mua máy dò đứng và dò ngang cùng với kinh nghiệm bao năm quý báu trên biển giúp anh liên tục trúng lớn.
Anh Lê Khuân - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh (Lý Sơn), người chứng kiến sự trưởng thành của anh Nguyễn Gia Viên, không khỏi khâm phục: “Trẻ, liều nhưng làm ăn rất khoa học- đó là Viên. Nghiệp đoàn được vững mạnh cũng nhờ những tay như Viên”.
Đến bây giờ, ở An Vĩnh nói riêng và Lý Sơn nói chung, những tên tuổi như Nguyễn Gia Viên, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Văn Giàu, Võ Minh Vương, Nguyễn Văn Lộc… luôn là niềm tự hào của giới thuyền trưởng, đồng thời cũng là những “cái gai” trong mắt tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc. “Họ thấy mình làm ăn được thì không yên. Họ phải tìm cách phá mới hả dạ” - anh Viên tâm sự.
Để làm ăn hiệu quả, đầu mùa biển 2016, anh Viên đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng mua sắm máy ngư cụ hiện đại và dò cá tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, vì nguồn hải sản cạn kiệt, cộng với giá cá liên tục rớt nên việc làm ăn của ông Viên và hàng trăm chủ tàu cá tại đảo Lý Sơn gặp khó khăn.
“Thời điểm này những mùa biển trước, đội tàu của tui khai thác 300 -350 tấn cá, nhưng năm nay, nguồn hải sản cạn kiệt nên sản lượng sụt giảm đáng kể, bên cạnh đó, giá hải sản luôn bấp bênh, hạ dài nên thu nhập của các lao động không ổn định”. Mặc dù vậy, “ngư dân triệu đô” Nguyễn Gia Viên vẫn tin tưởng vào ngày mai: “Làm ăn có lúc lời lúc lỗ, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ biển”.
Có thể bạn quan tâm
Trong giai đoạn thực hiện thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp, tỉnh Cà Mau có 1.866 hộ trên địa bàn 9 xã của 2 huyện: Đầm Dơi, Cái Nước và thành phố Cà Mau tham gia bảo hiểm. Tổng giá trị bảo hiểm hơn 410 tỷ đồng. Số hồ sơ phải bồi thường thiệt hại 1.940 vụ, với tổng giá trị gần 102 tỷ đồng.
Trại cá Hòa Sơn (thị trấn Hương sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) thuộc Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản hiện có diện tích mặt nước khoảng 3ha ương nuôi cá giống, chia làm 7 ao nuôi vỗ cá bố mẹ, 16 ương nuôi trên 10 loại cá giống, gồm: cá trắm, trôi, mè, chép… và 1 ao chứa xử lý nước.
Các địa phương trong vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại để tái sản xuất.