Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Nuôi Chim Trời

Nghề Nuôi Chim Trời
Ngày đăng: 22/07/2014

Nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ai đầu tư cũng thành công. Nó được ví là nghề nuôi “chim trời, cá bể” vì có người đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà thu hút yến nhưng chim không về, song có nơi loài chim này tự tìm về làm tổ nơi nhà kho hay chính trong căn nhà cho người ở.

Nghề nuôi chim yến đã thịnh hành tại Đồng Nai từ nhiều năm nay, hiện toàn tỉnh có khoảng 180 cơ sở nuôi chim yến. Tổ yến từ các cơ sở nuôi thường được bán trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng, không phải qua nhiều khâu trung gian, tầng nấc như nhiều mặt hàng khác.

* Làm nhà cho yến

Nhiều người nuôi chim yến cho rằng tuy có nhiều kỹ thuật, bí quyết để “gọi” chim yến về xây tổ, nhưng nó còn như “lộc trời ban” vì không phải cứ mạnh vốn đầu tư là được. Người nuôi cần có chút duyên để gặp được chim yến, nhưng muốn gắn bó lâu dài với nghề thì phải trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm.

Anh Hoàng Công Tuân, Giám đốc Công ty yến sào Hoàng Linh (TP.Biên Hòa), kể: “Nghề nuôi chim yến đến với gia đình tôi một cách tình cờ khi đàn yến về làm tổ trong nhà. Nhưng sau đó tôi thuê chuyên gia nước ngoài về khảo sát, tư vấn rồi mới quyết định đầu tư máy móc “gọi” chim và chuyển đổi 2 tầng lầu phía trên làm nhà cho yến về làm tổ”.

Chị Nguyễn Thị Ánh Trang, chủ cơ sở yến sào Hải Triều (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Gia đình tôi đầu tư 4 nhà nuôi yến tại Đồng Nai và Lâm Đồng.

Tùy vào vùng đất, lượng chim về làm tổ mà mỗi nhà yến cho sản lượng tổ yến khác nhau, nhưng nhìn chung hiệu quả của nghề này rất cao vì đây là chim trời, người nuôi không mất chi phí thức ăn hay công chăm sóc. Loài chim này cũng hầu như không xảy ra dịch bệnh gì. Đàn yến tăng trưởng đều hàng năm khi có thêm nhiều chim non trưởng thành ra làm tổ mới.”

Ông Lê Phú Trung, chủ cơ sở Trung Chánh (huyện Trảng Bom), cơ sở nuôi chim yến và chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật, thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến, nhận xét: “Phong trào nuôi chim yến tại Đồng Nai diễn ra sôi nổi từ năm 2010 đến 2012. Tuy đây là mô hình mang lại hiệu quả cao nhưng không phải ai đầu tư cũng “thắng”, thực tế nhiều người bỏ tiền tỷ nhưng mất trắng vì yến không về làm tổ. Hiện nay, vẫn có người đầu tư nuôi yến nhưng đã cẩn trọng hơn nhiều. Qua thời gian sàng lọc, nghề nuôi yến đang phát triển dần theo hướng chuyên nghiệp”.

* Sản phẩm “vườn nhà” đắt hàng

Tuy đã hình thành nghề nuôi nhưng chim yến hoàn toàn phát triển ngoài tự nhiên, sản lượng tổ yến thu về mỗi tháng thường chỉ tính bằng ký nên sản phẩm này có giá đến vài chục triệu đồng/kg. Hiện nay, thị trường tổ yến khá đa dạng, vàng thau lẫn lộn nên người tiêu dùng thường thận trọng khi chọn mua dòng sản phẩm này.

Và họ thường chỉ tin tưởng khi tìm mua tận gốc tại các cơ sở sản xuất. Vì thế, các cơ sở nuôi yến rất quan tâm đến việc làm nhãn hàng riêng, tổ chức sơ chế và đóng gói sản phẩm để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

“Áp lực cạnh tranh trong ngành yến sào ngày càng lớn, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngoài thị trường lại không thiếu các mặt hàng trôi nổi, giá nào cũng có, nhất là dòng yến sào nhập khẩu giá chỉ hơn 1 triệu đồng/100gr đang đội lốt hàng Việt bán với giá cao cho người dùng. Chính vì vậy, khi mua dòng sản phẩm này, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm” - anh Hoàng Công Tuân cảnh báo.

Theo chị Nguyễn Thị Ánh Trang: “Những người khách đầu tiên tiêu thụ tổ yến của cơ sở đều là người quen, bạn bè. Dần dần, khách biết tiếng tìm đến tận cơ sở đặt mua. Tuy có thương lái đến đặt vấn đề mua sỉ nhưng tôi chủ yếu để dành hàng bán trực tiếp cho khách vì muốn sản phẩm luôn có giá cạnh tranh nhất do không phải qua khâu trung gian nào. Để đáp ứng nhu cầu của khách, cơ sở cũng quan tâm đến việc tổ chức sơ chế, đa dạng sản phẩm”.

Ông Năm Huệ, chủ Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều, chia sẻ: “Tôi xây nhà nuôi yến ngay trong vườn bưởi. Loài chim này ăn côn trùng nên vừa tốt cho vườn cây, làng bưởi cũng có thêm sản phẩm phục vụ khách du lịch. Tổ yến được khách ở TP.Hồ Chí Minh tin tưởng mua về sử dụng và làm quà biếu vì họ đã về tận nơi sản xuất mua hàng”.


Có thể bạn quan tâm

Biến cây chùm ngây thành món trà ngọt độc đáo Biến cây chùm ngây thành món trà ngọt độc đáo

Vị trà ngọt thanh tao và mát dịu được kết hợp từ 3 loại cây- cỏ ngọt, chùm ngây và hoàn ngọc- trong đó chùm ngây chiếm hơn 60%.

03/08/2015
Chiêu diệt mối bằng bẫy sinh học Chiêu diệt mối bằng bẫy sinh học

Diệt mối bằng bẫy sinh học thể hiện tính năng ưu việt hơn các biện pháp khác.

03/08/2015
Quả ngọt từ cánh đồng 90 triệu/ha Quả ngọt từ cánh đồng 90 triệu/ha

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

03/08/2015
Nuôi cá lồng hướng đi mới ở Quang Bình Nuôi cá lồng hướng đi mới ở Quang Bình

Huyện Quang Bình có trên 700ha diện tích mặt nước, gồm: Ao, hồ, sông, suối, thủy lợi, thủy điện,... vì vậy rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS). Để khai thác tiềm năng đó, những năm qua, nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển NTTS; nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích mặt nước để NTTS. Tuy nhiên, việc NTTS cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chưa quy mô; các hộ dân chủ yếu chỉ nuôi ở ao, ruộng lúa mang tính tự cung, tự cấp nhằm cải thiện đời sống; vì vậy chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

03/08/2015
Lập bản đồ vùng nuôi, xuất khẩu cá tra Lập bản đồ vùng nuôi, xuất khẩu cá tra

Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành. Người nuôi cá ở ĐBSCL vẫn đang lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nhưng việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.

03/08/2015