Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nỗ lực vực dậy ngành nuôi tôm sau hạn mặn

Nỗ lực vực dậy ngành nuôi tôm sau hạn mặn
Tác giả: Tấn Phong - Sa Oanh
Ngày đăng: 02/06/2016

Nắng nóng, hạn mặn kéo dài đã gây thiệt hại hơn 81.000ha tôm nuôi ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình này, các địa phương trong vùng đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại để tái sản xuất.

Thời gian qua, nhiều diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL bị khô cạn do thiếu nước, làm độ mặn tăng cao khiến tôm chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Quốc Hải ở ấp Phước Trường, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, cách đây 2 tháng, ông thả tôm nuôi trên diện tích 5ha, nuôi được hơn 1 tháng, tôm bắt đầu chết dần dần, đến nay không còn con nào. Tính ra, chi phí đầu tư cho vụ tôm này hơn 30 triệu đồng coi như mất trắng.

“Nắng hạn quá lâu khiến độ mặn trong nước tăng cao kết hợp với thời tiết nắng nóng khiến tôm không thể sống nổi”, ông Hải chia sẻ.

Theo theo thống kê sơ bộ, tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL đã có hơn 81.400ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, các địa phương có diện tích tôm bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau gần 52.500ha, Kiên Giang gần 13.800ha, Bạc Liêu hơn 12.300ha, Trà Vinh hơn 2.500ha…

Thiệt hại đối với người nuôi tôm là rất lớn. Thời gian qua, một số đơn vị thuộc Bộ còn chủ quan, không theo sát nên đánh giá chưa đúng tình hình, nhất là mức độ thiệt hại. Một số địa phương trong vùng cũng chưa có sự kiểm tra, thống kê đầy đủ mức độ thiệt hại để có chính sách hỗ trợ, cũng như cử cán bộ chuyên môn xuống triển khai các giải pháp kịp thời giúp người nuôi tôm tái sản xuất.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát; thống kê thiệt hại do hạn, mặn gây ra đúng thực tế, đúng đối tượng; từ đó, đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời để người dân khắc phục khó khăn và khôi phục sản xuất.

“Trên cơ sở nắm tình hình thiệt hại và phân rõ các đối tượng, đề nghị các tỉnh áp dụng cái chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ.

Theo đó, UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho các hộ nuôi tôm bị thiệt hại từ 30% trở lên. Riêng các hộ bị thiệt hại sau khi nhận được khoản hỗ trợ vẫn không đủ khả năng tái sản xuất, địa phương sẽ đề xuất với các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn xem xét tạo cơ chế thuận cho bà con có vốn thả lại vụ mới.

Ông Dương Hoàng Sum, Bí thư huyện Cầu Ngang - vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Trà Vinh cho biết, đối với những hộ bị thiệt hại không còn điều kiện để tái lại vụ 2, Ban thường vụ huyện Huyện ủy làm việc với ngân hàng xem xét ở từng gốc độ cụ thể, có những cơ chế thuận lợi để giúp và tạo điều kiện vốn cho những hộ bị thiệt hại có đủ khả năng tái sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng có Quyết định bổ sung hơn 24 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu và tạm mượn nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để các địa phương trong tỉnh chi hỗ trợ các hộ dân có diện tích lúa, tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, với diện tích tôm bị thiệt hại gần 52.500ha, tính ra người nuôi tôm tỉnh Cà Mau mất hơn 260 tỷ đồng. Tỉnh này đang nhanh chóng triển khai kế hoạch hỗ trợ cho người dân nuôi tôm bị thiệt hại.

“Tỉnh có đã tính đến nhiều biện pháp, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, bằng con giống nhưng Sở NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo để thực hiện theo hướng hỗ trợ con giống. Đây là hướng hỗ trợ thiết thực nhất để phục vụ cho vụ sản xuất tiếp theo, con giống khi hỗ trợ phải là con giống có chất lượng”, ông Bằng cho biết.

Hiện tại, ĐBSCL bắt đầu bước sang mùa mưa góp phần đẩy mặn lùi dần ra biển. Khi độ mặn trong nước giảm, bà con bắt đầu tất bật thả nuôi tôm. Bên cạnh việc khẩn trương hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương trong vùng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người nuôi tôm hạn chế thiệt hại, đạt năng suất cao trong các vụ tôm tới.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học hướng đi đầy triển vọng Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học hướng đi đầy triển vọng

Trong khi đại đa số các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản điêu đứng vì nắng hạn, tôm chết liên tục, thì 24 hộ dân ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, lại vô cùng hồ hởi vì trúng liền 2 vụ tôm, cua kể từ khi tham gia tổ hợp tác sản xuất nuôi tôm quảng canh cải tiến bằng chế phẩm sinh học.

02/06/2016
Cà Mau đề xuất triển khai bảo hiểm nông nghiệp đại trà Cà Mau đề xuất triển khai bảo hiểm nông nghiệp đại trà

Trong giai đoạn thực hiện thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp, tỉnh Cà Mau có 1.866 hộ trên địa bàn 9 xã của 2 huyện: Đầm Dơi, Cái Nước và thành phố Cà Mau tham gia bảo hiểm. Tổng giá trị bảo hiểm hơn 410 tỷ đồng. Số hồ sơ phải bồi thường thiệt hại 1.940 vụ, với tổng giá trị gần 102 tỷ đồng.

02/06/2016
Trại cá Hòa Sơn Thái Nguyên doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ Trại cá Hòa Sơn Thái Nguyên doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ

Trại cá Hòa Sơn (thị trấn Hương sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) thuộc Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản hiện có diện tích mặt nước khoảng 3ha ương nuôi cá giống, chia làm 7 ao nuôi vỗ cá bố mẹ, 16 ương nuôi trên 10 loại cá giống, gồm: cá trắm, trôi, mè, chép… và 1 ao chứa xử lý nước.

02/06/2016