Nâng Cao Thu Nhập Nhờ Ứng Dụng Kỹ Thuật Mới
Nhờ mạnh dạn ứng dụng các giống lúa, đậu, ngô... mới vào sản xuất kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa nên giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì (Hà Nội) năm 2013 đã đạt 95 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 58 triệu đồng/ha so với năm 2008.
Tản Hồng là một xã thuộc vùng đồng bằng của huyện Ba Vì có diện tích đất trồng lúa 316ha. Thực hiện chương trình phát triển lúa hàng hóa của TP, năm 2013, xã Tản Hồng đã triển khai xây dựng được vùng lúa hàng hóa diện tích 180ha gồm các giống lúa TBR45, lúa thơm... Ngoài ra, xã còn thí điểm mô hình cấy giống lúa cao sản Hưng Dân với diện tích 10ha.
Ông Phương Văn Liểu - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết, cùng với việc đưa các giống lúa mới, xã thực hiện đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và tăng năng suất 10% so với trước đây. Năng suất lúa cao sản của xã đạt từ 260 - 300kg/sào.
Còn tại xã Thuần Mỹ, để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã cũng chủ trương tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Trong ba năm qua, toàn xã đã chuyển đổi được 20ha đất bãi sang trồng chuối tiêu hồng, 35ha chè sạch cao sản... Nhờ đó đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 toàn xã là 25 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với năm 2011.
Theo Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, từ năm 2008 đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để đưa các giống lúa, khoai, ngô... mới có năng suất, chất lượng cao cho bà con nông dân. Toàn huyện cũng đã tổ chức 350 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất cho 28.000 lượt nông dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Vì đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa giống tại các xã Vật Lại, Phong Vân, Cổ Đô; vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 600ha tại các xã Phong Vân, Chi Lai, Tản Hồng, Phú Phương; vùng sản xuất ngô giống, đậu tương giống tại xã Cổ Đô, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Tòng Bạt; vùng rau an toàn diện tích hơn 260ha tại xã Chu Minh, Minh Châu...
Ông Nguyễn Đình Dần - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, nhờ áp dụng các giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu mùa vụ trên địa bàn huyện đã cơ bản được thay đổi. Hiện tại, tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao toàn huyện chiếm 25% diện tích, chủ yếu là các giống TBR45, HĐB5, HĐB6, lúa thơm...
Việc ứng dụng chương trình cấy lúa cải tiến SRI, gieo sạ đã làm giảm công lao động, giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh nhưng năng suất lúa vẫn cao hơn trước 6 - 7 tạ/ha. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện năm 2013 đã đạt 23,6 triệu đồng/người/năm, gần đạt so với chỉ tiêu nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Sâu, bệnh “lạ” tấn công vườn cây có múi và thanh long hiện đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh ở Tiền Giang. Nhiều diện tích bị thiệt hại nặng, gây thất thu hàng tỷ đồng cho nhà vườn.
Trong các năm vừa qua, nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đồng sâu trũng xây dựng các mô hình trang trại nuôi cá nước ngọt kết hợp sản xuất lúa cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người nông dân nói chung và nông dân Lạng Sơn nói riêng đã linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trong đó, anh Hoàng Văn Nam, hội viên nông dân ở thôn Bản Háu, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã tận dụng điều kiện tự nhiên để chăn nuôi dê rất hiệu quả, từ đó thực hiện ý tưởng vươn lên làm giàu.
Liên tiếp những ngày qua, nhiều người dân nuôi cá bè tại vịnh Mân Quang, P. Thọ Quang, TP Đà Nẵng thấp thỏm như ngồi trên lửa bởi cá chết hàng loạt, tính ra thiệt hại mỗi ngày khoảng 50 triệu đồng. Lại một lần nữa vấn đề quy hoạch vùng nuôi thủy sản an toàn được đặt ra với một TP biển như Đà Nẵng.
Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm không thả nuôi tôm trái vụ để cải tạo ao đầm, nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới, bất chấp rủi ro dịch bệnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi.