Nâng Tầm Trái Cây Đặc Sản Từ Những Cách Làm Hay
Chủ động tìm tòi, sáng tạo và chắt lọc những mô hình sản xuất mới lạ để tạo ra các sản phẩm độc đáo, thích ứng nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình là những bước đi đột phá của nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp trong thời gian qua. Dự kiến, nhiều nhà vườn sẽ tung ra một số sản phẩm trái cây độc đáo, lạ mắt cung cấp cho thị trường Tết.
Phát huy những lợi thế từ loại trái cây đặc sản, thời gian qua nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung bắt đầu tìm tòi những cách làm mới để tạo được sức hút lớn từ thị trường. Tiêu biểu là sản phẩm quýt chậu của nhà vườn Lưu Văn Ràng ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung.
Với niềm đam mê nghệ thuật bonsai và nguyện vọng phát triển quýt hồng bằng một lối đi mới, năm 2000, ông Ràng bắt đầu mày mò, đúc kết kinh nghiệm và là người đầu tiênthành công với cách làm đưa quýt hồng vào chậu. Nhờ cách làm này, ông Ràng thu về vài trăm triệu đồng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tiếp nối thắng lợi của những năm trước, dịp Tết Ất Mùi 2015 này, ông Lưu Văn Ràng tiếp tục tung ra thị trường khoảng 350 chậu quýt cảnh với kiểu dáng bắt mắt, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, mỗi chậu quýt lớn có kiểu dáng đẹp giá trung bình từ 1,5 triệu - 4 triệu đồng, chậu nhỏ có giá dao động từ 700 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng/chậu. Mặc dù giá có tăng khoảng 30% so với năm trước nhưng hiện tại hơn 2/3 số chậu quýt của vườn ông Ràng đã được khách hàng đặt mua.
Hiện nay ngoài ông Ràng, một số nhà vườn của huyện Lai Vung cũng sản xuất thí điểm và thành công với mô hình sản xuất quýt cảnh cung cấp vào dịp Tết.
Anh Võ Phú Cường (SN 1973) ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ: “So với nhiều loại cây cảnh và hoa kiểng khác thì sản xuất quýt cảnh khó hơn rất nhiều. Bởi quýt hồng trồng ở đất thịt đã rất khó khi xử lý cho trái, thì việc đưa vào chậu, xử lý trái vào tạo dáng để chậu quýt được cân đối và có hình dáng bắt mắt đòi hỏi nhà vườn phải có kỹ thuật cao và đầu tư rất công phu.
Đã có nhiều nhà vườn thất bại với mô hình này, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng không thu được lợi nhuận do chưa nắm rõ qui trình kỹ thuật. Đây cũng là lý do khiến quýt cảnh ở Lai Vung liên tục hút hàng trong những năm qua”. Trong dịp Tết này, dự kiến anh Cường sẽ tung ra thị trường trên 200 chậu quýt hồng, hiện nay nhiều mối lái đã đến ngã giá và đặt mua với số lượng lớn, trung bình mỗi chậu có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng.
Huyện Lai Vung có thế mạnh là quýt hồng thì huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh lại nức tiếng gần xa với đặc sản xoài. Xoài là một trong 5 loại ngũ quả thường được chưng trong gia đình Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều nhà vườn cũng nắm bắt cơ hội cho xoài ra trái đúng dịp Tết.
Một trong những cách làm hay, sản phẩm được thị trường đánh giá cao là kỹ thuật làm cho vỏ xoài chuyển từ màu xanh sang màu vàng anh. Ông Phạm Tấn Minh - thành viên của Tổ hợp tác (THT) sản xuất xoài ở phường 6, TP.Cao Lãnh là một trong những nhà vườn có nhiều năm thành công với kỹ thuật mới này chia sẻ: “Hiện nay, nhiều mối lái đến đặt hàng xoài của tôi với giá từ 32 ngàn - 35 ngàn đồng/kg, cao hơn xoài cùng loại từ 20 - 35%.
Dự kiến dịp Tết này, tôi sẽ cung cấp khoảng 1 tấn xoài loại này. So với kỹ thuật sản xuất thông thường thì kỹ thuật cho trái xoài có màu vàng không có gì khác biệt. Bí quyết là thay vì sử dụng túi bao trái thông thường thì tôi và nhiều nhà vườn ở đây sử dụng túi bao trái bên trong màu đen và bên ngoài màu vàng.
So với túi màu trắng thông thường thì túi bao trái màu vàng giá thành cao hơn nhưng bù lại xoài có vỏ màu vàng rất đẹp, trái to và đặc biệt người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện mặt hàng này là sản phẩm an toàn”.
Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện nay thị trường rất ưa chuộng sản phẩm này. Do đó, dự kiến trong năm 2015, THT sẽ thực hiện bao trái xoài bằng bao màu vàng nhiều hơn để có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
Bên cạnh sử dụng kỹ thuật bao trái bằng túi bao màu vàng trên xoài, một số nhà vườn ở TP.Cao Lãnh cũng áp dụng kỹ thuật tương tự trên trái bưởi và thu được kết quả khả quan. Hiện tại, bưởi màu vàng đang khá hút hàng vào dịp Tết, so với bưởi thường thì giá bưởi vàng cao hơn từ 30 - 40%.
Với kỹ thuật mới, cách làm độc đáo, bà con nhà vườn đã giúp cho nhiều trái cây đặc sản Đồng Tháp nâng lên một tầm cao mới và được sự đón nhận cao từ thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Theo Viện trưởng Lê Quốc Doanh thì lạc dại (Arachis pintoi) là cây họ đậu thuộc loại thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Lạc dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.
Thế nhưng khi về huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), chúng tôi mới biết rằng "di chứng" của cơn sốt gạo ấy vẫn còn gây lo lắng cho người nông dân nơi này, nhất là với những hộ lâu nay sinh sống chủ yếu nhờ vào cây bắp.
Mùa nước nổi năm nay có rất nhiều mô hình làm giàu từ lũ được nhân rộng ở các địa phương vùng ĐBSCL như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chình, lươn, cá lóc, cá bông... ở các huyện: Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)...
Gần đây, trong làng giống cây trồng Việt Nam xuất hiện một tên tuổi mới, đó là thương hiệu Sao Cao Nguyên® Seeds. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng và người sản xuất, Cty này đã cùng một lúc đưa ra thị trường 3 giống khổ qua lai F1 với các đặc tính cơ bản như: thu trái sớm; trái sai, thời gian thu trái dài; màu sắc, hình dáng đẹp; cứng trái thích hợp vận chuyển xa và bảo quản lâu. Các giống lai này có tính thích nghi rộng, phù hợp với nhiều vùng miền ở cả Bắc, Trung, Nam.
Trong ao cá tra thì oxy thường cao ở lớp nước mặt (1 mét đến 1,5 mét) vào ban ngày và có thể giảm rất thấp vào ban đêm. Sự thiếu oxy trong ao cá tra có thể do ao nuôi cá có nhiệt độ nước cao (biến động 28-32°C) dẫn đến hệ số hòa tan oxy vào nước giảm, mật độ nuôi quá cao, đáy ao có nhiều hợp chất hữu cơ tích tụ hay sục khí không đầy đủ.