Ngân Hàng Đồng Hành Cùng Ngư Dân Bám Biển
Cùng với nhiều chương trình tặng quà cho người dân, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ ngư dân. Nguồn tiền khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bám biển, với lãi suất ưu đãi 3%/năm đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý…
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, dự thảo quy định hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đóng mới và cải hoán tàu cá đang được xây dựng và lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.
Để thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay đến ngư dân là 5%/năm, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ngư dân chỉ phải trả 3%/năm.
Chương trình này cũng khuyến khích chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của địa phương có thể hỗ trợ cho ngư dân của tỉnh để tạo thêm điều kiện cho ngư dân có thể chỉ phải trả lãi suất thấp hơn. Điểm đặc biệt của dự thảo này là tất cả các con tàu đóng mới đều được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân 70% chi phí bảo hiểm.
Thông thường, tất cả các con tàu ra khơi đều được bảo hiểm. Đây là một chính sách rất quan trọng trong thời gian tới giúp ngân hàng và ngư dân có thêm cơ sở để xử lý những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, NHNN cũng đang nghiên cứu những chương trình ưu đãi, có thể cho ngư dân vay với lãi suất 0% nếu có mô hình quản lý tốt, để các tổ chức tín dụng có thể thu hồi được nợ gốc của mình. Thời hạn cho vay có thể là 10-15 năm.
Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển vừa khai thác sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc hỗ trợ nguồn vốn giúp cải hoán tàu cũ, đóng mới tàu công suất lớn đang được hệ thống ngân hàng tích cực tham gia. Dẫn đầu hệ thống ngân hàng trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ ngư dân là Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV).
Mới đây, BIDV đã công bố chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ chủ tàu là ngư dân, doanh nghiệp (DN) để đóng/mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác, cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ.
Lãi suất cho vay đối với trung, dài hạn BIDV áp dụng là 2%/năm, ân hạn trong 1 năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm (tính từ ngày giải ngân đầu tiên); đối với vay vốn lưu động lãi suất là 5%/năm. Để cụ thể hóa chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ, BIDV đã ký kết tài trợ tín dụng giai đoạn đầu đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn trị giá khoảng 150 tỷ đồng cho các DN và hộ ngư dân.
Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương tại Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận nguồn vốn vay tại Vietcombank Quảng Ngãi giai đoạn 2014 - 2018.
Chương trình được thực hiện với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.000 hội viên của 7 nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh và các ngư dân Quảng Ngãi tiếp cận với nguồn vốn vay của Vietcombank Quảng Ngãi được nhanh gọn, thuận lợi hơn.
Từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 5, doanh số cho vay phát triển kinh tế biển của Vietcombank tại Quảng Ngãi đạt hơn 310 tỷ đồng. Nguồn vốn này tạo điều kiện cho các hộ ngư dân trong tỉnh mua, nâng cấp, đóng mới tàu cá. Nhiều tàu đóng mới và nâng cấp nâng công suất làm ăn hiệu quả từ 1- 2 tỷ đồng/năm, các chủ tàu luôn trả nợ đúng hạn.
Không đứng ngoài cuộc, nhiều NHTM cổ phần khác cũng đang có kế hoạch triển khai các chương trình tín dụng nhằm giúp ngư dân với lãi suất khá thấp.
Các ngân hàng cũng đang nghiên cứu chính sách tín dụng khuyến khích hộ gia đình, hợp tác xã và DN liên kết trong quá trình khai thác: Đóng tàu - khai thác - hậu cần thủy sản - tiêu thụ sản phẩm. Nếu mô hình liên kết khép kín này được thực hiện, ngân hàng có thể cung cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi thêm về thời hạn, lãi suất cho vay và có thể miễn tài sản thế chấp.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Bình Thuận đã có thông báo, cấm tất cả hoạt động khai thác các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc từ 1/4 đến 31/7 trên toàn vùng biển Bình Thuận.
Thời điểm này, nông dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch rong sụn. Niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt khi sản phẩm được mùa, trúng giá.
Hiện, sâu non bọ hung đang ở tuổi 3, mật độ phổ biến 5 đến 7 con/hố, cao 15 con/hố, phát sinh chủ yếu trên diện tích mía ở các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy.
Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa bàn sản xuất hạt giống bắp lai với quy mô lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm diện tích đều tăng. Các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải là nơi tập trung diện tích sản xuất hằng năm trong 2 vụ đông xuân và hè thu.
Trên cơ sở mở rộng diện tích, huyện từng bước xây dựng, hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống cây trồng mới của địa phương.