Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghịch lý xuất khẩu cá tra

Nghịch lý xuất khẩu cá tra
Ngày đăng: 17/10/2015

Bị thị trường chi phối

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP): Dự báo, giá trị XK cá tra trong quý III và IV-2015 đạt 950 triệu USD.

Với xu hướng này, XK cá tra năm 2015 có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, thấp hơn 4% so với mức 1,77 tỷ USD năm 2014.

Do những khó khăn về thị trường sẽ tác động lớn tới hoạt động trong nước nên dự kiến, diện tích nuôi cá tra của quý III và IV-2015 vẫn giữa ở mức trên 5.700 ha.

Sản lượng thu hoạch cũng trên 550.000 nghìn tấn.

Năm 2015, tổng diện tích nuôi cá tra ước đạt khoảng 5.700 ha, tổng sản lượng 1,1 triệu tấn, tương đương với năm 2014.

Suốt từ đầu năm đến nay, XK cá tra sụt giảm tại hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil và chỉ tăng tại thị trường Trung Quốc.

Theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT): Hiện cá tra Việt Nam đã XK đến trên 150 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên việc XK cá tra phải đối đầu với những thử thách bởi các hàng rào kỹ thuật (truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, vi sinh vật…), các rào cản thương mại (thuế chống bán phá giá của Mỹ, nhãn đỏ của Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên…) cùng với tác động của các chính sách vĩ mô (thuế, tiền tệ…).

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cá tra chưa được đầu tư đúng mức.

Trong năm nay, giá bán cá tra trung bình chỉ đạt khoảng 2 USD/kg, bằng 51% so với giá bán của năm 2000.

Xung quanh vấn đề này, theo ông Trần Văn Hài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến, cụm Công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp): Cá tra Việt Nam chiếm khoảng 95% thị phần cá tra thế giới lẽ ra phải chi phối thị trường nhưng thực tế lại đang bị thị trường chi phối ngược.

Bằng chứng là, cá tra Việt Nam liên tục bị kiện bán phá giá, bị bôi nhọ hình ảnh.

Việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN XK càng làm cho tình hình thị trường không mấy khả quan.

Thực tế, trong vòng 10 năm qua, giá fillet cá tra đã sụt giảm mạnh khoảng 25%.

Theo ông Hài, mặc dù ngành cá tra có nhiềm tiềm năng song điểm yếu lớn lại là các mối liên kết cả ngang và dọc trong toàn chuỗi sản xuất và tiêu thụ thời gian qua khá yếu.

Đặc biệt, mắt xích giữa người nuôi và nhà sản xuất, chế biến trong mối liên kết dọc hầu như không có.

Xung đột lợi ích giữa hai mắt xích này liên tục diễn ra.

Khi nguyên liệu có dấu hiệu dư thừa thì nhà máy ép giá.

Khi thị trường có dấu hiệu “ấm lên”, người nuôi lại ghìm hàng không bán hoặc mặc cả giá cao.

Tăng hiệu quả chuỗi giá trị

Đề cập tới chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra, theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, hiện nay có một số loại hình liên kết: Liên kết giữa hộ/ DN nuôi cá với cơ sở cung ứng thức ăn; liên kết giữa hộ nuôi cá-DN chế biến trong tiêu thụ và/hoặc cung ứng thức ăn; liên kết nuôi gia công giữa hộ nuôi cá và DN chế biến; liên kết thuê ao nuôi cá giữa hộ nuôi cá và DN chế biến.

Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết này chưa được bền chặt.

Nhiều hợp đồng liên kết cung cấp và thu mua sản phẩm giữa DN với nông dân nuôi cá được ký kết nhưng không được thực hiện nghiêm túc.

Các vụ việc phá vỡ hoàn toàn hợp đồng, trì hoãn thanh toán tiền, hạ cấp sản phẩm một cách tùy tiện đã gây nhiều khó khăn cho phía người nuôi cá, nhất là những người nuôi cá theo mô hình hộ gia đình.

Bên cạnh đó, trong tổ chức sản xuất của các hộ gia đình nuôi cá tra hiện nay, vai trò của Hội/Hiệp hội Thủy sản ở các địa phương còn khá mờ nhạt.

Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng, để dần khẳng định vị thế và nâng cao giá trị XK cá tra, cần tiến hành tổng thể nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá tra.

Cụ thể, cần định hướng thắt chặt liên kết ngang từ người nuôi, DN cung cấp con giống, thức ăn, DN chế biến, XK…, nhất là liên kết ngang của các DN XK ở từng thị trường cụ thể.

Nếu DN liên kết ở từng thị trường XK để kịp thời hỗ trợ về mặt thông tin chất lượng, giá cả sản phẩm sẽ tạo nên thế mạnh ở từng thị trường cụ thể thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Đối với Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đề nghị cập nhật liên tục và kịp thời các tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường NK và công nhận sự tương tương của các tiêu chuẩn nước ngoài với tiêu chuẩn VietGap.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ địa phương theo chương trình dự án chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao; hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến cho địa phương và các DN.

Xung quanh câu chuyện làm thế nào để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá tra, từng bước nâng cao giá trị cũng như vị thế của cá tra XK, một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cả Trung ương lẫn địa phương cần phân công cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cũng như các mô hình dự báo cầu thị trường cá tra, từ đó đưa ra chính sách quản lý, điều tiết, quy hoạch lại sản xuất.

