Trung tâm Khuyến nông quốc gia (NAEC) và Dự án Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (APII/USAID) vừa công bố bộ tài liệu tập huấn dành cho các hộ chăn nuôi gia cầm.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh- Phó Giám đốc NAEC, với mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng gia cầm của VN vào năm 2020, việc cải thiện thực hành trong chăn nuôi cho các nông hộ trên cả nước thực sự là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm và giải quyết những nguy cơ mà cúm gia cầm và các bệnh dịch khác vẫn đang tiếp tục xảy ra.
Nhiều kiến thức bổ ích
Việc triển khai học tập bộ tài liệu này đã được thử nghiệm thành công tại 5 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Trị, An Giang và Cần Thơ. Đến nay, 22 tỉnh đã cử giảng viên (2 giảng viên/tỉnh) tham dự các lớp tập huấn nguồn, chịu trách nhiệm dạy đại trà trong tỉnh.
“Theo đánh giá ban đầu, bộ tài liệu là cẩm nang quan trọng, cần thiết trong việc sử dụng làm tài liệu tập huấn cho các lớp nằm trong hoạt động khuyến nông ở các địa phương”- bà Hạnh cho biết.
An Giang và Cần Thơ là 2 tỉnh đi tiên phong trong việc phổ biến những kiến thức có trong tài liệu đến cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên và các hộ nông dân. Theo bà Nguyễn Thị Xoàn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, bộ tài liệu an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ đã tạo điều kiện để nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông cũng như bà con nông dân.
Được biết, tại An Giang, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã giảm 1/3 chi phí thuốc thú y, tỷ lệ gia cầm ốm chết giảm từ 5-15%, giảm ô nhiễm môi trường và đặc biệt là gia cầm, nhất là gà có hình thức đẹp hơn, dễ bán và bán được giá cao hơn.
Có thể sử dụng trong đào tạo nghề
Ông Trần Thế Do- Hiệu trưởng Trường Trung học Nông lâm Quảng Trị cho biết: “Đây là cuốn tài liệu được biên soạn công phu, thực sự cần thiết và phù hợp để đào tạo cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở. Không chỉ có vậy mà trường chúng tôi có thể tham khảo, vận dụng vào đào tạo cho học sinh và sử dụng cho những lớp đào tạo nghề cho nông dân”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn (Chi cục Thú y Hưng Yên), cuốn tài liệu này thực sự là cẩm nang trong hoạt động nghề nghiệp cũng như trong công tác quản lý ngành.
Bà Trần Thị Liên, (Bình Lục, Hà Nam) là một trong những nông dân tham gia các lớp học tập bộ tài liệu cho biết: “Dù không có tiền hỗ trợ tham gia lớp học, nhưng chúng tôi vẫn tự nguyện đăng ký vì việc đọc tài liệu, nghe giảng và học hỏi cán bộ thực sự đem lại lợi ích cho chính mình, gia đình và cộng đồng”.
Theo bà Võ Nguyên Đán- cán bộ Chi cục Thú y Cần Thơ, sau khi được tiếp cận bộ tài liệu, tham gia các lớp tập huấn, bản thân bà đã “chững chạc” hơn trong công việc rất nhiều. Hiện bà Đán thường xuyên chịu trách nhiệm tổ chức và đứng lớp giảng giải cho cán bộ cơ sở về những kiến thức an toàn sinh học từ cuốn tài liệu.