Ngành Thủy Sản Vượt Khó, Đạt Mức Tăng Trưởng Cao
Năm 2013 được đánh giá là năm nhiều khó khăn với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản do những diễn biến bất lợi về thời tiết làm cho môi trường nuôi bị xáo động lớn. Cùng với đó là giá vật tư, nhiên liệu tăng cao, thiếu vốn sản xuất, chất lượng con giống hạn chế… Tuy nhiên, ngành thủy sản Ninh Bình vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao và đồng đều ở cả hai lĩnh vực khai thác và nuôi trồng.
Thời tiết năm 2013 diễn biến không thuận lợi, nắng nóng xuất hiện sớm, kéo dài xen kẽ các đợt gió mùa, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch lớn, giữa năm hai cơn bão số 5 và số 6 diễn ra liên tiếp, các yếu tố trên đã làm cho môi trường nuôi bị xáo động lớn, tôm, các con nuôi bị chết ở các vùng bãi bồi ven biển và vùng nội đồng các huyện như Nho Quan, Yên Mô.
Đồng thời năm vừa qua, bà con nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tiếp tục đối mặt với những khó khăn về vốn, giá cả vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, chất lượng con giống còn hạn chế…Tuy nhiên, thủy sản Ninh Bình vẫn tăng trưởng khá đồng đều ở cả hai lĩnh vực khai thác và nuôi trồng. Giá trị sản xuất ngành Thủy sản năm 2013 đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2012. Tổng sản lượng thủy sản đạt 38,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2012.
Trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 32,7 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 5,67 nghìn tấn, tăng 2,7%. Hoạt động sản xuất giống đã đạt được những thành công nhất định, trong năm Trung tâm giống thủy sản nước ngọt đã sản xuất được 7,7 triệu con cá bột các loại, bao gồm: cá rô đầu vuông, cá rô Tổng Trường, cá chuối, cá chép lai…
Đây là những kết quả xứng đáng với sự nỗ lực của hàng nghìn lao động trong mọi lĩnh vực của ngành, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý trong việc hướng dẫn khung mùa vụ nuôi trồng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào như giống, thức ăn…
Ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Những năm gần đây, trình độ hiểu biết, tay nghề và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người nuôi có nhiều tiến bộ.
Ngoài nhóm cá truyền thống như trắm cỏ, mè, trôi…, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao đang dần được nhân rộng như: cá lóc bông, cá trắm đen, cá chép lai, cá diêu hồng…,Hình thức nuôi thủy sản cũng được chuyển dần từ nuôi quảng canh sang nhiều hình thức như quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh và nuôi công nghiệp.
Đặc biệt năm 2013, Chi cục được giao thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các dự án: Xây dựng mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn; dự án xây dựng mô hình nuôi cá bống tại xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp và mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp tại xã Gia Phương.
Kết quả cả ba mô hình đều cho hiệu quả cao. ở mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhờ quy hoạch và đầu tư đầy đủ nguồn điện, hệ thống cấp thoát nước, chủ động được việc quản lý và chăm sóc, khống chế và xử lý linh động mọi tình huống về độ pH, độ mặn, riêng khâu giống, thức ăn được kiểm tra kỹ lưỡng nên tôm tăng trưởng nhanh, không bị dịch bệnh, năng suất tôm sú đạt 2,3 tấn/ha, tôm thẻ là 0,5 tấn/ha, mô hình thu lãi gần 2 trăm triệu đồng/ha.
Với mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp, năng suất cá được đẩy lên 10,54 tấn/ha, thu lãi 949 triệu đồng/ha… Sự thành công của những mô hình này đã góp phần thay đổi phương thức nuôi trồng, mở ra cơ hội phát triển, tăng nhanh giá trị của ngành thủy sản.
Năm 2013, ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và sự ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên để phát triển một cách bền vững, Ngành cũng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Sự tăng trưởng thời gian qua tuy đã có chú ý đến phát triển theo chiều sâu nhưng chưa đồng đều ở các địa phương, chủ yếu phát triển theo chiều rộng qua việc tăng diện tích nuôi trồng, tăng số lượng tàu thuyền khai thác. Trong lĩnh vực nuôi trồng tuy có nhiều tiến bộ về phương thức sản xuất và kỹ thuật nuôi nhưng vẫn chưa theo kịp trình độ của các nước trong khu vực và thế giới.
An toàn vệ sinh thực phẩm cũng là thách thức lớn bởi yêu cầu về vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe, trong khi đó sản xuất thủy sản ở tỉnh ta vẫn ở quy mô nhỏ, năng lực kiểm tra, kiểm soát của địa phương còn yếu…
Năm 2014, để đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng, phấn đấu đạt sản lượng 38,8 nghìn tấn, giá trị sản xuất trên 1 nghìn tỷ đồng, Chi cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp. Nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện tái cơ cấu ngành: Vùng biển sẽ tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, vùng cá nước ngọt sẽ nhân rộng hình thức nuôi thâm canh cá trắm đen và cá chép, đồng thời ưu tiên việc bảo tồn các con nuôi đặc sản.
Bên cạnh đó tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, định hướng và cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản, tập trung vào công tác quản lý đất đai, mặt nước, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, đầu tư hạ tầng và công nghệ phát triển thủy sản.
Tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: giảm tàu thuyền nhỏ khai thác ven bờ, quản lý chặt các phương tiện khai thác bằng đăng, đáy ở các vùng cửa sông, kênh, mương; thực hiện tốt công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Khuyến khích các cơ sở sản xuất các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người nuôi ưa chuộng như cua biển, ngao, cá bống bớp, cá chép lai; tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất các giống mới như cá chim vây vàng, cá sủ đất.
Quản lý tốt hoạt động nuôi trồng thủy sản, chỉ đạo về cải tạo vệ sinh ao, đầm, ruộng; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi phù hợp với từng vùng. Chú trọng quản lý môi trường các vùng nuôi để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Hướng dẫn người nuôi các tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn, nuôi sạch theo quy trình VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực đàn vịt sống, đồng thời tiếp tục phun thuốc khử trùng đối với các vùng đã từng xảy ra bệnh cúm gia cầm trong thời gian qua.
Giá bán thấp, áp lực nhân công thu hoạch, việc đo chữ đường của các nhà máy, nước lũ đang đổ về... là những vấn đề lo lắng của người trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vào đầu vụ thu hoạch hiện nay.
Sau khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) hoàn tất việc thực hiện thí điểm các mô hình nuôi cá chẽm và được đánh giá là khá thành công trên địa bàn tỉnh Dak Lak, đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với việc ứng dụng nhân rộng loại cá này. Nguyên nhân được đánh giá là do chi phí nuôi cao, đầu ra không ổn định…
Năm 1975, từ miền Tây, ông Trần Công Rạng (ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đưa vợ con về Xuân Hiệp lập nghiệp với 2 bàn tay trắng và 6 đứa con nhỏ. Hàng ngày, vợ chồng ông phải đi cày thuê, cuốc mướn để trang trải cuộc sống.