Nâng Niu Hương Chè Bàu Cạn
Sau 3 năm thực hiện trồng chè sạch theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn đã từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Từ năm 1923 ở Bàu Cạn đã hình thành một đồn điền chè do người Pháp quản lý với tên gọi “Compagnie Agricole des Thes Et Cafes du Kontum Annam”, gọi tắt là CATECKA. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử đất nước và những thăng trầm của ngành chè, cây chè ở Bàu Cạn đến nay vẫn đứng vững và khẳng định được thương hiệu của hương chè nổi tiếng.
Chè Bàu Cạn được trồng trên vùng đồi rộng lớn, có độ cao trên 700 mét so với mực nước biển. Đây là vùng đất đỏ bazan trù phú thích hợp cho cây chè phát triển. Để giữ vững thương hiệu, những năm qua, Công ty Chè Bàu Cạn đã đầu tư thâm canh tăng năng suất, theo đó những vườn cây già cỗi được từng bước cải tạo, thay thế bằng những giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: PH1, TB14, LD97, LDP1, LDP2…
Bên cạnh đó, Công ty đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2008, tiêu chuẩn quản lý chất lượng và ISO 22000: 2005 về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, Công ty là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện sản xuất chè sạch đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP trên 500 ha chè kinh doanh.
Ông Phạm Văn Trường-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn, cho biết: Từ năm 2011, Công ty áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm sạch VietGAP trên toàn bộ diện tích chè nên chất lượng ngày một nâng cao.
Công nhân đã tuân thủ đúng các quy trình nghiêm ngặt ngay từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch do cơ quan chức năng ban hành, nhất là đảm bảo thời gian cách ly, thu hái đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn, năm 2013, Công ty đã xây dựng quy trình chăm sóc phù hợp với hiện trạng vườn chè, chỉ đạo đốn chè chậm hơn thường lệ khoảng 1 tuần để tận thu sản phẩm, 100% diện tích chè thực hiện đốn bằng máy nên tiến độ đốn nhanh (khoảng 20 ngày), vệ sinh cành nhánh trên mặt tán chè kịp thời, giúp cho việc nảy chồi chè đồng đều và mạnh.
Thực hiện chặt tỉa muồng che bóng trong vườn chè đã giải quyết một phần những diện tích rậm rạp, tạo điều kiện cho vườn chè sinh trưởng, phát triển tốt và đồng đều hơn. Đây cũng là biện pháp hạn chế sâu bệnh phát sinh trong vườn chè vào mùa mưa, tiến tới giảm thiểu đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu, thực hiện tốt quy trình thực hành sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP.
Ông Đỗ Văn Hiệp-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty, cho hay: So với cách làm chè truyền thống, cách làm chè theo quy trình VietGAP, công nhân vất vả hơn trong khâu chăm sóc, nhưng kết quả cây chè phát triển tốt, an toàn, sản phẩm đạt chất lượng và người lao động yên tâm hơn về sức khỏe.
Nhờ thực hiện nghiêm ngặt quy trình VietGAP, nên năng suất và chất lượng chè Bàu Cạn đã tăng vượt trội. Năm 2011, Công ty thu hoạch được 2.300 tấn chè búp tươi, sản xuất được gần 500 tấn chè khô; đến năm 2013, sản phẩm chè búp tươi tăng lên 2.780 tấn, sản xuất được 595 tấn chè khô các loại, phục vụ thị trường trong nước. Doanh thu đạt trên 55,5 tỷ đồng, tăng 34,6% so với năm 2012, (trong đó, chè đạt 40,1 tỷ đồng). Lợi nhuận đạt 4,3 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2012. Nộp thuế các loại 4,336 tỷ đồng. Công ty luôn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Thu nhập bình quân người lao động đạt 4,9 triệu đồng.
Công ty hiện có 3 sản phẩm chè chính gồm: trà xanh Katecka, trà hộp và trà hương. Trà hương là loại trà đặc biệt. Khi làm loại trà này phải ướp nhiều loại cây có hương thơm nên rất ngon…
Qua 3 năm triển khai xây dựng, vận hành hệ thống quản lý chất lượng, Công ty đã được cấp chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9001: 2008, chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm ISO 22000: 2005 và giấy chứng nhận VietGAP. Theo đó mẫu hàng hóa, bao bì cũng được thay đổi phù hợp với sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại các sản phẩm chè Bàu Cạn đang lưu thông rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm
Cá đồng từ lâu được xem là đặc sản của đất rừng U Minh; tuy nhiên sản lượng cá đã giảm nhiều so với trước đây. Nguyên nhân là do công tác quản lý và bảo vệ chưa thật sự hiệu quả, tình trạng bắt bằng phương pháp “xiệt điện” cũng khiến một lượng lớn cá giống bị hủy diệt. Tình trạng bắt cá non trong mùa sinh sản cũng là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn lợi cá đồng của huyện U Minh.
Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Ninh là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thuỷ sản. Thế nhưng, việc sản xuất và cung ứng giống thuỷ sản tại chỗ trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.
Dẫn đầu cả nước về số tàu thuyền cũng như sản lượng thủy sản được khai thác, đánh bắt nhưng khi nhắc đến Quảng Ngãi, người ta lại nghĩ ngay đến… thợ lặn hoặc các đôi tàu giã cào cao tốc, những nghề vốn không được khuyến khích phát triển hiện nay.
Một số nông dân ngỡ rằng năm nay nước lớn hơn mọi năm, bởi mới giữa tháng 7 âm lịch, nước đã cao hơn cùng kỳ năm 2013 gần cả thước. Thế nhưng, bước sang đầu tháng 8 âm lịch, mực nước xuống hơn nửa thước so tháng 7. Con nước cứ diễn biến bất thường liên tục từ đầu mùa lũ đến giờ khiến các hộ nuôi tôm gặp không ít khó khăn.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho biết: từ đầu tháng 6 đến nay, các chủ ao đầm đã tiến hành thu hoạch tôm thương phẩm vụ 1 và vụ 2. Năng suất bình quân đạt 13 tấn/1ha/vụ, giảm gần 4 tấn/1ha/vụ so với năm 2013.