Nghệ An Phải Căn Cơ Hơn Trong Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp
Ngày 21/7, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã dành một ngày làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM.Để có cái nhìn toàn diện nhằm đưa ra những góp ý chỉ đạo chính xác, sáng 21/7, Bộ trưởng và đoàn công tác đã trực tiếp đi thăm các mô hình nông nghiệp hàng hóa đang triển khai tại huyện Diễn Châu và thăm mô hình điểm về phong trào làm giao thông nội đồng tại xã Diễn Thọ, Diễn Châu; làm việc với xã Hưng Đông, TP Vinh, một trong hai xã vừa được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí của chương trình xây dựng NTM tại TP Vinh.
Tại huyện Diễn Châu, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đến thăm gia trại của ông Cao Văn Cừ, xóm 14, xã Diễn Trung. Một mô hình liên kết với Cty CP nuôi gia công 7.000 còn gà đẻ trứng và thăm mô hình chăn nuôi gà theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) của ông Phan Đình Tư, tại xóm 10, xã Diễn Trung. Ông Tư là một trong số các hộ chăn nuôi gà thuộc dự án LIFSAP mà Nghệ An đang triển khai tại một số huyện.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về tình hình phát triển KT-XH và xây dựng NTM tại Nghệ An trong thời gian qua.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2014 Nghệ An đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,37%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tốc độ sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp ước đạt 3,10%, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng. Đến tháng 6/2014, có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó 3 xã đã có quyết định đạt chuẩn NTM, bình quân cả tỉnh đạt 9,3 tiêu chí/xã.
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghệ An đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển các cây trồng chính và chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp; phát triển và nhân rộng các mô hình cây, con hiệu quả, triển khai các mô hình liên kết trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thi công và nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi…
Trao đổi với Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó tỉnh luôn xác định kinh tế nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Nghệ An hiện đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, có nhiều nơi đã đạt được 500 triệu/ha/năm, cá biệt một số cây có múi đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Vì thế Nghệ An rất mong Bộ NN-PTNT giới thiệu các tiềm năng này cho các nhà đầu tư để họ an tâm xây dựng nhà máy chế biến nông sản, giải quyết vấn đề đầu ra và tăng thu nhập cho nông dân.
Về xây dựng NTM, Nghệ An đang tập trung chỉ đạo để các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt Nghệ An đang có kế hoạch xây dựng 2 xã NTM kiểu mẫu là Kim Liên (Nam Đàn) và Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).
Về 9 kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa sẽ tạo mọi điều kiện để giúp Nghệ An thực hiện, trong đó có việc tham gia các dự án hạ tầng nông thôn. Đối với các chương trình hỗ trợ xây dựng NTM, Bộ trưởng ghi nhận và sẽ trình với Ban chỉ đạo xây dựng NTM TW.
Nghệ An rất mong Bộ tiếp tục quan tâm đầu tư cho chương trình xây dựng NTM của tỉnh, tiếp tục ủng hộ Nghệ An trong xây dựng công trình giữ ngọt, ngăn mặn trên sông Lam; xây dựng chuỗi giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện để Nghệ An nâng cấp duy tu hệ thống 69 hồ đập và xây dựng cảng Cửa Lò vừa là cảng cá vừa là bến trú đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Nghệ An đã đạt được trong thời gian qua, nhất là các mô hình kinh tế và NTM mà Bộ trưởng tận mắt nhìn thấy.
Bộ trưởng mong muốn Nghệ An phải căn cơ hơn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thay vì thúc đẩy tăng trưởng nóng về số lượng sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi, phải chuyển sang hướng tăng giá trị thu nhập cho người dân, nhằm xóa tình trạng “được mùa mất giá”.
Bộ trưởng gợi ý Nghệ An chọn cho mình những giống cây, giống con có lợi thế và có thị trường ổn định. Trong đó về cây lúa nên chọn các giống lúa chất lượng cao để hướng tới thị trường tiêu thụ trong nước. Một kg gạo bán trong nước có giá trị 20.000 đồng thì sẽ cao gần gấp đôi so với 1 kg gạo xuất khẩu, sao lại không làm?
Việc bón phân, phun thuốc BVTV cho lúa cũng phải tính toán, không để dư thừa gây lãng phí mà còn có hại cho sức khỏe. Ngành NN-PTNT tỉnh phải làm sao để hướng dẫn nông dân khi SX phải lưu ý để giảm thiểu rủi ro trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Đối với ngành chăn nuôi, Bộ trưởng lưu ý Nghệ An phải có đề án thật cụ thể về thức ăn và con giống. Không quá chú trọng về số lượng mà phải coi trọng chất lượng sản phẩm khi xuất chuồng để tăng thu nhập cho nông dân.
Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng lưu ý Nghệ An nên quan tâm đến 2 loài có giá trị kinh tế cao là tôm thẻ chân trắng và nhuyễn thể nhưng cũng phải tìm giải pháp căn cơ để phòng và chống dịch bệnh cho chúng. Bên cạnh đó phải cơ cấu lại các nghề đánh bắt thủy hải sản để giúp các địa phương cải hoán, đóng mới lại các tàu đánh cá xa bờ, không để dân làm theo kiểu tự phát...
Có thể bạn quan tâm
Vừa nghiên cứu học tập cách chăm sóc rau, hoa qua sách báo, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế; dần dần, anh đã chủ động được việc chăm sóc. Từ việc sử dụng giống rau, phân bón, nhận biết cây rau mắc những loại bệnh nào để sử dụng thuốc và khi lứa rau này vừa xuống giống thì anh đã lên kế hoạch sẵn cho vụ sau.
Đầu năm mới Ất Mùi 2015, các cấp, các ngành và nhân dân huyện Châu Thành A đang hối hả bắt tay thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm nay. Trong đó, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương đặt lên hàng đầu.
Vụ Đông Xuân 2014-2015, nông dân An Giang xuống giống 238.261ha, hiện đã thu họach gần 40% diện tích, với năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha, khả năng đạt sản lượng trên 2 triệu tấn, như vậy sản lượng thu mua tạm trữ chỉ chiếm hơn 10% tổng sản lượng lúa Đông Xuân 2014-2015.
Huyện Cái Bè nằm ở phía đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) có diện tích lớn nhất trồng xoài lớn nhất với trên 3.300ha. Đây cũng là quê hương của giống xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng cả nước với chất lượng vượt trội, được ưa chuộng ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Đáng chú ý hơn, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, sẽ kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu theo hình thức qua biên giới và tăng cường nhập khẩu gạo theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung giá thấp nên xuất khẩu gạo 2015 sẽ bị ảnh hưởng nhiều.