Nâng Tầm Xuất Khẩu Gạo Từ Cây Lúa Lai
Vai trò của cây lúa lai trong việc tăng năng suất, sản lượng lúa và nhất là trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao giá trị xuất khẩu là rất quan trọng. Việc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai của Tập đoàn Syngenta tại Nam Định đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu này.
Lúa giống còn phụ thuộc vào nhập khẩu
Nam Định là tỉnh trọng điểm lúa của miền Bắc. Những năm qua, nhờ việc tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, nhất là về giống lúa lai, mà năng suất và sản lượng lúa của tỉnh Nam Định tăng vượt bậc. Với năng suất lúa bình quân hàng năm đạt xấp xỉ 120 tạ/ha, sản lượng lúa khoảng 930 ngàn tấn/năm, nhiều năm liền, Nam Định đứng trong top đầu cả nước về năng suất lúa.
Tuy nhiên, dù Nam Định có nhu cầu về hạt giống lúa lai F1 tới 2.000 tấn/năm, nhưng do chưa tự sản xuất đủ giống lúa này nên hàng năm, tỉnh phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trên 1.000 tấn.
“Việc phải phụ thuộc và nhập khẩu lượng lớn giống lúa lai từ nước ngoài khiến cho nông dân phải chi phí cao do mua giống giá đắt, hơn nữa cơ cấu giống lúa của tỉnh thường bị động”- ông Đỗ Hải Điền - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nam Định lo ngại.
Không chỉ riêng Nam Định, nhiều địa phương trong cả nước đang cùng chung tình trạng này. Mặc dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng Việt Nam đang phải nhập gần 70% giống lúa lai. Trong số 7,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa ở Việt Nam, diện tích lúa lai mới chiếm 650-700.000 ha.
Để nâng cao được giá trị gia tăng của các sản phẩm lúa gạo, yêu cầu đặt ra là cần tạo ra được các giống lúa vừa có năng suất cao, chất lượng thương phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Trung tâm nghiên cứu giống lúa lai Syngenta sẽ chủ yếu nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu chất lượng xay xát. Dự kiến đến năm 2017, trung tâm cho ra thị trường 2-3 giống lúa lai chất lượng và năng suất cao phục vụ sản xuất.
Bắt đầu từ đầu tư nghiên cứu
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) - cho biết, giống lúa lai cho năng suất, chất lượng tốt đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp thế giới, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Việc tăng cường năng lực sản xuất lúa lai sẽ tạo ra nguồn cung ổn định, góp phần nâng cao năng suất lúa, chất lượng gạo, tăng giá trị xuất khẩu là việc rất cần thiết.
Những mong đợi này đang được đáp ứng với việc một trung tâm nghiên cứu giống lúa lai hiện đại đầu tiên của Việt Nam vừa đi vào hoạt động tại xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) do Tập đoàn Syngenta đầu tư.
Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4ha với tổng kinh phí giai đoạn 1 trên 30 tỷ đồng, được trang bị những công nghệ mới nhất phục vụ nghiên cứu khoa học và bao gồm nhiều phân khu như: Khu lai tạo, khu nhà lưới, kho lạnh, khu máy móc.
Trung tâm hướng tới phát triển lúa lai ba dòng từ Ấn Độ, Trung Quốc với mục tiêu tạo ra sản phẩm thương mại trong tương lai, trong đó, chú trọng tới các dòng chất lượng, năng suất, kháng sâu bệnh và hơn thế nữa là những dòng lúa lai thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Giai đoạn II dự kiến sẽ được khởi động vào năm 2017, mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm hiện đại để ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo...
Việc hình thành trung tâm này sẽ giúp Việt Nam chủ động được giống lúa lai trong tương lai gần, từ đó hướng tới trở thành quốc gia xuất khẩu giống lúa lai.Đây cũng là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận nguồn gen nông nghiệp của thế giới, ứng dụng vào ngành nông nghiệp trong nước, nâng cao vị thế của kinh tế nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).
Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.
Trong 10 tháng đầu năm 2012, phần lớn thời gian giá cá điêu hồng nuôi bè ở Tiền Giang nằm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên người nuôi cá bị lỗ nặng. Đến nay, khi giá cá điêu hồng tăng mạnh trở lại với mức 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước, thì các chủ bè lại không có cá để bán, bởi nhiều người nuôi cá điêu hồng đã phải treo bè hoặc bán bè từ những tháng trước...
Trồng cỏ nuôi bò nhốt không còn xa lạ gì với người dân nông thôn các xã vùng gò đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, nhưng với bà con nông dân thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, câu chuyện chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ nuôi bò vẫn là đề tài nóng hổi rất được quan tâm và trông đợi hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại.