Ngăn Chặn Thương Lái Trung Quốc Ồ Ạt Mua Nông Sản
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Sở Công Thương các địa phương trên cả nước yêu cầu giám sát, kiểm tra việc thương nhân nước ngoài thu mua hàng hóa tại Việt Nam.
Bỏ ruộng vườn chạy theo thương lái
Văn bản này khẳng định gần đây tại một số địa phương lại bắt đầu có hiện tượng người nước ngoài vào nước ta thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản, đặc biệt là mua những loại khác lạ như đỉa, lá khoai…
Theo Bộ Công Thương, tình hình này đang theo chiều hướng ngày càng phức tạp, có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, ổn định kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Để ngăn chặn và kịp thời tháo gỡ, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương báo cáo với UBND các tỉnh, thành phố về hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả những loại khác lạ) cùng những khó khăn trong công tác này, đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật về mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho bà con.
Trong văn bản của Bộ Công Thương không nói rõ người nước ngoài là ai, nhưng theo một quan chức của Bộ thì thương nhân nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Chuyện thương lái Trung Quốc thuê người vào tận làng xã của chúng ta đặt mua đủ loại hàng một cách khó hiểu diễn ra hàng chục năm nay, gây thiệt hại không chỉ cho nông dân mà với cả nền kinh tế nhưng chúng ta vẫn chưa có phương án đối phó.
Từ mươi năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò; vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi; mấy tháng qua họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn.
Địa bàn hoạt động của họ không chỉ tại các tỉnh biên giới phía Bắc mà cả ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân không cần biết người ta mua để làm gì, nhưng do lợi ích trước mắt, hễ thấy loại nông sản nào bán được giá và dễ kiếm tiền là cứ bán, chẳng hề quan tâm đến hậu quả không thể lường hết.
Chẳng hạn lá điều khô lâu nay nông dân dùng để giữ ẩm và tăng độ mủn cho đất, nay không còn lá điều để ủ, năng suất cây điều sẽ thấp trong mùa sau. Hay móng trâu cắt bán đi thì con trâu sẽ chết và nông dân không còn sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng nuôi nhiều nhưng rồi thương lái đột ngột ngưng mua, ốc đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì chỉ còn rễ, năng suất khoai giảm 50%.
Nhưng nguy hại nhất chính là việc nông dân chạy theo yêu cầu quái lạ của thương lái Trung Quốc đã làm thị trường bị lũng đoạn, quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi bị phá vỡ, xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Thực tế diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc cũng như Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy thương lái Trung Quốc tổ chức đầu mối nhờ các công ty kinh doanh ở địa phương vào tận làng xã trực tiếp quan hệ với nông dân.
Họ cố tình tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo, thổi giá tùy ý vì phần lớn sản phẩm không ai biết giá trị. Chẳng hạn như con đỉa thì làm sao xác định được giá là bao nhiêu cũng như không ai biết nó có giá trị sử dụng thế nào.
Khi đã thổi được giá cao để nông dân bỏ ruộng vườn chạy theo lợi nhuận thì số thương lái này biến mất. Cuối cùng người dân và thương lái nước ta lại mua chính hàng mình đã bán mà không biết để dùng vào việc gì, ai ôm hàng thì mang nợ.
Tác hại dây chuyền
Nhiều năm qua, dư luận xã hội trong đó có những chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp từng lên tiếng cảnh báo về tình trạng buôn bán nói trên của thương lái Trung Quốc. Đặc biệt các chuyên gia cảnh báo chuyện thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua ốc bươu vàng – loại sinh vật được xem là đại họa của nông nghiệp – khiến nông dân lén lút nuôi để bán, làm mùa màng thất bát, được dẫn ra như bằng chứng rõ ràng nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân – cựu đại biểu Quốc hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL – trong một bài viết trước đây trên báo Tuổi Trẻ đã phê phán chiến lược cột chặt các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới thu mua của Trung Quốc để đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.
Theo ông Trân, phải xem việc thương lái Trung Quốc vào nước ta tận thu mọi thứ là có thâm ý: tận diệt các loại thực vật, động vật quý hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường.
Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ thấy lợi trước mắt mà “bắt tay” với thương lái Trung Quốc. Ðặc biệt đáng trách là Chính phủ và các cơ quan chức năng đã bỏ ngỏ vấn đề này.
Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn”.
Trở lại với thông báo vừa qua của Bộ Công Thương, chúng ta thấy rằng chỉ chừng ấy nội dung cảnh giác vẫn chưa đủ để ngăn chặn hành vi mua nông sản một cách không bình thường của thương lái Trung Quốc.
Hoạt động thị trường chịu sự chi phối của ba yếu tố chính là cung, cầu và giá cả. Trong tình hình mua nông sản của thương lái Trung Quốc lâu nay, giá cả không chỉ làm lệch cung cầu mà còn kích thích lòng tham của một số nông dân vì lợi ích trước mắt. Đây là vấn đề ý thức của người dân và thử hỏi lâu nay có cơ quan nào ở địa phương làm nhiệm vụ giải thích cho nông dân biết rõ sự tác hại mà mình đang vô tình tham gia chưa?
