Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngọt Vườn Cam Sành Ở Trà Ôn

Ngọt Vườn Cam Sành Ở Trà Ôn
Publish date: Wednesday. May 16th, 2012

Bệnh vàng lá gân xanh hoành hành trên cây cam sành (CS) làm không ít nhà vườn trắng tay; và cũng không ít trường hợp bóp bụng “xuống cam” chuyển sang trồng cây khác. Nhưng ở một số xã thuộc huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), nhiều nông dân đang thật sự giàu lên nhờ cây CS.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều nơi nông dân điêu đứng vì CS, còn nông dân ở Trà Ôn lại phất giàu lên như vậy?

Ôm tiền tỷ nhờ CS

Từ xã Thuận Thới (Trà Ôn, Vĩnh long) men theo hương lộ Cống Đá - Vàm Giồng, chúng tôi đã bắt gặp những vườn cam bạt ngàn, trĩu quả. Các con đường nhỏ vào sâu trong các ấp mùa này, hai bên đường cũng toàn cam là cam. Có thể dùng từ “rừng cam” bạt ngàn cũng không sai, bởi trong 462 ha trồng cây lâu năm toàn xã thì CS chiếm tới 175 ha. Trong đó, 96 ha cam cho trái, còn lại là diện tích mới trồng, tăng khoảng 60 ha so với năm 2011.

Ông Phan Văn Sường (Sáu Sường) ở ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới (Trà Ôn) - một trong những người đầu tiên trồng CS và giàu nhất nhì xã này cho biết: Canh tác 21 công ruộng đã nhiều năm nhưng cho hiệu quả không cao nên ông quyết định lên liếp trồng CS. Sau thời gian cần cù chăm sóc, hiện vườn cam của ông cũng đã cho thu hoạch. “Vụ cam trái chiếng năm rồi chỉ có 8 công CS, tui bán xô cả vườn được 1,3 tỷ đồng. Vụ này, thương lái ra giá 1,8 tỷ nhưng tui chưa chịu bán vì giá cam đang tăng cao” - ông Sáu Sường tiết lộ. Vì ông chắc rằng mỗi năm bắt đầu vào khoảng tháng 5, tháng 6 là vào mùa “khát cam”, năm nay các nhà vườn dự đoán giá cũng sẽ được đẩy dần lên không dưới 30.000 đ/kg.

Thắng lớn nhiều vụ liên tiếp và giàu lên từ vườn CS nên nhiều người dân địa phương coi Sáu Sường là “chuyên gia” vì ông giúp họ kỹ thuật chọn giống, xử lý ruộng thành vườn trồng cam, kỹ thuật trồng sao cho đạt hiệu quả chứ không thất bại như nơi khác.

Ở gần đó, ông Đặng Văn Chín (ấp Cống Đá) cũng “đếm tiền mỏi tay” nhờ CS. Từ một phần ruộng lúa, ban đầu ông lên liếp trồng 12 công cam. Sau thu hoạch thấy lời kha khá, ông dần mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 35 công CS. Hôm chúng tôi đến, ông cũng vừa cất xong căn nhà khang trang còn thơm mùi sơn, trị giá gần 2 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Thới Lê Văn Long còn thống kê “bỏ túi”: Ngoài tỷ phú CS Phan Văn Sường, Đặng Văn Chín, tại xã còn có hàng chục hộ khác có thu nhập trên 500 triệu/ha/năm như hộ ông Nguyễn Văn Bố, Phạm Văn Sua, Nguyễn Hoàng Nghĩa,… Khi được hỏi tương lai của cây CS thời gian tới, ông Lê Văn Long nói chắc nịch: “Chắc chắn tiếp tục tăng. Hiện ấp Giồng Gòn đã có trên 70% đất trồng lúa không hiệu quả lên liếp trồng cam, còn ấp Cống Đá cũng đã có trên 50% diện tích”.

CS nghịch vụ… thuận giá!

“Ép” cho cam ra trái mùa nghịch là kỹ thuật độc đáo của nông dân. Theo một số nhà vườn có kinh nghiệm, xử lý CS cho trái nghịch vụ là không khó, nhưng đòi hỏi bón phân, xịt thuốc, nhất là khâu xiết nước nhằm tăng sự tích tụ dinh dưỡng cho CS… Thông thường khoảng tháng 5 âm lịch, nhà vườn chuẩn bị làm lá, kích thích cho cây ra đọt non, đồng thời phòng trị một số loại sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rầy mềm… Bước qua tháng 6 đến tháng 7 âm lịch, tiến hành rút nước cạn trong mương từ 15 - 20 ngày cho cây khô hạn, thấy cây “xào lá” xem như đạt yêu cầu.

Cũng theo nhiều nhà vườn, CS vụ nghịch có giá bán thường cao hơn vụ thuận. Giá CS trong vụ thường rớt thê thảm từ 5.000 - 7.000 đ/kg, còn CS trái vụ có thể tới 24.000 đ/kg, cao hơn khoảng 3 lần. Cũng vì lý do đó mà nhiều nông dân chọn xử lý CS ra trái nghịch vụ.

