Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Nuôi Cá Cảnh Ở Xóm Kim, Xã Mỹ Thắng

Nghề Nuôi Cá Cảnh Ở Xóm Kim, Xã Mỹ Thắng
Ngày đăng: 17/06/2013

Một chiều hè, chúng tôi có dịp thăm khu nuôi thủy sản xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), “ngắm” những ao nuôi vuông vắn, rộng rãi được quy hoạch liền kề nhau. Đến giờ cho cá ăn, dưới mỗi ao, hàng vạn cá cảnh, cá thịt “ngửi” thấy mùi cám chen chúc tìm thức ăn. Nguồn lợi thu nhập của trên dưới 40 hộ dân xóm Kim nằm ở đây. Con cá cảnh, vì vậy đang tạo ra sinh kế bền vững cho người dân nơi này.

Nếu như cách đây khoảng 5 năm trở về trước, thú chơi cá cảnh của người dân chỉ chủ yếu nhắm vào các “đại gia”, bởi những loại cá bày bán trên thị trường thường có giá khá đắt lên đến hàng triệu đồng, thì hiện nay, cá cảnh đã trở nên bình dân, gần gũi với người dân hơn. Có thể thấy ở mỗi lứa tuổi, người ta tìm cho riêng mình một loại cá để chơi. Qua đó, thể hiện được tính cách cũng như điều kiện của người chơi cá. Các em nhỏ có thể tự sắm cho mình một bể cá nhỏ, tầng lớp trung lưu thì trang trí cho ngôi nhà của mình một bể trồng thủy sinh.

Người có thu nhập cao hơn thì chơi bể nước mặn như đại dương thu nhỏ trong nhà... Nắm bắt được nhu cầu đó, từ khoảng 5-7 năm nay, người dân xóm Kim tập trung phát triển nghề nuôi cá cảnh. Các loại cá mà họ hay nuôi là chép cảnh, tam dương ngũ sắc, cá vàng bốn đuôi… 1 đến 2 năm trở lại đây, một số hộ gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi thêm một số cá cảnh khác, có giá trị kinh tế cao hơn như cá Koi, cá rồng. Nhưng chủ yếu, ao nuôi của người dân xóm Kim đa số vẫn là các loài chép cảnh, cá vàng bốn đuôi. Một số gia đình thả thêm cá thịt như cá trắm cỏ, cá trắm đen…

Để nuôi được các giống cá cảnh cũng đòi hỏi lắm công phu. Đối với các loại cá cảnh như cá tam dương ngũ sắc, cá chép cảnh, hộ nuôi có thể tự nhân giống bằng cách bán cho nhau. Riêng đối với cá vàng bốn đuôi, phải mua giống từ Hải Phòng. Cá cảnh nói chung sau khi đẻ trứng 3, 4 ngày thì thành cá con. Lúc này thức ăn của cá là trứng luộc nghiền nát hòa với nước té xuống hồ cho cá ăn. Giai đoạn tiếp theo người nuôi cá nghiền bột gạo nấu loãng pha thêm nước thành thức ăn cho cá.

Cá được 1 tuần tuổi thì lấy cám vịt, cám lợn ngâm cho nở hòa với nước làm mồi cho cá. Khi cá được 20 ngày tuổi trở lên thì mua cám hạt to khoảng 1 li làm thức ăn cho cá. Giống cá cảnh, theo những người nuôi ở đây cũng ít khi bị mắc bệnh, có sức chịu đựng, chống chọi với mùa đông rất tốt. Tuy nhiên vào dịp cuối năm do cá ít vận động nên thường bị mắc một số chứng bệnh như thối mang cá.

Khi đó, người nuôi phải sục nước trong ao, té nước vôi loãng và cho cá ăn thuốc tỏi “Tiên đắc” để phòng thối mang cá. Khi cá gần đẻ thì phải tách các đôi cá bố mẹ riêng để chủ động việc phối giống cho cá. Đối với loài chép cảnh, người nuôi kỳ công hơn, phải bắt từng cặp bố mẹ lên để tiêm thuốc kích thích cho cá đẻ đồng loạt. Người nuôi cá xóm Kim gọi thời kỳ cá đẻ là “vật cá”. Tháng 2, tháng 3 chính là thời điểm cá cảnh đẻ rộ.

