Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngọt Vườn Cam Sành Ở Trà Ôn

Ngọt Vườn Cam Sành Ở Trà Ôn
Ngày đăng: 16/05/2012

Bệnh vàng lá gân xanh hoành hành trên cây cam sành (CS) làm không ít nhà vườn trắng tay; và cũng không ít trường hợp bóp bụng “xuống cam” chuyển sang trồng cây khác. Nhưng ở một số xã thuộc huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), nhiều nông dân đang thật sự giàu lên nhờ cây CS.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều nơi nông dân điêu đứng vì CS, còn nông dân ở Trà Ôn lại phất giàu lên như vậy?

Ôm tiền tỷ nhờ CS

Từ xã Thuận Thới (Trà Ôn, Vĩnh long) men theo hương lộ Cống Đá - Vàm Giồng, chúng tôi đã bắt gặp những vườn cam bạt ngàn, trĩu quả. Các con đường nhỏ vào sâu trong các ấp mùa này, hai bên đường cũng toàn cam là cam. Có thể dùng từ “rừng cam” bạt ngàn cũng không sai, bởi trong 462 ha trồng cây lâu năm toàn xã thì CS chiếm tới 175 ha. Trong đó, 96 ha cam cho trái, còn lại là diện tích mới trồng, tăng khoảng 60 ha so với năm 2011.

Ông Phan Văn Sường (Sáu Sường) ở ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới (Trà Ôn) - một trong những người đầu tiên trồng CS và giàu nhất nhì xã này cho biết: Canh tác 21 công ruộng đã nhiều năm nhưng cho hiệu quả không cao nên ông quyết định lên liếp trồng CS. Sau thời gian cần cù chăm sóc, hiện vườn cam của ông cũng đã cho thu hoạch. “Vụ cam trái chiếng năm rồi chỉ có 8 công CS, tui bán xô cả vườn được 1,3 tỷ đồng. Vụ này, thương lái ra giá 1,8 tỷ nhưng tui chưa chịu bán vì giá cam đang tăng cao” - ông Sáu Sường tiết lộ. Vì ông chắc rằng mỗi năm bắt đầu vào khoảng tháng 5, tháng 6 là vào mùa “khát cam”, năm nay các nhà vườn dự đoán giá cũng sẽ được đẩy dần lên không dưới 30.000 đ/kg.

Thắng lớn nhiều vụ liên tiếp và giàu lên từ vườn CS nên nhiều người dân địa phương coi Sáu Sường là “chuyên gia” vì ông giúp họ kỹ thuật chọn giống, xử lý ruộng thành vườn trồng cam, kỹ thuật trồng sao cho đạt hiệu quả chứ không thất bại như nơi khác.

Ở gần đó, ông Đặng Văn Chín (ấp Cống Đá) cũng “đếm tiền mỏi tay” nhờ CS. Từ một phần ruộng lúa, ban đầu ông lên liếp trồng 12 công cam. Sau thu hoạch thấy lời kha khá, ông dần mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 35 công CS. Hôm chúng tôi đến, ông cũng vừa cất xong căn nhà khang trang còn thơm mùi sơn, trị giá gần 2 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Thới Lê Văn Long còn thống kê “bỏ túi”: Ngoài tỷ phú CS Phan Văn Sường, Đặng Văn Chín, tại xã còn có hàng chục hộ khác có thu nhập trên 500 triệu/ha/năm như hộ ông Nguyễn Văn Bố, Phạm Văn Sua, Nguyễn Hoàng Nghĩa,… Khi được hỏi tương lai của cây CS thời gian tới, ông Lê Văn Long nói chắc nịch: “Chắc chắn tiếp tục tăng. Hiện ấp Giồng Gòn đã có trên 70% đất trồng lúa không hiệu quả lên liếp trồng cam, còn ấp Cống Đá cũng đã có trên 50% diện tích”.

CS nghịch vụ… thuận giá!

“Ép” cho cam ra trái mùa nghịch là kỹ thuật độc đáo của nông dân. Theo một số nhà vườn có kinh nghiệm, xử lý CS cho trái nghịch vụ là không khó, nhưng đòi hỏi bón phân, xịt thuốc, nhất là khâu xiết nước nhằm tăng sự tích tụ dinh dưỡng cho CS… Thông thường khoảng tháng 5 âm lịch, nhà vườn chuẩn bị làm lá, kích thích cho cây ra đọt non, đồng thời phòng trị một số loại sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rầy mềm… Bước qua tháng 6 đến tháng 7 âm lịch, tiến hành rút nước cạn trong mương từ 15 - 20 ngày cho cây khô hạn, thấy cây “xào lá” xem như đạt yêu cầu.

