Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngập Trời Men Vi Sinh Trị Bệnh Tôm!

Ngập Trời Men Vi Sinh Trị Bệnh Tôm!
Ngày đăng: 17/07/2012

Ít ai biết, trên thị trường có cả trăm loại men vi sinh được quảng cáo nổ "một tấc lên đến giời", thậm chí trị cả bệnh tôm và được bán với giá trên trời. Vì sao?

Theo ông Nguyễn Văn Sành, chủ tịch Hội nông dân xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (một xã có diện tích nuôi tôm lên tới 800 ha) thì hiện nay, trên ao tôm đang "ngập trời" các loại men vi sinh (MVS): từ MVS xử lý đáy ao (pha vào nước tạt) thì còn có MVS "nong đường ruột" con tôm của rất nhiều công ty trong và ngoài nước, giá cả chênh lệch nhau có khi lên tới cả 100.000 đ/kg. Người nông dân sử dụng chủ yếu qua các đại lý, họ tư vấn cho "men" nào thì sử dụng "men" nấy. Có trường hợp sử dụng không hiệu quả, mới "đánh" MVS có 1 tháng mà tôm đã "đứt gánh dọc đường", nổi đầu đâm vào bờ mà chết, vậy là "tiền mất tật mang" nhưng chẳng biết kêu ai, kiện ai.

Vậy MVS được quảng cáo là gì? Trên tất cả bao bì, MVS được giới thiệu như là một thứ "thần dược" làm phân hủy mùn bã, thức ăn và các chất hữu cơ, cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi "biến" môi trường "bẩn" thành "sạch", giúp con tôm không bệnh tật để "ăn ngon mau lớn". Tuy nhiên, trong thực tế, theo KS Tô Thái Bình - phụ trách thủy sản, Trạm Thú y huyện Cần Giuộc thì "quảng cáo nhiều hơn hiệu quả".

MVS "bao vây" ao tôm

Trong vai một cán bộ nghiên cứu đang làm đề tài men vi sinh đến tìm hiểu, chúng tôi được chị A - chủ một cửa hàng thuốc thú y thủy sản ở thị trấn Cần Giuộc (Cần Giuộc - Long An) cởi mở cho biết, gần như mỗi ngày đều có nhân viên của các công ty đến tiếp thị mặt hàng men vi sinh với bao bì mẫu mã rất đẹp, nhìn rất bắt mắt bởi trong quá trình nuôi tôm người nông dân không thể không sử dụng. "Do có quá nhiều sản phẩm men vi sinh nên lúc tôi giới thiệu cho bà con nông dân địa phương cũng phải chọn lọc trên hiệu quả của sản phẩm, không dám nhận (hàng) nhiều. Nhưng do đây là "món" vô hại, giá cả ngang ngửa như nhau nên nói cho cùng cũng không biết sản phẩm nào có chất lượng hơn. Chỉ biết là khi đưa xuống, nghe họ xài khen sản phẩm này dùng tốt thì mới dám nhận nhiều thôi" - chị A tiết lộ.

Chị A đã biết chọn lọc một số mặt hàng men vi sinh được nông dân "tin dùng" để bán, nhưng khi thống kê lại chúng tôi cũng phải giật mình vì lên đến cả chục! Đó là, sản phẩm Lablab, được quảng cáo là men vi sinh "cao cấp" của Cty Công nghệ sinh học Becka (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM) giá trên 300.000 đ/gói 227 gr; sản phẩm Aqua-Booster của DNTN TM&XNK Hồng Hiệp Phú (Q.Tân Phú, TPHCM) nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ về đóng gói, tuy một gói có 227 gr nhưng giá bán lên tới 320.000 đ (tức khoảng 1,5 triệu đ/kg), trong khi sản phẩm MK Bact và Smart Aqua cũng được quảng cáo là nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ của Cty Green Mekong (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TPHCM) và Cty TM-DV-SX Nam San (Q.Gò Vấp, TPHCM) đóng gói nhưng bán giá 1 gói 227 gr chỉ có 220.000 đ đến 300.000 đ, tức một sản phẩm tuy cùng loại, "cùng chất" nhưng giá rẻ đến một nửa!