Đối với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, điều cần thiết là phải làm tốt công tác kết nối các DN để chia sẻ thông tin, khai thác tiềm năng thị trường.

Đồng thời, Hiệp hội cũng phải làm đầu mối hỗ trợ kết nối giữa các nhóm DN, tư vấn cho DN trong quá trình thuê gia công sản xuất; xây dựng cổng thông tin điện tử và sàn giao dịch trực tuyến hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin và hình thành kênh bán hàng mới…

Ngoài ra, kết nối với các đơn vị tổ chức hội chợ tại các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Bỉ… để tham gia quảng bá và xây dựng hình ảnh cá Tra Việt Nam; khuyến khích và hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm cá tra của DN cũng là giải pháp quan trọng cần thúc đẩy.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Chuỗi giá trị đang phát triển ngược

Hiện nay, thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối và gia tăng lợi thế cạnh tranh ở nước ngoài thì các DN ngành cá tra trong nước lại gia tăng mở rộng vùng nuôi, nhà máy thức ăn làm tăng sự cạnh tranh nội ngành dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận, suy kiệt tài nguyên, gia tăng xung đột trong chuỗi ngành.

Nguyên nhân cơ bản và lâu dài dẫn đến các chuỗi giá trị ngành hàng cá tra kém bền vững là do thiếu dự báo nhu cầu thị trường và thiếu chính sách điều phối cung trong nước để sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Chính sách hỗ trợ thời gian qua chưa đánh giá kiểm tra hiệu quả tác động hoặc thay đổi, cải tiến chính sách chỉ có tính chất đối phó nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt xảy ra có liên quan đến sản xuất và biến động thị trường hoặc chính sách chỉ mang lại lợi ích cho một ít chủ thể trong chuỗi.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam: Lấy lại hình ảnh cho sản phẩm cá tra Việt Nam

Bên cạnh những thách thức và khó khăn, thời gian tới việc hội nhập kinh tế sâu rộng cũng mở ra những cơ hội nhất định cho XK cá tra.

Cụ thể, Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục để tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với thị trường EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan (VCUFTA) đi vào thực thi, phía Liên minh Hải quan, thủy sản là nhóm hàng sẽ được hưởng ưu đãi thuế ngay lập tức từ khi Hiệp định được kí kết có hiệu lực.

Thêm nữa, ngoài lợi ích từ thuế thì Hiệp định còn đem lại một loạt các thỏa thuận thương mại nữa về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm dịch sản phẩm (SPS).

Hàng rào kỹ thuật này đã thống nhất nhiều nguyên tắc minh bạch, đúng với thông lệ quốc tế.

Để thúc đẩy XK cá tra, điều quan trọng là phải lấy lại hình ảnh cho sản phẩm cá tra; đẩy mạnh cung cấp những thông tin minh bạch về sản phẩm cá tra và quá trình sản xuất đến người tiêu dùng; xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cá tra dựa trên các ưu điểm: cá thịt trắng, giá hợp lý, không có mùi tanh…


Có thể bạn quan tâm

Doanh Nghiệp Chưa Mặn Mà Với Cánh Đồng Mẫu Lớn Doanh Nghiệp Chưa Mặn Mà Với Cánh Đồng Mẫu Lớn

Sau 2 năm triển khai thực hiện, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã từng bước khẳng định mô hình sản xuất lúa kiểu mẫu tại Hậu Giang. Tuy nhiên, các hình thức đầu tư khép kín từ sản xuất đến thu mua sản phẩm giữa người dân với doanh nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tiến tới xây dựng cánh đồng lớn cho tỉnh.

23/09/2014
Lâm Thao Chuyển Hướng Sản Xuất Vụ Đông Lâm Thao Chuyển Hướng Sản Xuất Vụ Đông

Trao đổi với chúng tôi về tình hình sản xuất vụ đông, đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao đánh giá: Là huyện đồng bằng, đất chật, người đông, từ lâu Lâm Thao đã chú trọng tăng vụ, trong đó sớm đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.

23/09/2014
Tăng Cường Các Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Hại Rừng Thông Tăng Cường Các Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Hại Rừng Thông

Từ tháng 5/2014 đến nay, dịch sâu róm tấn công rừng thông phát triển mạnh tại địa bàn các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hướng Hóa (Quảng Trị), gây thiệt hại nặng nề cho hơn 1.000 ha rừng thông. Năm nay dịch sâu róm xuất hiện sớm, xảy ra trong điều kiện nắng nóng kéo dài nên diễn biến rất phức tạp.

23/09/2014
Tích Cực Phòng, Trừ Sâu Bệnh Hại Sau Bão Tích Cực Phòng, Trừ Sâu Bệnh Hại Sau Bão

Tiếp đến là bọ xít dài có nguy cơ xuất hiện trên các trà lúa đang bước vào thời kỳ trỗ hoặc chắc xanh ở khu vực gần rừng. Để phòng trừ 2 loại sâu bệnh hại này, nông dân cần tích cực thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã…

23/09/2014
Hàn Quốc Đánh Thuế Hơn 500% Gạo Nhập Khẩu Hàn Quốc Đánh Thuế Hơn 500% Gạo Nhập Khẩu

Đài KBS đưa tin, Chính phủ Hàn Quốc đã ra quyết định đánh thuế 513% đối với gạo NK từ nước ngoài, một động thái chuẩn bị cho việc phải mở cửa thị trường gạo vào năm 2015.

23/09/2014