Ngành Thuỷ sản nâng cao trách nhiệm xã hội
"Trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm là những yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành Thủy sản Việt Nam".
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thuỷ sản nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản Việt Nam” do Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Oxfam Việt Nam tại Hà Nội tổ chức ngày 15/7.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm lên là các thách thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn lợi quá mức, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động...
Hiện nhiều hệ thống chứng nhận về trách nhiệm xã hội được các khách hàng quốc tế yêu cầu đối với thủy sản Việt Nam, như SA8000, BSCI, COSTCO, SMETA, METRO, WALMART, BAP, ASC… Việc thực hành các hệ thống chứng nhận này vẫn tập trung nhiều ở các nhà máy chế biến thủy sản (khoảng 30% số nhà máy), nuôi trồng thuỷ sản và một số nội dung trong các tiêu chí của GlobalGAP, VietGAP (chiếm khoảng gần 10%), mảng khai thác thủy sản vẫn còn bỏ ngỏ và gần như chưa có thực hành về trách nhiệm xã hội.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, nhiều DN lớn ở Việt Nam đã nhận thấy rằng, trách nhiệm xã hội trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu, bởi lẽ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu không tuân thủ trách nhiệm xã hội, DN sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.
Với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam Việt Nam, ICAFIS đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu về hiện trạng thực hành trách nhiệm xã hội trong khai thác thủy sản tại Việt Nam”. Việc nghiên cứu, khảo sát đã được thực hiện tại các tỉnh thành: Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Qua nghiên cứu, khảo sát, ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS cho biết, nguồn lợi môi trường ven biển đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi ngư dân đang nỗ lực cạnh tranh khai thác, không có khuyến khích, chế tài cho việc áp dụng các "thực hành tốt” trong khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản. Trách nhiệm của chủ tàu đối với người lao động chưa đầy đủ. Các mắt xích trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản khai thác không có quan hệ ràng buộc, trách nhiệm của các bên tham gia đối với nhau không nhiều. Do đó, khó lồng ghép, thúc đẩy việc áp dụng các thực hành tốt trong khai thác, dẫn đến sự lãng phí nguồn lợi, khoảng 30% khối lượng và giá trị sản phẩm khai thác bị suy giảm, hao hụt.
Trên cơ sở đó, ICAFIS đang xây dựng bản thảo Bộ nguyên tắc thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thuỷ sản tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Dù phải mất kinh phí nhưng bà con ở Vĩnh Phúc vẫn rủ nhau đi học phòng chống dịch cúm gia cầm, bởi khi có kiến thức thì chăn nuôi sẽ đạt hiệu quả kinh tế lâu dài.

UBND TPHCM vừa có văn bản triển khai quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, Chi cục Thú y lấy mẫu định kỳ 6 tháng/lần để giám sát chặt tình hình dịch tễ các nhà nuôi yến trên địa bàn và lấy mẫu kiểm tra đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cúm gia cầm xảy ra. Ngoài ra, TP yêu cầu các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh các nhà nuôi yến ngoài khu vực quy hoạch.

Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.

Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.