Ông Trần Văn Mạnh, tham gia phong trào nuôi cá cảnh của xóm từ những ngày đầu. Hiện ông có 1,5 mẫu ao được chia thành 4 ao nhỏ. Với diện tích như vậy, ông Mạnh chỉ thuộc “hàng trung” nuôi cá của xóm. Ao nuôi của gia đình ông hiện có 1,5 vạn cá cảnh với 2 loại chính là cá chép cảnh và tam dương ngũ sắc. Ngoài ra, ông cũng nuôi thêm một số cá thịt như trắm đen. Cũng như các hộ gia đình nuôi cá khác trong xóm, gia đình ông Mạnh lúc nào cũng có cá bán quanh năm. Ông Mạnh cho biết: “Giá các loại chép cảnh hiện nay là 70-75 nghìn đồng/cân. Cá tam dương ngũ sắc có giá từ 80-90 nghìn đồng/cân.

Cá Koi có giá 150-250 nghìn đồng/cân. Cá vàng bốn đuôi giá 15-20 nghìn đồng/đôi đối với loại nhỏ. Loại to đạt 80-90 nghìn đồng/đôi. Dịp cuối năm, nhất là vào mùa Tết ông Công, ông Táo giá các loại cá cảnh có thể nhích lên do nhu cầu của người dân vào dịp này tăng mạnh”. Vụ cá năm 2012, sau khi trừ mọi chi phí, ông thu về 50-70 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2013, do giá cả các loại cá đều giảm, ông cho biết có thể năm nay gia đình có mức thu nhập thấp hơn so với năm ngoái một chút.

Đến gia đình ông Trần Văn Hiền, chúng tôi gặp con trai lớn của ông là Trần Văn Ngọc. Anh Ngọc tham gia nuôi cá cùng với bố cũng đã được hơn 1 năm nay. Gia đình anh hiện có trên 6 mẫu ao nuôi cá với tổng diện tích hơn 20 nghìn m2 mặt nước, 2-3 tấn cá trắm đen, 3-4 tấn cá chép cảnh. Gia đình anh Ngọc cũng là người có diện tích nuôi thả cá nhiều nhất xóm Kim. Anh Ngọc cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, gia đình đã “đổ” xuống ao gần 1 tỷ đồng để xây dựng 10 ao nuôi.

Toàn bộ hệ thống ao nuôi của gia đình đều có hệ thống cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, xung quanh ao và đáy được bê tông hóa. Gia đình anh dành 3 ao để ươm cá trắm đen giống, 7 ao còn lại nuôi cá vàng, cá chép đuôi dài, cá chép vàng In-đô-nê-xi-a... Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu chơi cá rồng trên thị trường trong mấy năm trở lại đây tăng lên, gia đình anh mạnh dạn đầu tư thêm vốn, tìm hiểu kỹ thuật nuôi.

Năm 2012, gia đình anh đầu tư 50 triệu đồng mua 100 đôi cá rồng về thả nuôi. Giống cá này không nuôi đại trà ngoài ao mà phải nuôi trong bể kính, thức ăn hằng ngày là cá con và tép. Cũng như các loại cá cảnh khác, người nuôi cá rồng nuôi trong khoảng thời gian 6 tháng thì xuất bán. Theo anh Ngọc, một đôi cá rồng sau 6 tháng nuôi có giá bán vào khoảng 900 nghìn - 1 triệu đồng/đôi cho lái buôn. Mỗi lần bán, nhà anh xuất khoảng 10 đôi.

Có khoảng 10 hộ gia đình nuôi cá rồng trong xóm. Tuy nhiên, người nuôi cá rồng cũng phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật như thối mang, cụt râu, mù mắt… đòi hỏi phải có kinh nghiệm và tốn công chăm sóc. Năm 2012, gia đình anh Ngọc xuất bán hơn 2 tấn cá trắm đen giống và gần 8 tấn cá cảnh các loại, lãi trên 300 triệu đồng.