Theo ông Sáu Sường, CS không phải loại cây dễ trồng, muốn đạt hiệu quả cao đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều yếu tố kỹ thuật. Trong đó, khống chế cho được con rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá gân xanh. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên hễ vườn cam bị bệnh thì coi như phải đốn bỏ. Ngoài ra, ông Sáu Sường cho biết, ban đầu không nên trồng quá dày. Đặc biệt khi tham quan vườn cam đang ra trái oằn nhánh, mỗi cây đều phải chằng dây (dù đã thuê nhân công hái bớt trái nhỏ bỏ đầy vườn), thỉnh thoảng chúng tôi thấy có xen một số cây cam con trong vườn. Hỏi ra thì được biết, khi cam bị “nhuốm” bệnh là ông không mua thuốc điều trị như mọi người, mà nhanh chóng đốn bỏ, để thay cây mới mạnh khỏe. Theo ông Sáu giải thích: Khi cây bị bệnh chi phí điều trị phải mấy chục ngàn tiền thuốc mỗi cây, trong khi mình giâm sẵn cây con chỉ tốn có mấy ngàn đồng. Thứ nữa lo chăm sóc cây bệnh dù khỏi thì nó cũng suy rồi và dễ lây mầm bệnh ra cả vườn.

Câu chuyện trồng CS của ông Sáu Sường, hồi thuở đầu nó còn lao đao hơn nhiều, khi mà vườn cam của ông còn nằm… thoi loi giữa vùng ruộng lúa. Do đó rất khó khăn trong chủ động nguồn nước, nên phải lo bao bờ cực dữ lắm. Cho nên phải đi vận động từng nhà cùng trồng cam theo mình, cũng nhiều khi bị mắng cho… ê mặt. Nhưng giờ đây hàng trăm hộ đã “liên kết” lại thành rừng CS bạt ngàn, chạy mút ra tới ngoài vàm toàn cam là cam, hệ thống thủy lợi đê bao toàn vùng trở nên chắc chắn an toàn hơn vào mùa mưa lũ. Đó là một trong những yếu tố bảo đảm cho những vụ cam “ăn chắc”.

Dân ở Thuận Thới làm giàu bền vững từ cây CS. Đó là câu chuyện dài của làng tỷ phú CS, mà chắc chắn rằng trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ trở lại khi một mùa thu hoạch nữa trôi qua, để chứng kiến sự đổi thay của bộ mặt nông thôn từ loại cây khó tính, đã làm điêu đứng bao nhiêu nhà vườn vì nó.

Related news

Giá Xuất Khẩu Chè Có Tăng Nhưng Vẫn Thấp Nhất Thế Giới Giá Xuất Khẩu Chè Có Tăng Nhưng Vẫn Thấp Nhất Thế Giới

So với cùng kỳ năm trước, giá chè XK bình quân 9 tháng đầu năm đạt 1.693 USD/tấn, tăng 6,03%. Khối lượng chè XK sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 67,64% về khối lượng và tăng 94,40% về giá trị. Trái ngược với tình trạng đó, XK chè sang Indonesia có tốc độ giảm mạnh nhất, giảm 57,16% về khối lượng và giảm 58,28% về giá trị.

Monday. November 3rd, 2014
Bình Thuận Giám Sát Độc Tố Trên Các Loại Sò Biển Bình Thuận Giám Sát Độc Tố Trên Các Loại Sò Biển

Trước đó, ngày 19/10, Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Bộ đã thông báo: kiểm tra 10 mẫu kiểm tra sò lông, sò điệp của tỉnh Bình Thuận có nhiễm Lipophilic - một loại độc tố gây tiêu chảy, không đạt tiêu chuẩn chế biến thực phẩm xuất khẩu vào châu Âu.

Monday. November 3rd, 2014
Xuất Khẩu Mật Ong Long Đong Giấy Phép Xuất Khẩu Mật Ong Long Đong Giấy Phép

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, 9 tháng đầu năm, Việt Nam XK khoảng 40.000 tấn mật ong với giá trị đạt trên 100 triệu USD. Dự kiến cả năm, sản lượng XK sẽ chạm mức 45.000 tấn. Trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chật vật để “lọt” được vào các thị trường “khó tính” thì mật ong đi tiên phong, là sản phẩm từ động vật duy nhất của Việt Nam “thoải mái” XK vào Mỹ và EU.

Monday. November 3rd, 2014
Thu Hút Đầu Tư Cho Nông Nghiệp Thu Hút Đầu Tư Cho Nông Nghiệp

Nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/ NĐ-CP mở rộng ưu đãi cho các lĩnh vực nông nghiệp. Đồng Nai cũng đang xây dựng đề án hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020.

Monday. November 3rd, 2014
Thi Tay Nghề Thợ Giỏi Thu Hoạch Mủ Thi Tay Nghề Thợ Giỏi Thu Hoạch Mủ

Dịp này, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã chọn 10 thí sinh có thành tích cao để lập đội tuyển dự hội thi tay nghề thợ giỏi khai thác mủ cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 12.

Monday. November 3rd, 2014