Ngư Dân Khóc Cùng Cá Mú
Hơn 10 năm triển khai mô hình nuôi cá mú tại khu vực đầm Lập An, nhiều ngư dân bên vịnh Lăng Cô đang trở nên trắng tay, điêu đứng vì cá chết hàng loạt.
Sau cơn bão số 4, gần một trăm ngư dân ở thôn An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế “dở khóc dở cười” khi nhìn thấy hàng vạn con cá mú sắp đến ngày thu hoạch đột nhiên đổ bệnh chết.
Nỗi lo cá chết
Chúng tôi có mặt tại thị trấn Lăng Cô giữa lúc bà con đang tiến hành kéo những lồng cá mú bị nhiễm bệnh lên khỏi mặt nước. Đang loay hoay lựa ra những con cá còn có thể ăn được, bà Nguyễn Thị Cúc vừa khóc vừa kể lại quá trình nuôi cá mú của gia đình: “Gia đình tôi là những người nuôi cá mú lâu nhất. Chưa có năm nào như vậy cả, 20 lồng cá mú mỗi lồng có từ 300 - 500 con, sắp đến ngày thu hoạch đã bị chết sạch. Thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Nếu cá tiếp tục chết nữa, chắc chúng tôi phải bán nhà để trả lãi ngân hàng”.
Tương tự với gia đình bà Cúc, nhiều bà con ngư dân ở thôn An Cư Đông I và II đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nuôi cá như ông Mai Thúc Lam, Trần Đình Kế, Trần Văn Minh đến thời điểm này đành bất lực nhìn cá chết. Anh Trần Văn Minh một ngư dân nuôi cá mú ở đầm Lập An buồn bã kể: “Vợ chồng chúng tôi suốt ngày bám biển để mưu sinh. Vừa rồi hai nhà nội, ngoại mới cho mượn 100 triệu đồng để nuôi cá giờ thì mất trắng”.
Qua thực tế tại thôn An Cư Đông II, chúng tôi nhận thấy điểm giống nhau giữa 3 loại cá mú màu đỏ, đen và hồng nhiễm bệnh đều có rất nhiều vảy nến màu đỏ, toàn thân lở loét, phần mắt của cá màu trắng đục. Theo kinh nghiệm của một số bà con nuôi cá mú lâu năm, vào mùa mưa bão, lúc triều cường lên nhanh kết hợp với lượng nước lợ có sẵn trong đầm Lập An sẽ tạo ra môi trường hết sức thuận lợi cho cá mú phát triển, đặc biệt là cá mú giống. Vì vậy khả năng cá mú chết do nước trong đầm bị ngọt hóa là điều khó có thể xảy ra.
Một số chủ lồng nuôi khẳng định, cá chết một phần do nguồn nước thải chưa qua xử lý tại khu vực chợ, khu dân cư chạy theo hệ thống cống rãnh đổ xuống khu vực chân cầu Lăng Cô. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở thôn Hói Mít, Hói Dừa sau khi lén lút thu hoạch tôm chân trắng đã xả nước thải xuống đầm Lập An, ảnh hưởng đến nguồn nước vùng nuôi cá mú, tôm hùm ở thôn An Cư Đông II. Trong khi đó, ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Phú Lộc cho rằng, nguyên nhân cá chết có thể là do sốc vì chênh lệnh độ mặn - ngọt của nguồn nước đầm Lập An.
Bất lực với dịch bệnh
Theo thống kê của thị trấn Lăng Cô, tính đến ngày 6/10 đã có 469 lồng (trung bình mỗi lồng nuôi từ 300 - 500 con) của 93 hộ nuôi cá bị nhiễm bệnh chết, trong đó loại cá mú cân nặng từ 0,6 - 1 kg chiếm số lượng nhiều nhất. Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 330.000 đồng/kg. Số tiền thiệt hại do đợt cá chết hàng loạt ước tính trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một lồng ốc hương trọng lượng 250 kg và 400 kg ghẹ nuôi trên đầm đều bị chết sạch.
Để cứu vãn số tiền đầu tư nuôi quá lớn, bà con tìm cách liên hệ với tư thương để bán. Một số khác đem cá mú chết ướp muối để làm nước mắm. Ông Mai Thúc Lâm bức xúc nói: “Cả thôn theo chủ trương chung của thị trấn, hầu như nhà nào cũng vay ngân hàng vài chục triệu nuôi cá mú để thoát nghèo. Đến khi dịch bệnh xảy ra, không biết bám vào ai để kêu. Nguyện vọng bà con bây giờ là sớm tìm ra thuốc chống dịch để cứu dân”.
Sau khi người dân ở 2 thôn An Cư Đông phản ánh tình trạng hàng trăm lồng cá bị chết tại thị trấn Lăng Cô. Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đi kiểm tra khu vực nuôi. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến cá mú chết.
Tại khu vực nuôi, cơ quan chức năng đã tiến hành quan trắc ở chân cầu Lăng Cô cũ và khu vực có ống xả của các ao nuôi tôm tại Hói Mít để xác định độ mặn, dung lượng kiềm. Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục thống kê số lồng cá mú bị chết. Tiến hành di chuyển nhanh đàn cá nuôi ra khỏi vùng bị ô nhiễm, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cá”.
Trong lúc chính quyền địa phương và các cơ quan có chức năng đang “loay hoay” tìm nguyên nhân dịch bệnh, thì số phận của những lồng cá được bà con ngư dân đầu tư hàng chục tỷ đồng đành phải phó thác cho trời
Có thể bạn quan tâm
Phạm vi quy hoạch vùng ĐBSCL gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau
Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Vasep, ngày 23/3/2011, ông Mark Powell đã đồng ý với đề nghị của VASEP tổ chức một cuộc họp 4 bên (WWF quốc tế, WWF Việt Nam, VASEP và Vinafish).
Ngày 6/4, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết, sau nhiều tháng theo dõi, nghiên cứu, đơn vị đã thực hiện xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú
Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP Hà Nội, toàn thành phố hiện có 3.200 trang trại sử dụng 8.200ha đất. Qua khảo sát, các trang trại tổng hợp như VAC, VACR có mức tăng trưởng lớn nhất (so với các trang trại chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp).
Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng đang hướng tới chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, mô hình trồng xoài bao trái ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đang được đông đảo các nhà vườn áp dụng.