Nghề ấp nở gia cầm ở Lương Phú (Thái Nguyên)
Khoảng 5 năm trở lại đây, xã Lương Phú (Phú Bình - Thái Nguyên) được biết đến là một trong những địa phương chuyên cung cấp con giống gia cầm chất lượng cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, có khoảng 4 cơ sở ấp trứng gia cầm được xây dựng, mỗi cơ sở có khả năng cung cấp từ 3 - 5 vạn con giống/tháng cho thị trường. Đây là nghề đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, ổn định kinh tế.
Chúng tôi tìm đến cơ sở ấp trứng gia cầm của gia đình chị Dương Thị Thư, ở xóm Việt Ninh - một trong những hộ tiên phong làm nghề này tại xã Lương Phú. Chị Thư cho biết: Năm 2008, gia đình tôi đã đầu tư chuồng trại để nuôi gà đẻ trứng, giống tôi chọn nuôi là gà Lương phượng vì đây là giống gà cho chất lượng trứng tốt. Với tổng đàn 1.000 con, trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu được 600 quả trứng. Những năm đầu khi chưa đầu tư lò ấp, gia đình tôi bán trứng cho các lò ấp quanh vùng. Đến năm 2011, nhận thấy thị trường con giống có khả năng tiêu thụ tốt, tôi đã đầu tư 5 máy ấp nở trứng gia cầm với tổng số vốn hơn 100 triệu đồng để sản xuất gà giống cung cấp cho thị trường, đồng thời mở rộng quy mô nuôi gà. Hiện, tổng đàn gà của gia đình tôi có gần 5.000 con, trong đó có 2.500 con đang cho thu hoạch trứng với số lượng khoảng 1.400 quả/ngày. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán gần 4 vạn con gà giống với giá giao động từ 6000 - 10.000 đồng/con.
Cũng là một hộ có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất giống gia cầm, anh Tạ Quang Dương, ở xóm Chiềng chia sẻ với chúng tôi bí quyết để có được những con giống đạt chất lượng tốt nhất. Theo anh Dương thì để gà con nở ra được khỏe mạnh, những quả trứng phải được chọn lựa kỹ càng, đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào lò ấp. Loại trứng đạt tiêu chuẩn là loại trứng to đều, không mỏng vỏ, không dập vỡ. Điều quan trọng nhất là phải điều chỉnh nhiệt độ trong lò làm sao cho phù hợp, mùa hè nhiệt độ thích hợp nhất vào khoảng 37,5 độ C và mùa đông là 37,8 độ C. Tuy nhiệt độ chênh lệch không đáng kể nhưng đó lại là điều kiện quyết định đến việc cho ra đời những con giống khỏe mạnh, chất lượng. Với kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề ấp trứng gia cầm, tỷ lệ con giống nở và sống tại lò ấp trứng của gia đình anh Dương luôn đạt trên 80%. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh cung cấp cho thị trường khoảng 2 vạn con giống gia cầm. Nhờ nghề này nên kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá, mỗi năm sau khi trừ chi phí anh Dương còn được lãi hàng trăm triệu đồng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nghề ấp trứng gia cầm đã xuất hiện ở Lương Phú cách đây hơn chục năm nhưng khoảng 5 năm trở lại đây mới phát triển rầm rộ. Nếu như trước đây, toàn xã chỉ có 6 cơ sở ấp trứng gia cầm thì nay đã có gần 30 hộ chuyên dịch vụ ấp nở, cung cấp giống gia cầm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các cơ sở đều có máy ấp nở trứng tự động với công suất hàng chục nghìn quả/lượt, bên cạnh đó, thay vì đi thu mua trứng ở khắp nơi như trước kia, các hộ dân đã chủ động xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ với quy mô trung bình từ 2.000 - 4.000 con để có được nguồn trứng gia cầm chất lượng
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Phú cho biết: Việc các hộ gia đình đã và đang có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi, ấp nở gia cầm là điều không hiếm gặp ở địa phương. Đây cũng là một trong những hướng phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả tích cực nên Đảng ủy, chính quyền xã đang khuyến khích các hộ dân nhân rộng trên địa bàn. Để đảm bảo cho đàn gia cầm phát triển ổn định, xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phun thuốc vệ sinh phòng dịch và khử trùng cho chuồng trại…Do đó, nhiều năm nay ở Lương Phú không có dịch bệnh xảy ra, gây tổn thất về kinh tế của người dân.
Có thể thấy, nghề ấp nở gia cầm ở Lương Phú thực sự mang lại hiệu quả cao. Với đầu ra ổn định, mỗi năm các hộ dân trong xã không chỉ cung cấp cho thị trường hàng triệu con giống khỏe mạnh, chất lượng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động. Vì vậy, phát triển nghề ấp nở gia cầm có thể coi là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân ở Lương Phú trong những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
15 năm về trước, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Nga (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) rất khó khăn, tình cảnh “ăn sáng lo trưa”. Gia đình anh chỉ khá lên kể từ khi anh vay được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Bắc để làm ăn.
Ý kiến trao đổi của ông Nguyễn Hữu Trí - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) sẽ góp phần làm rõ hơn kinh nghiệm, giải pháp xây dựng và phát triển Hội ND ở các vùng đô thị hóa hiện nay.
Sinh ra trong gia đình nghèo tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu), anh Giàng A Sinh, dân tộc Mông, sinh năm 1970 sớm có suy nghĩ, trăn trở tìm cách vượt khó.
Ngày 9.9, Liên minh Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam với chủ đề “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam”.
Hiện đang vào mùa thu hoạch chính của các loại rau củ đặc sản của Đà Lạt (Lâm Đồng) như xà lách, cà chua, súp lơ, bắp cải, cải thảo, nhưng do thị trường đang tiêu thụ mạnh nên giá các loại rau tăng cao so với tháng trước. Giá tăng nhưng các mặt hàng rau, củ Đà Lạt vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thu mua và xuất khẩu của các cơ sở kinh doanh tại Đà Lạt.