Giải quyết vấn đề từ gốc
Để có sức thuyết phục người nông dân về tác hại của thủ thuật mua nông sản đang gây hoang mang trong xã hội thì phải có một chương trình điều tra, nghiên cứu thấu đáo đúc kết từ thực tế của các địa phương có quan hệ làm ăn bất bình thường với thương lái Trung Quốc.
Trong khi chờ đợi một cuộc điều tra như vậy thì vai trò của bộ phận khuyến nông phải đi sát hơn nữa với nông dân, giúp họ chọn lựa phương án sản xuất nào có tính ổn định nhất, hơn là phải chạy theo “cầu ảo – giá ảo” mà bỏ ruộng vườn chạy theo thương lái Trung Quốc.
Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đại bộ phận nông dân bám vào đồng ruộng mà bao đời nay vẫn nghèo là do chính sách về giá không hợp lý. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy thu nhập người nông dân có được không tương xứng với công sức họ bỏ ra trên đồng ruộng, trong khi các công ty kinh doanh lương thực ngày càng giàu với những khoản siêu lợi nhuận từ vai trò trung gian giữa nông dân và thị trường.
Chắc hẳn người nông dân chúng ta sẽ chạnh lòng khi so sánh mình với nông dân các nước trong khu vực. Chính phủ Thái Lan mua lúa của nông dân với giá hỗ trợ, giá gạo của Thái cao hơn giá gạo chúng ta mà vẫn là nước xuất gạo hàng đầu thế giới và nông dân họ vẫn sống mạnh với đồng ruộng. Gạo Pakistan bán giá rẻ hơn gạo chúng ta mà nông dân họ vẫn sống khỏe.
Tuần trước, trong một cuộc họp giữa các cơ quan nhà nước, nông dân và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được tổ chức tại Cần Thơ, điệp khúc giá lúa thấp, xuất khẩu gạo gặp khó khăn vì cạnh tranh trên thị trường thế giới lại được nói đến, như một câu chuyện của ai đâu chứ không phải chuyện của VFA hay của các công ty kinh doanh lương thực.
Người nông dân không được quyền định giá cũng như xuất khẩu sản phẩm mình làm ra, vậy thì ai chịu trách nhiệm về việc giá lúa thấp theo từng mùa vụ hay tình hình gạo không có đầu ra. Ngành lương thực của chúng ta nên học cách làm của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và cả Campuchia, nước vừa tham gia thị trường gạo thế giới gần đây đang từng bước trở thành đối thủ cạnh tranh của chúng ta.
Và tại sao trong khi đầu ra của gạo gặp khó khăn, chúng ta xuất khẩu loại nông sản chủ lực này với giá rẻ thì chẳng khác nào làm nhiệm vụ nuôi ăn cho các nước. Chúng ta lại không nghiên cứu đến nơi đến chốn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm đến các loại nông sản có giá trị xuất khẩu trên thị trường thế giới để định hướng canh tác cho nông dân, giúp họ thoát nghèo, thoát khỏi tâm lý “trồng lúa một cách mù quáng” như ví von của nhà nông học Võ Tòng Xuân. Ai làm được chuyện này nếu không phải là Nhà nước?
Ngày nào nông dân đứng vững chân trên đất canh tác và yên tâm rằng đời sống của mình ngày càng tốt hơn thì khi đó không chỉ thương lái Trung Quốc mà bất cứ thế lực kinh doanh nào ở trong nước cũng không thể lợi dụng và sống ung dung trên đôi vai gầy của họ được.
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi thủy - hải sản. Nhìn nhận thực tế từ những năm qua cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản đã có những giai đoạn phát triển rất "nóng", tập trung vào nuôi tôm công nghiệp, cá tra, cá bè hay nhuyễn thể.
Tính đến ngày 27-6-2015, các doanh nghiệp trong cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu 475.294 tấn cá tra các loại, trong đó Trung Quốc và Hồng Kông chính thức vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tính đến thời điểm này, theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).
Hội nhập nền kinh tế thế giới vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức với ngành chăn nuôi của mỗi quốc gia khi hàng rào thuế quan xóa bỏ, thuế xuất nhập khẩu các loại sản phẩm sẽ trở về “con số 0”.
Cam Tuyền là xã thuộc vùng gò đồi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế chưa phát triển nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết người dân trong xã đều chăn nuôi bò theo lối chăn thả tự nhiên, tổng đàn bò khá lớn nhưng hiệu quả thu được không cao do lượng thức ăn tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu (đàn bò mới được đáp ứng từ khoảng 50% đến 70% nhu cầu dinh dưỡng cần có); khả năng phát triển đồng cỏ hạn chế do không có đất dành riêng cho mục đích chăn nuôi.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công bố top 50 món ăn đặc sản, ẩm thực Việt Nam lần thứ ba – 2015. Trong đó có 2 loại rau củ của Vĩnh Long là khoai lang và xà lách xoong.