Ngành chăn nuôi điêu đứng vì chất cấm
Vượt dư lượng cho phép gấp 6 lần
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Trong tháng 8/2015, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đợt thanh, kiểm tra đặc biệt tại các lò mổ lợn và nhiều trang trại chăn nuôi ở miền Nam.
Qua kiểm tra 227 mẫu thịt và nước tiểu lấy ngẫu nhiên tại các lò mổ lợn ở TP.Hồ Chí Minh, đã phát hiện 31 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol với hàm lượng từ 80 - 130ppb, trong khi quy định cho phép tồn dư là 20ppb, như vậy vượt dư lượng cho phép đến 6 lần. Lợn tại các lò mổ này được xác định có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Long An và Tiền Giang.
Riêng tỉnh Đồng Nai, qua kiểm tra 44 trang trại trong gần 2.000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trang trại có lợn dương tính với Sbutamol.
Quyết liệt xử lý vi phạm chất cấm trong chăn nuôi
Điều đáng nói, không chỉ các hộ nông dân, các trang trại mà ngay cả các công ty lớn cũng bị phát hiện có sử dụng chất cấm. Đoàn thanh tra đã phát hiện Công ty CP Việt Nam có 2 trang trại sử dụng chất cấm, mặc dù trước đó công ty này đã ký hợp đồng không sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi lợn.
Bên cạnh đó, nổi lên hành vi vi phạm mới của các thương lái, đó là mua lại lợn xuất chuồng từ các công ty, trang trại, sau đó về “vỗ béo” bằng cách sử dụng chất tạo nạc và chỉ từ 5 - 10 ngày, cân nặng của lợn từ 80-90kg có thể lên đến 120 - 130kg. Do đó, lợn sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đồng đến1 triệu đồng/con.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT khẳng định, sau một thời gian tạm lắng, tình trạng sử dụng chất cấm lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại là do giá lợn đang ở mức cao (45.000 - 50.000 đồng/kg) khiến nhiều nông dân và thương lái muốn hưởng lợi bất chính. Ngoài ra, cũng có tình trạng người chăn nuôi chịu áp lực của thương lái để có heo nạc, bắt mắt và sự lơ là, buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng.
“Sử dụng chất cấm sẽ khiến chăn nuôi Việt Nam thiệt hại lớn, đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ quay lưng với nền chăn nuôi trong nước, chuyển sang sử dụng các sản phẩm của nước ngoài”, ông Dương cho hay.
Quyết liệt xử lý vi phạm
Theo Cục chăn nuôi, so với các năm trước, tỷ lệ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi năm nay cao hơn. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm, nếu không ngành chăn nuôi có nguy cơ phá sản
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để giảm việc sử dụng chất cấm cũng như chất kháng sinh trong chăn nuôi cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan. Trong đó, các cơ quan chức năng, nhất là tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra các trang trại chăn nuôi và tuyên truyền để người chăn nuôi, người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của việc dùng chất cấm.
Cục chăn nuôi đang tính toán việc đơn giản hóa quy trình kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Trước đây, thường sử dụng hình thức lấy mẫu phân tích, xét nghiệm khiến quá trình xử lý kéo dài, phức tạp. Do đó, Cục đang nghiên cứu đề xuất biện pháp dùng que thử với nước tiểu của lợn để phát hiện chất cấm.
Hơn nữa, đối với các cơ sở chăn nuôi vi phạm sử dụng chất cấm, ngoài hình thức xử phạt là bị tiêu hủy sản phẩm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, Cục Chăn nuôi đang kiến nghị sửa đổi Bộ Luật Hình sự về hành vi tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi. Hiện nay, muốn xử lý hình sự thì hành vi đó phải gây hậu quả nghiêm trọng. “Tuy nhiên, theo chúng tôi, không cần chờ gây hậu quả nghiêm trọng hay không, mà cứ tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi là bị xử lý”, ông Dương nhấn mạnh.
Mặt khác, Cục cũng sẽ kiến nghị Bộ Y tế kiểm soát chặt hơn chất cấm Salbutamol, hạn chế cấp phép nhập khẩu. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng để ngăn chặn chất cấm tràn vào ngành chăn nuôi. Ngoài ra, tiến tới xóa bỏ hoặc tập hợp các địa điểm chăn nuôi nhỏ lẻ để tiêu chuẩn hóa chuồng trại, tránh dịch bệnh, dễ kiểm soát và nâng cao tính cạnh tranh trước ngưỡng cửa hội nhập.
Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thanh tra Bộ tiếp tục đôn đốc các đơn vị chức năng, phối hợp với cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Không thể khôi phục lại hoa để phục vụ Tết, bà con nông dân ở làng hoa Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) chuyển sang trồng rau màu để chuẩn bị phục vụ Tết và tạo nguồn thu nhập.
Thực hiện Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Mường Lay bị thu hẹp. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân hậu TĐC luôn được các cấp, các ngành chú trọng.
Theo Sở NN&PTNT, trà lúa mùa có trên 45.000ha áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Đồng thời có 50.000ha lúa xuống giống né rầy.
Ðứng trước vườn tiêu trơ trụi của gia đình, ông Phạm Văn Luyến (thôn Xuân Thượng, xã Ðạ Pal) đau xót: “Nhà tôi có 1.800 trụ tiêu, thì nay đã chết 1.200 trụ. Những trụ còn lại đang có hiện tượng lá chuyển vàng và chết dần từng nhánh”.
Từ năm ngoái cho đến nửa năm nay, giá heo ở mức thấp dưới giá thành, người nuôi lỗ nặng nên nhiều người bán trại, giảm đàn mạnh.