Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Chất Lượng Mía

Nâng Chất Lượng Mía
Ngày đăng: 17/07/2013

Vụ mía 2012 - 2013, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gặp không ít khó khăn do giá bán thấp. Trong khi, chi phí đầu tư tăng cao nên nông dân ít lợi nhuận. Tuy nhiên, có không ít hộ đã biết cách để nâng cao chất lượng mía, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Ông Nguyễn Công Khanh, ở khu vực 8, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy được xem là người trồng mía hướng vào chất lượng và đạt chữ đường cao nhất vụ mía vừa qua. Theo ông Khanh, trước đây việc trồng mía của gia đình không theo một quy trình kỹ thuật nào, làm theo kinh nghiệm, trồng giống mía cũ cho năng suất và chữ đường thấp.

Nhưng khi được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) giới thiệu thì gia đình ông chuyển sang trồng nhiều giống mía mới như: ROC16, K84-200, QĐ11, K88-92, R570… Bên cạnh đó, còn biết cách chọn hom giống tốt, trồng thưa, bón phân cân đối, chăm sóc mía kịp thời, thu hoạch mía đủ độ chín đã giúp cây mía gia tăng về năng suất và hạ giá thành. Nhờ vậy vụ vừa rồi năng suất mía của ông đã đạt 226 tấn/ha, tương đương 25,3 tấn đường/ha, chữ đường đạt 11,2 CCS.

Ông Khanh đúc kết: “Muốn trồng mía có năng suất, chất lượng cao, bên cạnh tự nhân giống và chọn giống tốt thì phải bón phân cân đối, nhất là phân kali để cây mía khỏe, chống chịu được dịch bệnh, ít đổ ngã, làm tăng chữ đường”. Nhờ mía có chữ đường cao nên vụ vừa rồi gia đình ông Khanh có nguồn thu trên 100 triệu đồng từ hơn 1ha mía. Vụ mía này, ông tiếp tục đầu tư mía theo hướng tăng chất lượng đường để nâng cao nguồn thu nhập.

Đối với ông Nguyễn Văn Thơ, Chủ nhiệm CLB trồng mía ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh cũng không ít trăn trở trong việc chọn giống mía sao cho chất lượng, nhất là sử dụng phân bón có hiệu quả trong thời buổi phân giả tràn lan. Thấy được những vướng mắc trên, từ 8 năm trước ông đã đầu tư mở cửa hàng kinh doanh phân bón với mục đích là cung cấp lượng phân có chất lượng cho các thành viên.

Hiện tại, mỗi năm ông cung ứng khoảng 350 tấn phân bón cho nông dân mà chủ yếu là thành viên CLB trồng mía của ấp. Ông Thơ cho biết: Trước đây tập quán của người trồng mía ở địa phương là sử dụng quá nhiều phân đạm, chủ yếu là bón để tăng năng suất, không chú trọng đến chất lượng nên mía dễ bị sâu bệnh dẫn đến thu nhập thấp.

Nhưng gần đây các thành viên đã chú ý nhiều đến chất lượng mía. Bên cạnh sử dụng các giống mía mới có chất lượng cao thì cũng có việc bón phân đúng cách. Năm 2004, CLB có 4 hộ nghèo thì đến nay đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, năng suất mía bình quân đạt 120 tấn/ha, chữ đường 10 CCS, cao hơn các hộ ngoài CLB khoảng 1 CCS. Vụ mía vừa qua, hộ thu nhập thấp nhất của CLB là 87 triệu đồng/năm và cao nhất lên đến 486 triệu đồng/năm.

Còn anh Phạm Minh Tâm, Chủ nhiệm CLB trồng mía ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, ngoài trồng mía, hàng năm anh còn mua và hợp đồng vận chuyển cho nông dân trên 1.500 tấn mía. Theo anh Tâm, nếu bà con nông dân bỏ công sức ra trồng mía đạt chất lượng, nhưng chuyên chở không kịp thời đến nhà máy thì chữ đường sẽ giảm đáng kể.

