Nam Á Có Nhu Cầu Nhập Khẩu Lượng Lớn Hạt Tiêu Từ Việt Nam

Nhu cầu nhập khẩu tiêu của các nước trong khu vực Nam Á tăng rất nhanh đặc biệt là Ấn Độ khi sản xuất tiêu của nước này bị giảm 10.000 tấn.
Theo Vụ thị trường Châu Phi, Nam Á, Tây Á, với dân số đông nhất trên giới (1,7 tỷ người) cùng thói quen sử dụng hạt tiêu trong món ăn, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này vào khu vực Nam Á.
Và số liệu công bố của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm xuất khẩu tiêu Việt Nam đi các thị trường đạt 132.682 tấn, giá trị 989,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tiêu trong 8 tháng đầu năm tăng 31% về lượng và tăng 47,8% về giá trị.
Với mức tăng này, năm 2014 được đánh giá là năm tăng trưởng kỷ lục của hồ tiêu về giá và lượng. Giá xuất tiêu bình quân trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt 7.459,7 USD/tấn.
Mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường trong khu vực Nam Á. Xuất khẩu tiêu sang các nước thuộc khu vực Nam Á tăng vọt. Cụ thể, Ấn Độ tăng 109,66%; Pa-kít-xtan tăng 211,13%; Băng-la-đét tăng 410,94%; Nê-pan tăng 748%; Xri Lan-ca tăng 460%.
Vụ thị trường Châu Phi-Nam Á-Tây Á cho hay, người dân khu vực Nam Á nói chung, nhất là Ấn Độ nói riêng sử dụng nhiều hạt tiêu trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, sản lượng hạt tiêu trong nước của Ấn Độ năm nay sụt giảm đáng kể.
Tính đến hết tháng 4/2014, sản xuất tiêu của nước này chỉ đạt 35.000 tấn, thấp hơn 10.000 tấn so với kế hoạch mà Hội Đồng Gia vị nước này đặt ra, khiến giá tiêu của Ấn Độ tại thời điểm này giao động trong khoảng 12.000 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với giá tiêu thế giới, trong đó có Việt Nam giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tại thời điểm này chỉ 8.200 USD/tấn.
Chính điều này đã tạo ra cuộc chạy đua nhập khẩu tiêu của các thương nhân Ấn Độ và tiêu Việt Nam là mặt hàng được ưa chuộng hơn cả. Tính từ đầu năm đến nay, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 8.000 tấn tiêu từ Việt Nam, chiếm trên 90% tổng lượng hạt tiêu nhập khẩu vào nước này.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới. Mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Với sản lượng ổn định, mức giá cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong năm 2014 được dự báo sẽ cán mốc 1 tỷ USD – mức kỷ lục từ trước đến nay, trong đó xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Nam Á được kỳ vọng sẽ vượt mức 160 triệu USD.
“Nam Á là khu vực đầy tiềm năng để phát triển mặt hàng tiêu Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, nắm bắt thói quen sử dụng tiêu của người dân bản địa như: dạng hạt hay dạng bột, sản phẩm tiêu riêng hay trộn cùng các loại gia vị khác… phát triển các giống tiêu có giá trị cao và được sử dụng nhiều tại các nước trong khu vực này, nâng cao kỹ thuật, đảm bảo chất lượng đối với các quy trình từ thu hoạch đến đóng gói, phân phối, nhằm tăng sức cạnh tranh của tiêu Việt Nam”, Vụ Thị trường Châu Phi-Nam Á-Tây Á cho hay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cần tích cực tham dự các Hội chợ, triển lãm ngành hàng nông sản tại các nước trong khu vực nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tiêu sang thị trường Nam Á.
Có thể bạn quan tâm

Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã chú trọng phát triển các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), mô hình này bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng khó khăn hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều nhà xuất khẩu. Lợi dụng thông lệ mua cá nguyên liệu của nông dân nợ 30 ngày mới trả tiền, một số nhà xuất khẩu cá tra không có vốn, không có nhà máy, hoạt động bằng cách chiếm dụng vốn người nuôi.

Tin từ các hộ trồng bắp không có hạt, hoặc có nhưng thưa và rất ít tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Những hộ trồng giống bắp AG500 của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang do một đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã Châu Pha cung cấp trong vụ hè thu này sẽ được đơn vị cung ứng giống bắp bồi thường 1 triệu đồng/sào. Với mức bồi thường này, người trồng bắp đã được hỗ trợ một phần để tái sản xuất trong vụ tiếp theo.

Với hơn 30km bờ biển, trên 12.000ha diện tích đất bãi bồi cửa sông, ven biển, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế thuỷ sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Công ty CP Thuỷ sản Tân An đã mạnh dạn ứng dụng mô hình nuôi hàu cửa sông, mở ra một hướng đi mới.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện còn gần 3.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch và gần 30.000ha lúa thu đông đã xuống giống. Do đang vào cao điểm của mùa lũ nên nhiều diện tích lúa của tỉnh đang có nguy cơ thiệt hại. Hiện nay, nỗ lực bảo vệ lúa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương.