Ngư Dân Bình Hải Được Mùa

Mới 5 giờ sáng, chợ Bình Hải (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã xôn xao tiếng kẻ mua người bán làm bừng dậy cả một vùng biển. Ngoài khơi, hàng chục chiếc tàu của ngư dân tiến vào bờ. Nhiều thúng chai được huy động chở ăm ắp cá, mực từ tàu vào bờ tiêu thụ. Trên gương mặt rám nắng của những ngư dân rạng rỡ niềm vui vì thành quả của một đêm “thức cùng biển” là cá, mực đầy khoang.
Trúng đậm cá
Tàu vừa neo cách bờ gần 100m đã nghe thấy tiếng của những ngư dân hô vang: “Hôm nay lại trúng lớn!”. Ngay lập tức những chiếc thúng vội vã “bơi” ra đón nhận những mẻ cá từ khoang tàu đưa xuống. Những con cá tươi lấp lánh ánh bạc trong bình minh. Từng khay cá đầy ắp được bày ra chật cả bãi biển, cảnh mua bán tấp nập.
Trở về sau phiên biển đầy thắng lợi, ngư dân Trịnh Văn Rạng ở thôn Phước Thiện không giấu được niềm vui: “Tàu tôi đánh được hơn 5 tấn cá lưỡi búa và cá nục. Cũng phiên biển này, nhưng năm ngoái các loại cá này đâu có được mùa thế. Ngày nào cũng được như thế này là vui rồi!”.
Theo ngư dân Rạng thì từ đầu năm đến giờ, dường như ngày nào ra khơi tàu ông cũng đánh bắt được khá nhiều cá. Bình quân mỗi chuyến ra khơi tàu đánh được từ 5 - 7 tấn cá lưỡi búa, cá nục. Cá biệt có chuyến được hơn 10 tấn, thu về cả trăm triệu đồng. Không chỉ ông Rạng mà mỗi chuyến biển của những con tàu hành nghề lưới vây đêm nơi đây kéo dài từ 2 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau vào bờ cũng đều đầy ắp cá.
Sau khi thu mua xong, các đầu nậu thuê người nhanh chóng gánh lên đường lớn, đưa lên xe đông lạnh để chở đi tiêu thụ ở các tỉnh Đà Nẵng, Huế… Từ đầu năm đến nay, giá các loại cá lưỡi búa, cá nục tương đối ổn định từ 13 - 15 ngàn đồng/kg. Tuy giá không cao nhưng nhờ tàu thường xuyên trúng đậm, hơn nữa lại đánh bắt ở vùng biển gần bờ nên chi phí của mỗi chuyến biển thường thấp. Từ đó giúp nhiều ngư dân có thu nhập cao.
Được mùa mực
Không chỉ riêng cá được mùa mà những ngư dân hành nghề lưới vây mực cũng vui mừng không kém vì trúng đậm mực cơm. Ngư dân Bùi Đức Chính phấn khởi chia sẻ: “Được khoảng 3 tạ mực. Không bằng hôm trước, nhưng như thế là đạt rồi. So với năm ngoái thì năm nay được mùa hơn nhiều”. Do khai thác gần bờ nên mực ở đây còn tươi nguyên, ửng đỏ, nhấp nháy.
Ông Chính cho biết, hơn một tuần nay, trung bình mỗi đêm ông đánh được 2-3 tạ mực, bán được từ 10-15 triệu đồng, mỗi ngư dân thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể có hôm trúng lớn, ông thu được gần 3 tấn mực, bán được trên 100 triệu đồng.
Ở Bình Hải, mọi người thường hay nhắc đến chủ tàu Đỗ Văn Tín. Bởi tàu ông lúc nào cũng đánh được nhiều cá, mực nhất xã. Mỗi chuyến ra khơi, ông tranh thủ từng giờ, từng phút. Không chỉ chuyên nghề lưới vây đêm mà tàu ông còn chuyên cả nghề lưới vây ngày. Gặp cá ông đánh cá, gặp mực ông bắt mực. Chính vì thế mà hôm nào cập bến, tàu ông cũng mang về hàng tấn cá, mực. Có những hôm trúng đậm, tàu “quá tải”, ông Tín phải thuê thêm ghe rỗi để chở cá, mực đưa vào bờ.
Có thể bạn quan tâm

Sau chuyến công tác tại Philippines tìm hiểu sâu về thị trường lúa gạo, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết, hiện giá gạo trong tháng 6 ở Philippines đã tăng thêm 2-3 peso/ngày (1USD bằng 40 peso) và hiện nay, giá gạo 25% tấm đạt 27 peso (mức giá gạo do nhà nước bán ra), còn gạo của tư nhân nhập cảng thì thường bán với giá 37- 40 peso.

Vụ sản xuất dưa hấu sớm năm nay thời tiết khá thuận nên năng suất đạt khá cao, bình quân từ 26 tấn đến 30 tấn/ha. Tuy giá dưa thương phẩm đang ở mức thấp nhưng lợi nhuận thu được cũng từ 60 triệu đến 80 triệu đồng/ha chỉ sau 60 ngày gieo trồng và chăm sóc.

Do công suất nhà máy có hạn, trong khi người dân tập trung thu hoạch đồng loạt, nhất là những thời điểm dự báo thời tiết bất lợi như bão lũ nên nhà máy không thu mua hết số sắn thu hoạch được. Người dân bán cho tư thương để tiêu thụ ra ngoài địa phương khoảng 23.000 tấn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên-Huế, đây là mô hình đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng ngư dân. Việc các địa phương ven biển giao quyền khai thác mặt nước biển ven bờ giúp ngư dân tránh đánh bắt bằng các phương tiện theo lối tận thu, hủy diệt; giảm bớt chi phí trong công tác quản lý.

Trong đó, việc trồng rau màu trong nhà màng là một trong những mô hình đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể cho nông dân. Qua đó, góp phần tăng sản lượng, nâng chất lượng nông sản cũng như đóng góp tích cực trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.