Ngành Chăn Nuôi Thua Trên Sân Nhà
Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.
Nếu không có sự thay đổi thì sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu - Ảnh minh họa: TD
Giáp Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm để các hộ chăn nuôi tập trung nguồn hàng cung ứng cho dịp tết, đồng thời đây cũng là thời kỳ quyết định đến chuyện lỗ lã cả năm của các hộ này. Song năm nay, các hộ chăn nuôi không còn vui như những năm trước.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho hay, do giá gà, giá trứng thời gian gần đây giảm sâu, người chăn nuôi càng bán càng lỗ.
Giá gà công nghiệp hiện bán ra khoảng 29.000 - 30.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg; giá trứng trước đây là 21.000-22.000 đồng/chục nhưng nay đã giảm xuống còn 18.000-19.000 đồng/chục.
“Các hộ chăn nuôi heo còn tạm có lời chút ít còn các hộ nuôi gà thì lỗ nặng và tình trạng này đã kéo dài hai năm nay. Nhiều trang trại trong HTX lỗ tiền tỉ, thậm chí có trang trại có quy mô khoảng 15 tỉ đồng thì sau hai năm thua lỗ hiện không còn đồng nào”, ông Chiến nói.
Ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao lại không có thương hiệu nên giá bán sản phẩm thường thấp hơn các trang trại lớn và các sản phẩm thịt nhập khẩu.
Cạnh tranh không cân sức
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời năm 2015, thuế nhập khẩu thịt sẽ chỉ còn 0%. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo vì hiện nay mức thuế nhập khẩu thịt từ những nước trong khối chỉ dao động từ 0-3%, và trình độ chăn nuôi của họ cũng không hơn nhiều so với với Việt Nam.
Điều đáng lo ngại nhất, theo ông Vang, là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thịt bò trong nước sẽ không còn khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu nữa. “Nước ta không có đồng cỏ để chăn nuôi quy mô lớn và cho năng suất thịt cao. Cả nước hiện chỉ có khoảng 200.000 héc ta cho nuôi bò và trâu. Tuy nhiên, với 5,1 triệu con như hiện nay thì cần tới 500.000 héc ta đất chăn nuôi mới cho năng suất cao được”, ông Vang nói.
Hiện sản lượng thịt bò sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 180.000 con trâu bò và 600.000 tấn thịt hơi, với giá trị khoảng 120 triệu đô la Mỹ, chủ yếu từ Lào, Thái Lan và gần đây là Úc.
Không chỉ thị bò mà theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi, xét về mặt tổng thể, năng suất trong ngành chăn nuôi đang thấp hơn nhiều so với thế giới và một số nước trong khu vực. Nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đi sau các nước từ 20-30 năm.
Mặc dù hiện nay một số sản phẩm thịt nhập khẩu phải chịu thuế khá cao, nhưng giá vẫn thấp hơn sản phẩm cùng loại trong nước; ví dụ như thịt gà nhập khẩu (đù, cổ cánh) giá chỉ 22.000-25.000 đồng/kg trong khi chi phí sản xuất mỗi ki lô gam thịt gà ở nước ta đã lên tới 28.000-30.000 đồng.
Như vậy, ngay cả khi có thuế nhập khẩu, nhiều sản phẩm chăn nuôi trong nước đã không thể cạnh tranh với hàng ngoại, khi Việt Nam gia nhập TPP thuế suất giảm mạnh thì bò sữa, bò thịt, thịt gà và trứng từ các nước như Mỹ, Úc, Newzeland sẽ tràn vào thị trường Việt Nam.
“Cuộc cạnh tranh này là vô cùng khốc liệt và phần thua sẽ thuộc về sản xuất trong nước nếu chúng ta không có những hành động quyết liệt ngay từ bây giờ”, ông Sơn lo ngại.
Phải thay đổi để tồn tại
Tại buổi tổng kết năm 2013 của Cục chăn nuôi diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), ông Vũ Văn Tám cho hay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu với thế giới, có khả năng gia nhập TPP vào năm 2014 và ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên là chăn nuôi. “Nếu chúng ta không chuẩn bị sớm và không quyết liệt sẽ bị thua trên sân nhà”, ông Tám nói.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, cho rằng khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra chuỗi liên kết ổn định. “Người chăn nuôi vẫn phải nhờ khâu trung gian đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, thậm chí có những lúc thua lỗ. Khi thua lỗ, người chăn nuôi thường chán nản và không muốn tái đàn, không muốn tăng đàn”, ông Vân nói.
Ông Sơn cho rằng, ngành chăn nuôi muốn tồn tại thì buộc phải thay đổi. Việt Nam là một nước có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với những nước khối 12 nước tham gia TPP nên cần phải có lộ trình giảm thuế cho từng sản phẩm trong ngành chăn nuôi, ít nhất trong vòng 5 năm để ngành chăn nuôi có thể cạnh tranh được khi thuế về 0%.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên lựa chọn những mặt hàng ít bị cạnh tranh nhất, ví dụ chọn nuôi gà lông màu thay vì gà lông trắng… Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải tạo sự đột phát về mặt công nghệ để tăng năng suất, tạo ra sự liên kết theo chuỗi để giảm thuế, giảm chi phí chăn nuôi cho nông dân.
Ông Chiến từ HTX Cổ Đông cho rằng công việc chuẩn bị đang được thực hiện cho việc thành lập một công ty Cộng Đồng để sản xuất theo chuỗi; tập hợp các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số cơ sở sản xuất giống và hai lò giết mổ quy mô lớn của thành phố Hà Nội, cùng trên dưới 100 trang trại chăn nuôi quy mô của địa bàn. Tuy nhiên, về sự tham gia của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong HTX vào công ty này, ông Chiến nói: “Đây là công việc của nhà nước và HTX không đủ sức để lo”.
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Ngọc Tứ, bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng được mọi người gọi bằng cái tên “Chàng thanh niên mê cây cà phê”.
Nam Tân là một trong những xã nuôi trồng thuỷ sản mạnh nhất trong huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hiện nay xã có từ 120-130 ha mặt nước tự nhiên, sản lượng thuỷ sản của xã chiếm trên 1/4 tổng sản lượng của toàn huyện (từ 27-28%), hàng năm thu được khoảng 500-550 tấn cá (sản lượngtoàn huyện Nam Sách khoảng hơn 2.000 tấn/năm).
Nhiều năm qua, nấm rơm trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân đã lâm vào cảnh nợ nần và quyết định bỏ nghề.
Khánh An là 1 trong 2 xã của huyện U Minh được chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện đề án quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua 2 năm thực hiện chương trình, diện mạo của xã có nhiều thay đổi.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng trước sự tàn phá của các đối tượng sâu bệnh, dịch hại.