Ngành Mía Đường Trước Nguy Cơ Phá Sản
Câu chuyện một doanh nghiệp trồng mía, mang đường từ Lào về Việt Nam với giá thành sản xuất thấp đã đánh một “hồi chuông báo động” cho ngành mía đường Việt Nam.
Lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng trong bối cảnh đường lậu Thái Lan xâm nhập qua biên giới Tây Nam ngày càng diễn biến phức tạp. Ngành mía đường đang bên “bờ vực phá sản” nếu không có các chính sách bảo hộ và tái đầu tư bài bản.
Nhân lực, vật lực, năng lực… mờ nhạt
Cách đây hơn một thập niên, ngành mía đường liên tục thua lỗ và chịu nhiều “búa rìu” của dư luận khi nhập khẩu nhiều công nghệ chế biến đường từ Trung Quốc. Đó là thời điểm Việt Nam còn nhập khẩu đường.
Thế rồi, những nhà máy đường đã tạo nên kỳ tích khi sản xuất đường vượt mức 1 triệu tấn, rồi tăng dần, năm 2013 đạt sản lượng 1,5 triệu tấn và năm 2014 có khả năng đạt 1,6 triệu tấn. Các nhà máy đường từng bước được cổ phần hóa và sản xuất có lợi nhuận.
Chưa hết mừng, trong 3 năm trở lại đây, ngành mía đường bị “lún sâu” trong thua lỗ khi bị đường cát Thái Lan thẩm lậu qua tuyến biên giới Tây Nam. Khó khăn sẽ chồng chất vì theo cam kết WTO, sẽ có khoảng hơn 77.000 tấn đường được nhập về trong năm nay.
Thông tin mới nhất đến đầu tháng 4-2014, các nhà máy đường trong nước tồn kho gần 600.000 tấn đường. Bộ NN-PTNT phải nhanh chóng kiến nghị Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu 400.000 tấn đường qua biên giới Trung Quốc để giải phóng đường tồn kho.
“Cửa thoát hiểm trong bối cảnh hiện nay là phải đẩy mạnh xuất khẩu đường sang Trung Quốc”, một doanh nghiệp chua xót. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng, ngành mía đường thật sự đứng trước nguy cơ “sụp đổ” nếu không có những giải pháp đổi mới sản xuất, hạ giá thành, tăng cạnh tranh. Nhìn lại quá trình đầu tư cho ngành mía đường thời gian qua là những lỗ hổng nặng nề. Trước nhất là khâu giống mía. Viện Nghiên cứu mía đường được giao thực hiện 2 dự án giống giai đoạn 2002 - 2005 và 2006 - 2010, với việc nhập hàng trăm tấn giống từ Thái Lan, Trung Quốc.
Cục Trồng trọt cũng công nhận 10 giống mới cho sản xuất ở các tỉnh phía Nam nhưng số giống này vẫn chưa được đưa vào sản xuất nhiều. “Hạn chế về nhân lực, vật lực và năng lực nên vai trò đối với sản xuất trong việc chuyển giao phát triển giống mía tốt ra sản xuất còn mờ nhạt” - nhận định của Bộ NN-PTNT cho thấy sự “hẩm hiu” của ngành mía đường sau hơn 2 thập niên phát triển để có thể “tự lực” cung ứng đường tiêu dùng cho cả nước.
Sớm có chính sách hỗ trợ
Các nhà máy đường trong nước đang rơi vào cảnh “trống vắng”. Năm 2011, giá đường tại kho của doanh nghiệp 18.000 - 19.000 đồng/kg; năm 2013 xuống còn 14.500 - 15.000 đồng/kg… Rồi rơi vào cảnh thê thảm, giá bán buôn đường kính trắng (đã có thuế VAT) tại nhà máy cuối 3-2014 khoảng 12.300 - 12.800 đồng/kg tại miền Bắc, khoảng 12.000 đồng/kg tại miền Trung và Tây Nguyên, và khoảng 12.500 - 13.000 đồng/kg tại miền Nam. “Đây là hậu quả nhãn tiền khi không chặn được dòng đường nhập lậu và chính sách nhập, xuất đường theo cách chắp vá”, một doanh nghiệp ngành đường ở ĐBSCL nhận định.
Người trồng mía và các nhà máy đường phải tìm hướng đi mới để tồn tại. “Đầu tư về giống mía cho ngành đường coi như đến nay là con số 0”, một lãnh đạo ngành mía đường bức xúc.
Với diện tích gần 300.000ha, hàng triệu nông dân trồng mía đang lúng túng trước lựa chọn phá bỏ cây mía để trồng cây khác hay tiếp tục trồng mía để chịu cảnh thua lỗ? Thực tế, nhiều nông dân ở ĐBSCL đang bỏ mía để trồng các loại cây khác. Có tỉnh đưa ra đề án hoán chuyển trồng hơn 1.000ha đất mía sang cây trồng khác…
Song, đại bộ phận nông dân vẫn phải bám trụ với cây mía. Đơn giản, nhưng nông hộ này không có khả năng cải tạo đất để chuyển sang trồng cây khác. Với lại họ chưa biết trồng cây gì để có đầu ra ổn định khi tay nghề đã quen với cây mía!
Và câu hỏi đặt ra: Điểm yếu của người trồng mía, công nghệ chế biến đường hiện nay là gì? Đó là đất sản xuất manh mún, khâu cơ giới hóa trong trồng, tưới, thu hoạch gần như bằng 0! Đây là nguyên nhân chính đẩy giá thành sản xuất của người trồng mía lên cao, khó cạnh tranh với các nước lân cận như Thái Lan. Trong khi đó, nhiều nhà máy đường vẫn chưa có chiến lược rõ ràng để khai thác tốt các sản phẩm sau đường.
Đã đến lúc, Bộ NN-PTNT sớm rà soát để đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển mía, đường phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ngành mía đường Việt Nam đang trông chờ vào những giải pháp cụ thể để mặt hàng đường trong nước đủ sức “phòng vệ” trước sự thẩm thấu của đường lậu, gian lận thương mại.
Vấn đề bức xúc hiện nay là cần có cơ chế về xuất khẩu đường linh động. Các ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại.
Có thể bạn quan tâm
Để chăm sóc vải thiều hiệu quả và tiết kiệm được chi phí, nhân công, người trồng vải cần có phương pháp tưới tiêu, bón phân hợp lý.
Theo Chi cục BVTV tỉnh Bình Thuận, hiện đã vào mùa mưa nên bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long có xu hướng tăng nhanh cả về diện tích và tỉ lệ hại.
Trồng rau trong mùa mưa thường bất lợi hơn trong mùa nắng do năng suất, chất lượng giảm mạnh vì thế mọi người cần bỏ túi kinh nghiêm trồng và chăm sóc rau mùa mưa lũ cho năng suất cao nhất.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã rà soát và quản lý khá chặt chẽ vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Tuy nhiên vì lợi nhuận, vẫn có một số hộ chăn nuôi sử dụng các chất cấm để tăng trọng cho heo, gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và gây ra tâm lý bất an cho người tiêu dùng
Ngành hàng vịt là 1 trong 5 ngành hàng được chọn phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Song đến nay, so với 4 ngành hàng còn lại thì ngành hàng này vẫn còn khá ì ạch, chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế vốn có. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.