Nghề Nuôi Rắn Ở Thống Nhất (Quảng Ninh)
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).
Tuy nghề nuôi rắn đã bắt đầu có ở xã Thống Nhất từ năm 2006 nhưng hiện nay toàn xã mới chỉ có 5 hộ thực hiện mô hình này và chỉ 2 trong 5 hộ đó được cấp phép, còn lại 3 hộ là nuôi tự do. Ông Vũ Trường Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất cho biết: “Chúng tôi vẫn biết rằng mô hình nuôi rắn hổ mang đã đem hiệu quả tốt cho các hộ chăn nuôi ở xã. Thế nhưng hiện nay, chưa thể nhân rộng vì nuôi rắn là công việc nguy hiểm, không phải cứ cần mẫn chịu khó là làm được mà phải có kiến thức. Người biết ít về nghề khi làm không cẩn thận có khi còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế là hộ nào muốn tham gia mô hình này mà đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, không chỉ cấp phép mà còn tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để phát triển tốt hơn”.
Anh Trương Công Quân, thôn Khe Khoai, xã Thống Nhất hiện là hộ có trang trại rắn được đầu tư quy mô nhất ở xã. Anh cũng là người đầu tiên trong xã mở mô hình nuôi rắn. Anh Quân quê gốc ở Chí Linh (Hải Dương). Ngay từ năm 16 tuổi anh đã đi làm thuê cho một trại rắn ở Hải Dương.
Nhờ nhanh nhẹn, anh đã học được nghề nuôi rắn và các kỹ thuật ấp nở rắn con. Năm 2006, sau một thời gian chuyển đến sinh sống tại xã Thống Nhất, nhận thấy nghề nuôi rắn ở đây chưa có ai làm, trong khi nơi đây khí hậu và môi trường lại khá phù hợp để phát triển nghề, anh đã quyết định bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua 200 con rắn hổ mang bố mẹ về làm giống. Đồng thời, anh còn đầu tư thêm 200 triệu đồng nữa để làm trang trại.
Sau hơn 1 năm, những con rắn bố mẹ này đã sinh sản vài trăm hổ mang con, trừ chi phí anh thu lãi được gần 100 triệu đồng. Đến năm 2009, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, anh Quân đã tập trung đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Chỗ nuôi rắn, anh quy hoạch và xây dựng dãy chuồng trại. Những dãy nhà này được chia ra làm nhiều ô nhỏ để nuôi thêm các loại rắn khác. Rắn nuôi lấy thịt anh nhốt chung khoảng 10 con/chuồng. Còn rắn sinh sản anh nhốt riêng ở các ô. Hiện trang trại của anh đã phát triển lên tới 1.000 con cả 2 loại rắn hổ mang và rắn ráo trâu...
Quan sát cách anh Quân chăm sóc những chú rắn ngoằn nghoèo nằm vắt vẻo lên nhau chúng tôi phải rùng mình. Sau thao tác mở tấm bạt đậy trên ô nuôi rắn của anh Quân, gần chục con rắn lập tức trườn bò ngổn ngang, thỉnh thoảng lại lia chiếc lưỡi dài ngoằng... Anh Quân bảo: “Cứ đừng làm rắn giật mình thì không bao giờ sợ chúng cắn”. Nói vậy thôi, nhưng khi kiểm tra ô nuôi rắn ráo trâu, anh Quân vẫn bị một vết cắn vào tay. Anh bảo: “Loài này không độc, nên tôi mới sơ ý”.
Theo anh Quân, nghề nuôi rắn dễ làm, thức ăn của rắn cũng sẵn có, chỉ cần cú điện thoại gọi về quê là lập tức có người chuẩn bị sẵn cho số cóc, gà, vịt non…, rồi gửi xe về tận nơi. Rắn ăn không nhiều, mỗi tuần chỉ cần cho ăn 2 lần. Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau rắn ngủ đông, chúng chỉ uống nước. Rắn từ khi nở ra nuôi khoảng 2-3 năm đã nặng khoảng 2-3kg/con với giá bán hiện nay từ 800.000 đến 900.000 đồng/kg. Nếu không gặp phải dịch, thì hàng năm trừ chi phí anh Quân cũng lãi được gần 200 triệu đồng. Ngoài bán rắn thịt, anh Quân còn bán rắn giống cho nhiều mối ở các huyện thuộc Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Theo anh Quân đầu ra của sản phẩm hiện nay khá thuận lợi và dễ vì sức mua của thị trường kể cả trong nước hay Trung Quốc đều rất mạnh...
Tuy nghề nuôi rắn được coi là “hái ra tiền” ở xã Thống Nhất, thế nhưng không mấy người làm. Vì theo kinh nghiệm của anh Quân, nghề nuôi rắn chỉ cần “sai một ly đi một dặm”, sơ sểnh một chút có thể phải trả giá bằng mạng sống. Do vậy, với người làm nghề này rất cần có một thời gian học hỏi và va chạm với thực tế. Để nghề nuôi rắn phát triển và trở thành nghề truyền thống ở Thống Nhất, thì địa phương cần tạo điều kiện cho các hộ nuôi được tham gia các lớp tập huấn và có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về nghề. Khi người dân đã nắm bắt được các yêu cầu về kỹ thuật và có thể yên tâm làm nghề, thì nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất sẽ có cơ hội phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết diễn biến thất thường là nguyên nhân khiến cho hàng loạt đầm nuôi tôm công nghiệp vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết ngay từ đầu vụ thả. Hàng trăm hộ nuôi tôm ở các địa phương này đang đối mặt với nguy cơ trắng tay do dịch bệnh. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn một cách đồng bộ, dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng...
Nhằm tránh nạn tranh giành khai thác nghêu giống mỗi khi vào mùa, ngành chức năng địa phương đã hợp nhất 16 HTX hiện hữu thành 1 HTX nuôi nghêu Đất Mũi. HTX mới này chịu trách nhiệm quản lý, khai thác bãi nghêu rộng 3.000ha; trong đó, khoảng 600ha là vùng nuôi nghêu thương phẩm, diện tích còn lại để khai thác nghêu going.
Nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang áp dụng kỹ thuật phối trộn thức ăn từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp thay vì mua thức ăn tổng hợp. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, vụ đông xuân năm nay sản xuất lúa ở tỉnh Quảng Trị được mùa nhất từ trước đến nay. Năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha, tăng 2-3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Nhiều bà con nông dân ở các vùng ven sông đang hớn hở vì bội thu từ khoai môn (hay còn gọi là khoai sáp). Một sào khoai môn có thể cho thu nhập tới 20 triệu đồng.