Mỹ Thắng Tập Trung Chăm Sóc, Bảo Vệ Lúa Mùa

Về xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những ngày này, màu xanh của lúa đã phủ kín các cánh đồng. Trên mảnh ruộng hơn 6 sào, chị Trần Thị Trâm, xóm Đoài vừa nhanh tay vãi phân bón thúc đợt 1 vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: “Mảnh ruộng này tôi đã cấy xong cách đây 1 tháng bằng giống BC15. Đây là giống lúa năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn nên hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra”.
Đang quây nilon để chống chuột phá hoại xung quanh thửa ruộng cấy giống lúa nếp 97 và tám thơm đã phát triển khá tốt của nhà mình, bác Trần Văn Thắm, ở xóm 8 phấn khởi cho biết: “Nhà tôi chủ yếu cấy giống lúa chất lượng cao, vì thế tôi phải thường xuyên thăm đồng để đánh chuột và bắt ốc bươu vàng. Vụ xuân vừa rồi gia đình tôi cấy hơn 6 sào BT7, nhờ thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt và ít bị sâu bệnh, nên năng suất đạt trên 200 kg/sào”.
Vụ mùa năm nay, xã Mỹ Thắng gieo cấy 401,5ha lúa với 75% diện tích cấy các giống lúa thuần; 20% lúa lai và 5% cấy tám, nếp đặc sản. Do vụ mùa thường hay xảy ra các bệnh bạc lá và khô vằn nên trong cơ cấu giống lúa thuần, xã Mỹ Thắng tập trung gieo cấy các giống BC15, Khang Dân 18, Việt Hương Chiếm và giảm hẳn diện tích cấy Bắc thơm. Đối với các giống lúa lai chủ yếu gieo cấy các giống Bắc ưu 903, Nhị ưu 69 và một số diện tích là Thái Xuyên 111. Để giành thắng lợi trong sản xuất vụ mùa năm 2013, xã đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ “thu chiêm, làm mùa” và chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, phân bón, máy móc…
HTXDVNN Mỹ Thắng đã tổ chức thực hiện tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, đặc biệt là dịch vụ cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu sản xuất của xã viên. Do tính chất khẩn trương của thời vụ nên xã đã đôn đốc các hộ nông dân thu hoạch lúa xuân xong đến đâu thì tiến hành cày bừa ngay đến đó. HTXDVNN Mỹ Thắng đã chủ động họp các chủ máy cày, bừa thống nhất đơn giá, phân vùng diện tích cụ thể cho từng chủ máy, giao rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành và nghiệm thu kịp thời.
Vì vậy, khâu làm đất được đảm bảo về chất lượng và thời gian, không để “mạ phải chờ ruộng”. Thời tiết đầu vụ mùa năm nay khá thuận lợi, xã thực hiện tốt công tác chuẩn bị làm đất, chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, bà con nông dân thực hiện gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật và khung thời vụ, nên đến ngày 15-7, toàn xã đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa mùa, sớm hơn từ 7-10 ngày so với các vụ mùa năm trước.
Đồng chí Trần Xuân Thư, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi gieo cấy, nông dân thường xuyên kiểm tra, dặm tỉa kịp thời để đảm bảo mật độ. Trước tình hình chuột và ốc bươu vàng hoành hành, phá hại lúa, để đảm bảo sự sinh trưởng phát triển của cây lúa, Ban Nông nghiệp xã đã phối hợp với HTX chỉ đạo các đội sản xuất đôn đốc nông dân kiểm tra sát sao đồng ruộng, thực hiện quyết liệt việc đánh chuột, bắt ốc bươu vàng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, xã khuyến cáo nông dân tập trung sử dụng phân hỗn hợp NPK 10-10-5 Ninh Bình và tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón lót; bón phân cân đối, bón sớm, bón gọn.
Đối với diện tích cấy trà mùa sớm, khi lúa đã bén rễ hồi xanh, vươn lá mới và ra rễ trắng, xã phát động chăm sóc, bón thúc đợt 1; bón thúc đầy đủ, cân đối theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối” với lượng phân bón cho 1 sào là 2-3kg urê; kết hợp điều tiết nước hợp lý, giữ mực nước trên ruộng từ 3-5cm, để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, đủ nhánh hữu hiệu, cũng như tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh. Những diện tích lúa còn xấu, đẻ nhánh chậm, xã chỉ đạo nông dân bón phân bổ sung để tăng cường chất dinh dưỡng, giúp lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi.
Cùng với việc bón thúc, nông dân trong xã chú trọng làm cỏ, sục bùn để tiêu diệt cỏ dại là đối tượng cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng đối với cây lúa, giải phóng khí độc tích tụ trong đất, cung cấp ô-xy giúp lúa phát triển tốt, cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh rửa trôi làm mất dinh dưỡng và bay hơi trong điều kiện nắng nóng hoặc mưa xảy ra. Mặc dù đang trong thời kỳ mưa bão nhưng các trạm bơm Hữu Bị, Cốc Thành và HTX đã thực hiện tốt công tác điều tiết nước, vận hành hết công suất bơm tiêu chống úng nên các diện tích lúa bị úng, ngập trên địa bàn xã không đáng kể.
Tuy nhiên để tránh tư tưởng chủ quan của nhân dân, đảm bảo chống úng hiệu quả bảo vệ lúa mùa, xã Mỹ Thắng chỉ đạo tăng cường công tác dự tính, dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện chống úng, cứu lúa khi mưa bão kéo dài. Đến nay, toàn xã đã hoàn thành chăm sóc đợt 1 cho lúa mùa, đang tổ chức rút nước, lộ ruộng để khống chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, tạo dàn lúa khoẻ, cứng cây, chống đổ, đồng thời để chủ động phòng mưa, úng cho lúa mùa.
Đến thời điểm này, dàn lúa mùa của xã Mỹ Thắng sinh trưởng, phát triển tốt và có độ đồng đều khá cao. Có thể khẳng định, sản xuất vụ mùa ở Mỹ Thắng hiện tại khá thuận lợi do công tác chuẩn bị sản xuất đã được triển khai sớm, chu đáo. Với quyết tâm cao, toàn xã phấn đấu năng suất bình quân lúa vụ mùa năm 2013 đạt trên 50 tạ/ha.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, kết thúc vụ cá ngừ đại dương năm 2012, sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 4.000 tấn nhờ người dân chuyển từ nghề câu vàng truyền thống sang câu tay kết hợp đèn pha. Tuy nhiên, chính cách câu này làm giá cá rớt thê thảm.

Điều quan trọng hiện nay là các hộ nuôi và doanh nghiệp cố gắng tập trung vào chất lượng để nâng cao uy tín cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.

Đến thời điểm này, nhiều bà con nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang bước vào mùa thu hoạch. Qua ghi nhận tại các vườn, mùa điều năm nay lượng trái ít hơn năm ngoái nhiều.

Ngày 30-3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, cùng ngày, Ban Giám đốc điều hành Nhóm WB đã phê duyệt một khoản viện trợ bổ sung trị giá 6,5 triệu USD cho dự án Phát triển bền vững các nguồn tài nguyên ven biển nhằm hỗ trợ quản lý bền vững nghề cá ven bờ của Việt Nam.

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân - Bạc Liêu) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.