Na rừng nặng 5 kg giá nửa triệu đồng ở Sơn La
Thời gian gần đây, nhiều người săn tìm quả na rừng về làm thuốc.
Mức giá được đưa ra tương đối cao, dao động 120.000-150.000 đồng/kg.
Giá đắt, khách đặt mua nhiều nên anh Vừ A Ly (dân tộc H Mông) ở bản Vua Lương (Thuận Châu, Sơn La) thường xuyên lên rừng hái na về bán.
Mỗi quả nặng trung bình khoảng 2,5 kg, loại to có thể lên tới hơn 5 kg.
Vì thế, mỗi lần vào rừng hái na, anh Ly thu về cả vài triệu đồng.
Theo anh Ly, yêu cầu của người mua khá khắt khe như quả đủ độ chín (thường có màu đỏ), cân nặng trên 2,5 kg, vỏ nứt to.
Vì thế, người hái phải tìm sản phẩm đạt yêu cầu.
Không chỉ A Ly mà nhiều người trong bản cũng lên rừng tìm na để bán.
Anh Vừ A Giang, cùng bản với A Ly cho biết, trước đó, các cánh rừng ở Sơn La tràn ngập loại cây này.
Tuy nhiên, khoảng năm 2011-2013, nhiều người Trung Quốc sang mua rễ na gốc nhỏ để làm thuốc với giá 200.000-500.000 đồng/kg.
Thấy lợi nhuận lớn nên nhiều người dân vào rừng chặt cả những gốc thân to trộn vào để bán kiếm thêm thu nhập.
Cũng vì vậy, hiện tại, loại quả này tương đối hiếm.
Muốn hái được, người dân phải đi vào rừng sâu.
Thậm chí, 2 ngày mỗi người mới hái được vài quả.
Mỗi quả na rừng nặng 2,5-5 kg.
Giá thu mua tại nơi bán là 120.000-150.000 đồng/kg.
Thông thường, mỗi cây na gốc nhỏ có khoảng 5-6 quả, loại thân to có thể lên tới 30-40 quả.
"Những người dân đi sâu vào rừng, tìm được những gốc lớn có thể thu về mấy chục triệu đồng mỗi chuyến", A Giang, một người dân khác cho hay.
Song, theo anh, để hái được quả na khá nguy hiểm.
Người dân phải vào rừng sâu mới có.
Anh cho biết, na rừng là cây thân leo, thường mọc vào những thân cây lớn để vươn lên.
Càng bám trên tán lá cây cao, cây càng cho nhiều quả và thường là quả to.
Đặc biệt, loại quả này thu hút một loại ong rừng lớn thường bám vào cuống nên việc trẩy hái không dễ dàng.
"Hiện tại, chỉ những người đi rừng chuyên nghiệp, trèo giỏi mới có thể hái được loại quả này", anh cho biết thêm.
Theo A Giang, người mua loại quả này thường là khách du lịch hoặc các hiệu thuốc đông y ở các nơi như Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định,...
Theo những người săn mua loại này, ruột na (trung bình 1 quả na chỉ có 1/3 là ruột) có thể chữa được bệnh mất ngủ.
Anh Quang Minh, chủ một điểm thu mua quả na rừng ở Sapa (Lào Cai) cho biết, anh thường mua loại quả tươi và múi phơi khô để làm thuốc.
Theo anh Minh, quả na khô có nhiều chất có thể làm dược liệu quý.
Tuy nhiên, quả đạt yêu cầu cần có cân nặng trên 2 kg, chín ương, mắt đã nứt, không thối hỏng.
Anh yêu cầu người bán phải phơi khô theo đúng yêu cầu như để nguyên ruột, tẽ các múi, phơi khô hẳn.
Giá mua khô dao động 230.000-250.000 đồng/kg.
Còn theo lương y đa khoa Trần Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Đông y huyện Yên Thế (Bắc Giang), cây na rừng (cây cơm nắm) có tên khoa học là Kadsura coccinea.
Loại cây này phổ biến ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn....
Cây thân leo mọc cùng những cây sống lâu năm trong rừng.
Thông thường, thân cây có thể vươn leo lên 15-20 m.
Chuyên gia nói trên cho biết, rễ cây, loại nhỏ, thường được nhiều người sử dụng làm bài thuốc dân gian chữa các bệnh phong thấp, chống hậu sản, hồi sức,...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa đơn vị nào nghiên cứu về giá trị dược liệu của quả na rừng.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với nhiều chương trình tặng quà cho người dân, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ ngư dân. Nguồn tiền khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bám biển, với lãi suất ưu đãi 3%/năm đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý…
Nhằm nâng cao khả năng sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và hướng đến thị trường, dự án BĐKH, thuộc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (Trường Đại học Nông lâm Huế) đã nghiên cứu và tiến hành xây dựng mô hình trồng ớt giống mới với diện tích 13 ha tại 3 xã dự án là Triệu Giang, Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Vụ lúa Đông Xuân 2013-2014 vừa qua ở các tỉnh thành phía Bắc được coi là một trong những vụ khó khăn nhất. Thời tiết bất thuận, sâu bệnh bùng phát trên diên rộng, tuy nhiên hầu hết các địa phương đều thắng lợi lớn cả về năng suất và sản lượng.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết, đến cuối tháng 5-2014, trên 2.500 héc-ta lúa hè thu của huyện nhiễm các loại sâu bệnh, nhiều nhất là bù lạch (1.510 héc-ta), sâu cuốn lá (400) và có 362 héc ta lúa bị chuột cắn phá…
Xác định lạc là cây công nghiệp ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao nên huyện Chiêm Hóa đã khuyến khích bà con tăng cường thâm canh, mở rộng diện tích, đặc biệt là trên những diện tích đất lúa không thuận lợi nguồn nước tưới... nhờ đó, diện tích lạc của huyện không ngừng được mở rộng trong những năm gần đây.