Chung sức làm thủy lợi nội đồng
UBND xã Hỏa Lựu cho biết, hiện có khoảng 85% các khuôn đất đã được khép kín, các tuyến kênh được nạo vét thông thoáng. Từ hệ thống đê bao sẵn có cộng với việc đào đắp kênh mương, các công trình thủy lợi nội đồng nhằm chủ động nước tưới cũng như tiêu thoát nước. Nhờ vậy, địa phương dễ dàng áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa vào đồng ruộng nên người dân rất yên tâm lao động sản xuất.
Ngoài việc tích cực vận động người dân tham gia cùng địa phương, xã còn phát động phong trào thi đua thực hiện kế hoạch giao thông - thủy lợi mùa khô của địa phương. Điểm đặc biệt trong công tác thủy lợi nội đồng năm nay ở chỗ người dân chủ động bỏ tiền ra nạo vét các tuyến kênh. Có thể kể đến là hai tuyến kênh Gò Lức thuộc ấp Thạnh Đông và kênh Tám Sĩ thuộc ấp Thạnh Phú. Bà Huỳnh Thị Chín, ở ấp Thạnh Đông, cho biết: “Con kênh sườn Gò Lức này nhiều năm không được nạo vét trở nên bồi lắng.
Người trồng lúa, mía ở khu vực này, ai nấy cũng đều thấp thỏm, lo âu vì bị ngập úng, khó thoát nước, năng suất lúa giảm. Cả trăm héc-ta mía và lúa của bà con mùa khô thiếu nước còn mùa mưa nước thoát không kịp, nhiều vụ bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều vụ, bà con phải thức canh máy bơm từng đêm vì sợ nước ngập liếp mía”.
Trước thực trạng trên, không cần xã đứng ra vận động, nhiều người dân có đất nằm ven tuyến kênh này đã cùng nhau họp lại và đi đến thống nhất tự bỏ tiền ra thuê xáng múc. Mọi người đều thấy được lợi ích lâu dài trong việc đắp đê điều tiết nước nên ai ai cũng đồng tình cùng nhau hiến đất, góp vốn. Năm nay, mùa mưa về nhưng nông dân ở đây rất an tâm, không lo bị ngập úng.
Theo chân anh cán bộ nông nghiệp của xã, chúng tôi lội bùn đến các tuyến kênh này. Chiều ngang các con kênh đã thông thoáng, phương tiện vận chuyển máy gặt đập liên hợp có thể ra vào thoải mái. Ngoài hai con kênh trên, xã còn vận động người dân hiến đất, vật kiến trúc để thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy cho nhiều tuyến kênh khác. Các kênh thủy lợi không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các phương tiện dễ dàng vận chuyển hàng nông sản khi mỗi mùa thu hoạch đến.
Ông Bùi Văn Cử, ở ấp Thạnh Phú, chia sẻ: “Kênh nạo vét xong, tôi thấy phấn khởi hẳn ra, cả héc-ta lúa nhà tôi không lo ngập úng trong thời điểm mưa bão như thế này. Mặt khác, việc vận chuyển lúa từ đồng ruộng về nhà dễ dàng hơn và ít bị thương lái kỳ kèo giá cả. Dọc bờ đê có thể tận dụng trồng rau màu để tăng thêm thu nhập. Chịu thiệt hại chút ít về hoa màu ven kênh nhưng đổi lại được sự an tâm cho gần 1ha lúa”.
Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: Thực hiện 5 công trình thủy lợi nội đồng, xã khép kín cho hơn 300ha đất lúa. Các công trình này ngoài việc giúp cho bà con nông dân an tâm sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương còn hướng đến hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Để công trình phát huy hiệu quả, cấp ủy đảng, chính quyền đã phát huy rõ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia hiến đất; đồng thời chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân tự kiểm tra”. Nhờ vậy, đã tạo được sự đồng thuận cao của mỗi người dân. Khi có điều kiện về kinh tế, xã sẽ tiếp tục bê tông hóa một số tuyến kênh có nhiều hộ dân sinh sống để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của bà con.
Có thể bạn quan tâm
Cây thanh long được xem là cây trồng lợi thế của Bình Thuận. Với diện tích đến nay khoảng 30.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn (chiếm khoảng 80% diện tích và sản lượng cả nước), thanh long Bình Thuận đang trở thành thương hiệu nổi tiếng ở trong nước và còn ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều hộ, nhiều vùng trồng thanh long không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà còn nhanh chóng trở nên sung túc, giàu có.
Nhiều năm liền, anh Đoàn Văn Tâm ở ấp Mỹ Vĩnh, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã chủ động xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng "được mùa, rớt giá", góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc là mô hình điểm sản xuất giỏi trong phong trào xây dựng nông thôn mới của TX.Long Khánh (Đồng Nai). Nhiều xã viên khá lên, thậm chí làm giàu nhờ ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hành sản xuất theo quy trình VietGAP để sản xuất trái cây sạch cung ứng cho thị trường.
Thời tiết khắc nghiệt đã khiến các hộ trồng dưa hấu ở xã Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) điêu đứng. Hàng tấn dưa thu hoạch xong đang chất đống chờ người mua với giá rẻ.
Ông Hồ Phước Dư - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước (Mang Thít - Vĩnh Long) cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long và huyện Mang Thít, xã đã vận động bà con nông dân trồng được 18ha bưởi da xanh sau khi cải tạo vườn tạp kém hiệu quả.