Ngoài ra, còn có sản phẩm khác mặc dù thành phần chỉ ghi gồm khoáng vi lượng và protid tổng số nhưng lại quảng cáo có công dụng "bổ sung vi sinh động vật có lợi" rồi đại ngôn tới mức xem như là một loại thuốc trị bệnh. Cụ thể, sản phẩm Best Water của Cty TNHH Long Sinh (KCN Suối Dầu, Cam Lâm, Khánh Hòa) dạng chai 500ml giá 300.000 đ nhưng lại ghi là "điều trị được bệnh tôm" xử lý có hiệu quả trong trường hợp tôm kéo đàn, một số tôm lật ngang rồi rớt đáy… theo chỉ định dùng 200 ml cho 1.000 m3 ao tôm, cứ 2 ngày dùng 1 lần. Vì tin vào lời quảng cáo này mà vừa qua đã có không ít nông dân phải ngậm ngùi, vừa tốn tiền, tốn công nhưng không có kết quả.

Ông Trần Hoàng Sơn, ấp 1, xã Đông Thạnh là một ví dụ. Ông thả 2.000m2 tôm thẻ đến nay hơn 1 tháng, vừa qua tôm nhà ông có hiện tượng nổi đầu, tưởng môi trường nước "dơ", ông đánh MVS để cải thiện môi trường nước ao nuôi nhưng không có kết quả. Nghe lời đại lý chỉ dẫn, ông thử dùng 3 chai nói trên, thấy tôm nổi đầu nhiều hơn. Hết hồn, ông không dám dùng nữa mà chuyển sang loại sản phẩm khác.

Ngay tại ao tôm nhà ông Trần Tấn Phát ở ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, ngoài các loại MVS xử lý đáy ao, xử lý nước, chúng tôi còn ghi nhận sự xuất hiện của loại MVS "nong to đường ruột" dạng bột 500 gr/hộp mà ông mua ở đại lý cấp 2 giá 345.000 đ có tên là Pro-Pak của Cty Green Mekong. KS Bình, là người thường xuyên kiểm tra tình hình buôn bán thuốc thú y thủy sản ở các đại lý trong huyện đi cùng chúng tôi cũng phải thốt lên: "Sản phẩm này quảng cáo chức năng nghe lạ quá!".

Tuy nhiên, với ông Phát thì sản phẩm này đã đi cùng với ông đã qua 2 vụ tôm. Theo ông Phát, căn cứ trên hướng dẫn bao bì, ông nuôi hơn 3.000 m2, mỗi vụ ông dùng 10 hộp, tức chi phí khoảng gần 3,5 triệu đồng. Như vậy, mỗi ha người nông dân phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng để sử dụng MVS "nong to đường ruột", giúp tôm ăn nhiều mau lớn (?!). Ai cũng biết MVS thì vô thưởng vô phạt, quảng cáo nổ quá trớn khiến nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn nhưng hiệu quả thực tế chẳng bao nhiêu. Đây là vấn đề rất đáng để các cơ quan chức năng lưu tâm.


Có thể bạn quan tâm

Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu

Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.

31/07/2013
Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.

29/09/2013
Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định) Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định)

Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.

28/05/2013
Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.

01/10/2013
Đưa Vỏ Cà Phê Trở Lại Vườn Cây Đưa Vỏ Cà Phê Trở Lại Vườn Cây

Thực hành quy trình “Ứng dụng men vi sinh trong sản xuất phân hữu cơ sinh học từ nguồn vỏ cà phê” của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, nông dân Lâm Đồng đã và đang tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư các nguồn dinh dưỡng để chăm sóc cho cây trồng.

31/07/2013