Trong khi nhà máy chỉ mua mía theo chữ đường, nếu giảm CCS thì người trồng mía sẽ thiệt thòi. Suy nghĩ của anh là làm sao đưa mía đến nhà máy càng nhanh càng tốt để chất lượng mía không bị ảnh hưởng, ngoài bản thân anh có thu nhập từ khâu vận chuyển, thì người trồng mía cũng không bị giảm lợi nhuận, do mía vẫn đảm bảo chữ đường.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, nông dân bán mía chủ yếu thông qua thương lái và người dân cũng chưa thật sự hài lòng với cách mua xô của các chủ ghe mía. Tuy nhiên, từ vụ mía này, một số vùng mía trong huyện sẽ có đê bao khép kín, vì thế địa phương sẽ vận động nông dân bơm nước giữ cho mía đủ độ chín mới thu hoạch để tăng chữ đường trong mía, đây cũng là điều kiện để tăng thu nhập cho nông dân.

PGS, TS Nguyễn Bảo Vệ cho rằng, bên cạnh phân bón thì giống mía gần như quyết định năng suất, chất lượng. Muốn tăng chất lượng mía, ngoài việc chăm sóc tốt cũng phải đưa mía thật nhanh đến nhà máy sau khi thu hoạch. Chỉ cần để mía đốn sau một ngày không đưa kịp lên ép thì giảm 0,5 CCS/kg mía, đây là một thiệt thòi cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, cho rằng: Mía vùng mình đã có năng suất, nếu nâng cao chất lượng sẽ cải thiện được đời sống người dân. Mía tại các nhà máy thu mua hiện nay là theo chữ đường, vì thế mía trồng càng chất lượng thì lợi nhuận của nông dân càng cao. Nhà máy rất cần mua mía tốt, vì ép mía càng có chữ đường thì giá thành đường sản xuất ra sẽ thấp hơn ép mía chạy lũ như thời gian qua.

Vấn đề cần làm bây giờ là kéo giãn thời gian thu hoạch mía để mía đem ra nhà máy không bị ùn ứ làm giảm chất lượng. Cách xây dựng đê bao vùng mía và Casuco hỗ trợ máy bơm nước cho các vuông bao cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng mía tại vùng nguyên liệu. Bên cạnh nâng chất lượng từ mía nguyên liệu, Casuco cũng đang đầu tư cải tiến công nghệ để hạ giá thành sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Sóc Trăng Làm Giàu Trên Vùng Đất Kém Hiệu Quả Nông Dân Sóc Trăng Làm Giàu Trên Vùng Đất Kém Hiệu Quả

Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi đã và đang mang lại lợi nhuận cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhiều địa phương.

21/07/2014
Sản Xuất Thành Công Nấm Chân Dài Sản Xuất Thành Công Nấm Chân Dài

Nấm có giá trị dinh dưỡng cao, giòn, ngọt, sử dụng đa dạng trong bữa ăn và hiện tại trên thị trường rất được ưa chuộng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất nấm chân dài cho hộ nông dân, cung cấp thêm cho người tiêu dùng một loại nấm ăn chất lượng cao.

04/08/2014
Vĩnh Phúc Hiệu Quả Từ Mô Hình Chuỗi Sản Xuất Rau An Toàn Vĩnh Phúc Hiệu Quả Từ Mô Hình Chuỗi Sản Xuất Rau An Toàn

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tạo ra các sản phẩm sạch chính là hướng đi bền vững và hiệu quả.

04/08/2014
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Mít Siêu Sớm Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Mít Siêu Sớm

Năm 2010, được sự giới thiệu của người thân, anh Trần Văn Lộc (SN 1974, ở thôn 5, xã Hòa Thành, huyện Krông Bông - Dak Lak) lặn lội xuống miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm và mua 1.000 cây giống mít siêu sớm về trồng. Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn cây đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

21/07/2014
Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Lúa Nước Vùng Cao Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Lúa Nước Vùng Cao

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) thuộc Sở NN-PTNT đã xây dựng thành công nhiều mô hình (MH) thâm canh lúa nước ở vùng cao. Trung tâm đã tiếp tục triển khai các MH mới, song bằng giống lúa thuần chứ không phải lúa lai như các năm trước.

21/07/2014