Dạy cho chính những người nông dân thực thụ cách trồng lúa đúng quy trình, chăm sóc lúa đúng cách... Đó là hình thức dạy nghề tại chỗ rất hiệu quả cho bà con nông dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Học để tăng năng suất
Trước nhu cầu muốn thay đổi giống lúa cũ cho năng suất thấp bằng giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm TP.Hà Nội phối hợp với Hội Nông dân xã Lệ Chi tổ chức 1 lớp đào tạo nghề trồng lúa cho 32 hội viên nông dân.
Lớp học diễn ra chỉ trong 3 tháng, nhưng thu hút đông đảo học viên tham gia. Anh Phạm Thế Học (thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi) cho biết: "Khi được giảng viên của Viện Nghiên cứu lúa trực tiếp giảng dạy thì chúng tôi mới nhận ra rằng để lúa cho năng suất cao thì phải áp dụng đúng quy trình trồng và chăm sóc theo từng thời kỳ cụ thể".
Đồng suy nghĩ với anh Học, anh Nguyễn Văn Sáng, học viên tham gia lớp học chia sẻ: "Tham gia lớp học tôi học được cách chăm sóc, bón phân cân đối, đúng tỉ lệ nên sâu bệnh giảm đi đáng kể. Đặc biệt, khi khóa học kết thúc, chúng tôi được hỗ trợ để trồng thử nghiệm các giống lúa mới chất lượng cao như Huyết rồng (Nam Bộ), Hương việt 3 (Bắc Bộ), ST19 (Sóc Trăng)… thấy vậy tôi đăng ký ngay".
Bà Nguyễn Thị Tư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi cho biết: "Năm 2011, phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm TP.Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức đuợc 2 lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y và trồng trọt. Kết quả đã cấp chứng chỉ nghề cho 64 hội viên nông dân".
Hỗ trợ "hậu lớp học"
Để tiếp sức cho nông dân trong việc gia tăng sản xuất, vụ lúa chiêm xuân vừa qua, phòng kinh tế huyện Gia Lâm phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức trồng thử nghiệm giống lúa mới Huyết rồng tại xã Lệ Chi với diện tích ban đầu là 2 ha.
Anh Nguyễn Văn Sáng phấn khởi nói: "Gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký và đưa vào trồng thử nghiệm trên 3 sào ruộng từ cuối tháng 2.2012, đến nay đã chuẩn bị cho thu hoạch, ước tính bình quân thu được 2,5 - 3 tạ/sào". Anh cho biết thêm vụ mùa tới đây gia đình anh sẽ trồng toàn bộ giống lúa Huyết rồng này trên diện tích đất canh tác của gia đình.
TS Vũ Hồng Quảng - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: "Giống lúa Huyết rồng (Nam Bộ) và Hương việt 3 (Bắc Bộ) với chất lượng gạo dẻo và thơm, do vậy nhu cầu của thị trường là rất lớn. Ngoài ra, những giống lúa này còn có khả năng chống chịu hạn rất cao, không kén đất, cây cứng, đẻ khỏe, chống sâu bệnh rất tốt… rất thích hợp để trồng ở những vùng ngoại thành Hà Nội như Lệ Chi".
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi nói: "Để chuẩn bị cho vụ mùa tới đây nông dân đã đăng ký trên 300 kg lúa giống nhưng lại không có lúa giống đáp ứng cho bà con." Tìm hiểu về vấn đề này, qua trao đổi với TS Vũ Hồng Quảng, chúng tôi được biết, do đang trong quá trình thử nghiệm nên Viện không chủ động được số lượng lúa giống nhiều như vậy, nhưng Viện sẽ cử chuyên gia về địa phương để hướng dẫn bà con lấy lúa giống từ chính những thửa ruộng đã trồng thử nghiệm từ vụ chiêm xuân để làm lúa giống cho vụ mùa kế tiếp.
Năm 2012, Hội Nông dân TP. Hà Nội tiến hành tổ chức đào tạo nghề cho 30.000 lao động cho khu vực nông thôn với trên 20 huyện thị, bình quân mỗi huyện sẽ tổ chức từ 35 - 40 lớp.