Nam Định công bố dịch cúm A/H5N6
Báo điện tử Nam Định cho biết ngày 21-10, Nam Định đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 lần đầu tiên diễn ra tại đây.
Theo đó, dịch cúm gia cầm A/H5N6 được xác định đã xuất hiện tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh.
Hiện toàn bộ số gia cầm mắc bệnh đã được các cơ quan chức năng địa phương tiêu hủy theo quy định
Chỉ đạo của Chủ tịch Tỉnh Nam Định trong quyết định trên yêu cầu các huyện Vụ Bản và Trực Ninh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo Pháp lệnh Thú y; đồng thời nhanh chóng bao vây, dập tắt dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Các xã Hiển Khánh, Trực Phú phải thành lập các chốt gác kiểm dịch; nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong thời gian có dịch trên địa bàn; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và các khu vực xung quanh ổ dịch.
Các địa phương trong tỉnh, nhất là những xã, phường, thị trấn ở gần vùng dịch phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tránh chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Nam Định, từ ngày 1 đến 10-10 đã phát hiện tại bốn hộ chăn nuôi (gồm một hộ ở xã Hiển Khánh và ba hộ ở xã Trực Phú) có trên 3.300 con gia cầm có hiện tượng ốm, chết bất thường.
Chi cục Thú y tỉnh Nam Định đã lấy mẫu bệnh phẩm tại các ổ dịch gửi đi xét nghiệm.
Kết quả, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xác định, tất cả các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6.
Theo Bộ NNPTNT, vi rút này nguy hiểm tương tự như cúm A/H5N1 và có khả năng lây sang người.
Trước đó vài ngày, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cũng đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh thành trong các nước về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo công điện, thời gian vừa qua, bệnh cúm gia cầm A/H5Nl, A/H5N6 vẫn tiếp tục xảy ra rải rác trên đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại một số địa phương.
Kết quả giám sát chủ động cho thấy vi rút cúm A/H5N1 lưu hành rộng rãi trong đàn thủy cầm (năm 2014 là 4,13% mẫu dương tính, năm 2015 là 1,61%), một số mẫu giám sát phát hiện có tỷ lệ vi rút A/H5N6 cao (năm 2015 là 4,87%).
“Do đó, nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm là rất cao, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa ở miền Bắc và miền Trung, mưa lũ ở miền nam như hiện nay,” theo công điện.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, tàu vỏ composite câu cá ngừ đại dương của Công ty Yanmar (Nhật Bản) đặt hàng thử nghiệm cho ngư dân Việt Nam đã chính thức hạ thủy. Liệu đã đến lúc, tàu vỏ composite khẳng định vị thế.
Từ thực tế nhiều gia đình thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, 22 hộ dân ở thôn 8 xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã thành lập Tổ giúp nhau phát triển kinh tế. Qua nhiều năm hoạt động, tổ thực sự đã là chỗ dựa tin cậy cho các tổ viên trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình.
Vai trò của cây lúa lai trong việc tăng năng suất, sản lượng lúa và nhất là trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao giá trị xuất khẩu là rất quan trọng. Việc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai của Tập đoàn Syngenta tại Nam Định đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) vừa phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đó là các giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).
Ngày 19-8, tại kênh xáng Xà No, đoạn qua phường V, thành phố Vị Thanh, gần 40 đoàn viên Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã thực hiện công trình thanh niên “Thả tôm càng xanh tái tạo nguồn lợi thủy sản tại kênh xáng Xà No”.