Ngư Dân Bình Hải Được Mùa

Mới 5 giờ sáng, chợ Bình Hải (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã xôn xao tiếng kẻ mua người bán làm bừng dậy cả một vùng biển. Ngoài khơi, hàng chục chiếc tàu của ngư dân tiến vào bờ. Nhiều thúng chai được huy động chở ăm ắp cá, mực từ tàu vào bờ tiêu thụ. Trên gương mặt rám nắng của những ngư dân rạng rỡ niềm vui vì thành quả của một đêm “thức cùng biển” là cá, mực đầy khoang.
Trúng đậm cá
Tàu vừa neo cách bờ gần 100m đã nghe thấy tiếng của những ngư dân hô vang: “Hôm nay lại trúng lớn!”. Ngay lập tức những chiếc thúng vội vã “bơi” ra đón nhận những mẻ cá từ khoang tàu đưa xuống. Những con cá tươi lấp lánh ánh bạc trong bình minh. Từng khay cá đầy ắp được bày ra chật cả bãi biển, cảnh mua bán tấp nập.
Trở về sau phiên biển đầy thắng lợi, ngư dân Trịnh Văn Rạng ở thôn Phước Thiện không giấu được niềm vui: “Tàu tôi đánh được hơn 5 tấn cá lưỡi búa và cá nục. Cũng phiên biển này, nhưng năm ngoái các loại cá này đâu có được mùa thế. Ngày nào cũng được như thế này là vui rồi!”.
Theo ngư dân Rạng thì từ đầu năm đến giờ, dường như ngày nào ra khơi tàu ông cũng đánh bắt được khá nhiều cá. Bình quân mỗi chuyến ra khơi tàu đánh được từ 5 - 7 tấn cá lưỡi búa, cá nục. Cá biệt có chuyến được hơn 10 tấn, thu về cả trăm triệu đồng. Không chỉ ông Rạng mà mỗi chuyến biển của những con tàu hành nghề lưới vây đêm nơi đây kéo dài từ 2 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau vào bờ cũng đều đầy ắp cá.
Sau khi thu mua xong, các đầu nậu thuê người nhanh chóng gánh lên đường lớn, đưa lên xe đông lạnh để chở đi tiêu thụ ở các tỉnh Đà Nẵng, Huế… Từ đầu năm đến nay, giá các loại cá lưỡi búa, cá nục tương đối ổn định từ 13 - 15 ngàn đồng/kg. Tuy giá không cao nhưng nhờ tàu thường xuyên trúng đậm, hơn nữa lại đánh bắt ở vùng biển gần bờ nên chi phí của mỗi chuyến biển thường thấp. Từ đó giúp nhiều ngư dân có thu nhập cao.
Được mùa mực
Không chỉ riêng cá được mùa mà những ngư dân hành nghề lưới vây mực cũng vui mừng không kém vì trúng đậm mực cơm. Ngư dân Bùi Đức Chính phấn khởi chia sẻ: “Được khoảng 3 tạ mực. Không bằng hôm trước, nhưng như thế là đạt rồi. So với năm ngoái thì năm nay được mùa hơn nhiều”. Do khai thác gần bờ nên mực ở đây còn tươi nguyên, ửng đỏ, nhấp nháy.
Ông Chính cho biết, hơn một tuần nay, trung bình mỗi đêm ông đánh được 2-3 tạ mực, bán được từ 10-15 triệu đồng, mỗi ngư dân thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể có hôm trúng lớn, ông thu được gần 3 tấn mực, bán được trên 100 triệu đồng.
Ở Bình Hải, mọi người thường hay nhắc đến chủ tàu Đỗ Văn Tín. Bởi tàu ông lúc nào cũng đánh được nhiều cá, mực nhất xã. Mỗi chuyến ra khơi, ông tranh thủ từng giờ, từng phút. Không chỉ chuyên nghề lưới vây đêm mà tàu ông còn chuyên cả nghề lưới vây ngày. Gặp cá ông đánh cá, gặp mực ông bắt mực. Chính vì thế mà hôm nào cập bến, tàu ông cũng mang về hàng tấn cá, mực. Có những hôm trúng đậm, tàu “quá tải”, ông Tín phải thuê thêm ghe rỗi để chở cá, mực đưa vào bờ.
Related news

Tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước năm 2011, Phú Thọ là một trong 3 tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch cấp xã. Nhằm kiểm tra công tác xây dựng NTM tại địa phương này, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát, Phó Ban chỉ đạo Trung Ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã có buổi dự và trao đổi với Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Thương Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ về xây dựng NTM ở cơ sở.

Từ đầu năm 2010 đến nay, Đoàn KT-QP 345 đã hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất cho 1.570 lượt người dân địa phương; phối hợp với Phòng kinh tế huyện Bát Xát mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm cho 385 người dân về kỹ thuật trồng cây cao su, dứa, chuối, trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế, rừng biên giới.

Theo Vụ Thị trường châu Phi (Bộ Công thương), đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Phước và một số DN trong nước đã đến thăm các huyện ở Nampula (Mozambique) gồm Mogovolas, Ribaue và Meconta.

Nhà ngập, nước lùa thốc tháo qua từng căn nhà tranh, những căn lều dựng tạm bên đường, những bữa cơm đói no, trẻ con lem luốc đùa nghịch trong nước….là những hình ảnh khắc hoạ rõ nét về nỗi cơ cực của người dân vùng lũ ở Đồng Tháp

Ngày 24-5, ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết UBND tỉnh Quảng Nam đã cho phép thí điểm mô hình nuôi cá bằng lồng bè ở hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện này.