Cũng theo nhiều nhà vườn, CS vụ nghịch có giá bán thường cao hơn vụ thuận. Giá CS trong vụ thường rớt thê thảm từ 5.000 - 7.000 đ/kg, còn CS trái vụ có thể tới 24.000 đ/kg, cao hơn khoảng 3 lần. Cũng vì lý do đó mà nhiều nông dân chọn xử lý CS ra trái nghịch vụ.

Theo ông Sáu Sường, CS không phải loại cây dễ trồng, muốn đạt hiệu quả cao đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều yếu tố kỹ thuật. Trong đó, khống chế cho được con rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá gân xanh. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên hễ vườn cam bị bệnh thì coi như phải đốn bỏ. Ngoài ra, ông Sáu Sường cho biết, ban đầu không nên trồng quá dày. Đặc biệt khi tham quan vườn cam đang ra trái oằn nhánh, mỗi cây đều phải chằng dây (dù đã thuê nhân công hái bớt trái nhỏ bỏ đầy vườn), thỉnh thoảng chúng tôi thấy có xen một số cây cam con trong vườn. Hỏi ra thì được biết, khi cam bị “nhuốm” bệnh là ông không mua thuốc điều trị như mọi người, mà nhanh chóng đốn bỏ, để thay cây mới mạnh khỏe. Theo ông Sáu giải thích: Khi cây bị bệnh chi phí điều trị phải mấy chục ngàn tiền thuốc mỗi cây, trong khi mình giâm sẵn cây con chỉ tốn có mấy ngàn đồng. Thứ nữa lo chăm sóc cây bệnh dù khỏi thì nó cũng suy rồi và dễ lây mầm bệnh ra cả vườn.

Câu chuyện trồng CS của ông Sáu Sường, hồi thuở đầu nó còn lao đao hơn nhiều, khi mà vườn cam của ông còn nằm… thoi loi giữa vùng ruộng lúa. Do đó rất khó khăn trong chủ động nguồn nước, nên phải lo bao bờ cực dữ lắm. Cho nên phải đi vận động từng nhà cùng trồng cam theo mình, cũng nhiều khi bị mắng cho… ê mặt. Nhưng giờ đây hàng trăm hộ đã “liên kết” lại thành rừng CS bạt ngàn, chạy mút ra tới ngoài vàm toàn cam là cam, hệ thống thủy lợi đê bao toàn vùng trở nên chắc chắn an toàn hơn vào mùa mưa lũ. Đó là một trong những yếu tố bảo đảm cho những vụ cam “ăn chắc”.

Dân ở Thuận Thới làm giàu bền vững từ cây CS. Đó là câu chuyện dài của làng tỷ phú CS, mà chắc chắn rằng trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ trở lại khi một mùa thu hoạch nữa trôi qua, để chứng kiến sự đổi thay của bộ mặt nông thôn từ loại cây khó tính, đã làm điêu đứng bao nhiêu nhà vườn vì nó.

Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi nông hộ liệu có bị nhấn chìm Chăn nuôi nông hộ liệu có bị nhấn chìm

Theo đánh giá của các ngành chức năng, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để họ không bị “chìm” trong “cơn bão” này, rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh.

14/09/2015
Tập huấn ngoài mô hình chăn nuôi gà thả vườn Tập huấn ngoài mô hình chăn nuôi gà thả vườn

Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2015 là năm thứ 3 Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ được tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi” với mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học thực hiện tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (năm 2013), xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (năm 2014) và xã Chu Hóa, TP.Việt Trì (năm 2015).

14/09/2015
Nông dân phấn khởi vì giá chuối cao trở lại Nông dân phấn khởi vì giá chuối cao trở lại

Ông Trần Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết, hiện nay có nhiều thương lái đến địa phương, thu mua chuối quả trong dân, với giá cao, gấp từ 2 đến 2,5 lần so với 6 tháng trước.

14/09/2015
Vị đắng thanh long Bình Thuận Vị đắng thanh long Bình Thuận

Người nông dân Bình Thuận từng một thời nhờ cây thanh long đổi đời, khá giả lên. Nhưng cũng chính cây thanh long đã mang đến nợ nần chồng chất khiến nhiều người điêu đứng, trắng tay. Vấn đề là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc, giá cả bấp bênh…

14/09/2015
Triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh Triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam.

14/09/2015