Có thể thấy, nghề nuôi cá cảnh đang góp phần giúp nhiều hộ dân xóm  Kim ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Những người nuôi trung bình như gia đình ông Mạnh đến những người nuôi lớn như gia đình anh Ngọc đều thu được lợi nhuận “kha khá” sau mỗi vụ cá. Từ nguồn thu nhập này, giúp họ có vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho các ao nuôi, đầu tư giống cá mới và nhất là ổn định cuộc sống. Nghề nuôi cá cảnh đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn nuôi các loại cá thịt. Tuy nhiên, theo các hộ nuôi cá ở đây, người nuôi chỉ tốn công sức hơn vào giai đoạn cá bố mẹ chuẩn bị phối giống và cá con mới đẻ.

Còn lại thì việc nuôi, chăm sóc cũng không quá khắt khe. Hơn nữa, lại có thể tận dụng được nguồn lao động trong thời gian rỗi rãi, hầu như già trẻ đều có thể tham gia nuôi cá được. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, cũng theo người dân xóm Kim, do kinh tế khó khăn, người chơi cá cảnh cũng hạn chế, dẫn đến giá các loại cá bán ra thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người nuôi. Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, không phải ao nuôi nào của các hộ dân cũng được đầu tư kỹ càng hệ thống cống bơm tiêu nước liên thông, dẫn đến nguồn nước trong một số ao bị ô nhiễm, gây mầm bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Để có thể “trụ” với nghề, người nuôi cá cảnh xóm Kim ngoài việc đầu tư thêm cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ao nuôi cần tích cực học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng, học từ những người có thâm niên... để chăm sóc cá tốt hơn. Ngoài ra, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của dân chơi cá cảnh, nên chăng, người nuôi cá ở đây phải tự sáng tạo, lai tạo những giống cá đẹp, độc đáo mang thương hiệu riêng. Bởi theo các nghệ nhân cá cảnh: “Cá cảnh được ưa chuộng không phải được tính bằng trọng lượng, kích thước mà chúng được tính bằng vẻ đẹp hoàn mỹ thông qua màu sắc, hình dáng”.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Gia Đình Mở Hướng Nuôi Hươu Quy Mô Lớn Nhiều Gia Đình Mở Hướng Nuôi Hươu Quy Mô Lớn

Theo kết quả đánh giá về phát triển kinh tế của UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về phát triển nông nghiệp đến tháng 7/2012 thì khả quan nhất vẫn là chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là hươu.

22/07/2012
Ngọt, Đắng Cùng Cây Mía Ở Cà Mau Ngọt, Đắng Cùng Cây Mía Ở Cà Mau

Cây mía đã gắn bó với người dân Cà Mau từ rất lâu. Sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Cà Mau vẫn giữ lại một diện tích lớn để quy hoạch vùng trồng mía, chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.

28/05/2013
Mô Hình Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Mô Hình Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Để giảm chi phí thức ăn, vịt thường được chăn nuôi chạy đồng, gắn với vụ gặt hàng năm. Nhiều gia đình nuôi tới hàng ngàn con, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào thì vịt chạy đồng là đối tượng dễ bị dịch cúm tấn công và là nguồn lây lan mầm bệnh. Do đó, đối với vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học thì hình thức nuôi vịt chạy đồng không được khuyến khích. Thay vào đó hình thức chăn nuôi có sự quản lý chặt chẽ trên một khu vực nhất định là biện pháp giúp bà con nông dân kiểm soát chặt chẽ sự xâm nhập của mầm bệnh vào đàn vật nuôi, tạo ra sản phẩm thịt sạch cho thị trường.

23/07/2012
Nuôi Tôm Bằng Chế Phẩm Sinh Học Cho Hiệu Quả Cao Nuôi Tôm Bằng Chế Phẩm Sinh Học Cho Hiệu Quả Cao

Đầu năm 2012, đề tài khoa học “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên chủ trì được áp dụng vào thực tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ nuôi tôm.

24/07/2012
Đời Sống Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Chình Đời Sống Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Chình

Lâu nay, người dân thôn Văn Trị (Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị) sống nhờ việc đánh bắt tôm cá trên sông Ô Giang. Từ đời này sang đời khác, cá tôm ngày càng khan hiếm do vậy cuộc sống của bà con chưa được cải thiện nhiều.

26/07/2012