Mượn vốn xoay vòng nuôi gà công nghiệp
Trại gà của anh Đặng Quốc Huy, thành viên tổ liên kết nuôi gà
Gò Đỗ ở thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc, một triền đất thoáng đãng tách biệt với khu dân cư là nơi tập trung khoảng 20 trại nuôi gà công nghiệp.
Mỗi ngày, anh Đặng Quốc Huy đều chạy xe máy từ nhà lên trại mấy bận để thăm đàn gà.
Anh Huy cho biết, năm 2009 anh xây 2 trại gà kiên cố, chi phí mỗi trại 200 triệu đồng, hiện lứa gà của anh có 4.000 con, mỗi năm nuôi khoảng 3-4 lứa, lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Anh Huy là 1 trong 8 thành viên của Tổ liên kết sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp xã Diên Lộc, mô hình được Hội nông dân tỉnh Khánh Hòa vinh danh là điển hình nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh.
Mười năm trước, ông Đặng Ngọc Sơn (54 tuổi, thôn Đảnh Thạnh), Tổ trưởng tổ liên kết, cám cảnh với cái nghèo của một xã thuần nông độc canh cây lúa nên mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi gà công nghiệp mong thoát nghèo.
Được đối tác cung cấp giống, lo đầu ra, ông Sơn nhanh chóng ăn nên làm ra.
Thành công của ông đánh thức khát vọng của người dân nơi đây, 8 nông dân khác trong xã lần lượt làm theo.
Nhưng chuyện làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì mối duyên với đối tác tiêu thụ bị đứt, các chủ trại gà một phen lao đao.
Ông Đặng Ngọc Dung, Chủ tịch Hội nông dân xã Diên Lộc, kiêm Tổ phó tổ liên kết nhớ lại: “Lúc này, tôi cũng tham gia nuôi gà, lại là chủ tịch hội nông dân nên đã báo tình hình cho cấp trên biết”.
Năm 2009, tổ liên kết đã được thành lập theo chủ trương của Hội nông dân tỉnh Khánh Hòa và quyết định của UBND xã Diên Lộc.
Lúc này, những người nông dân thuần phát tự “nâng cấp” mình như doanh nhân thực thụ, không để tư thương ép giá, họ tự tìm đầu ra tiêu thụ, nghiên cứu chiến lược giá để cạnh tranh với các công ty.
Không cạnh tranh lẫn nhau như khi nuôi riêng lẻ, tổ liên kết lên lịch thả gà để không bị chồng chéo, lên lịch nuôi từng hộ “gối” lên nhau để có gà ổn định quanh năm, không để gà thương phẩm bị thiếu hoặc ứ đọng.
Tư tưởng “đèn nhà ai nhà nấy tỏ” trước đây được thay thế bằng tinh thần cùng nhau chia sẻ, hướng đến lợi ích chung.
Khi gà nhà này ốm thì nhà kia cũng lo như thể gà nhà mình, không ngại ngần bày cho bí quyết chữa bệnh.
Thiết thực nhất, tổ liên kết quy định mỗi thành viên đóng góp 5 triệu đồng, tạo thành quỹ 40 triệu đồng mượn xoay vòng, khi nhà này vừa xuất gà thì cho nhà kế tiếp mượn để mua cám, thức ăn…
Hiện một công ty đang đứng ra cung cấp giống và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Điều này giúp người nông dân chuyên tâm với việc nuôi gà và không phải quá lo lắng trước các biến động thị trường.
Ông Đặng Ngọc Dung cho biết từ chỗ co cụm nhỏ lẻ, nông dân thôn Đảnh Thạnh đã “bước qua lũy tre”, mạnh dạn đầu tư sản xuất, cùng nhau học hỏi khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.
Mô hình tổ liên kết không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm cho nghĩa tình làng xóm thêm bền chặt.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình chị Triệu Thị Phin, dân tộc Dao, ở thôn Nà Khà, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là hộ đầu tiên trên địa bàn mạnh dạn thử nghiệm nuôi ếch kết hợp thả cá để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình của chị bước đầu cho hiệu quả và đã có thu nhập.
Long Vĩnh là một xã thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh), là địa bàn ngập mặn quanh năm, kinh tế chủ yếu của người dân là nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú, cua… Tuy nhiên trong quá trình nuôi các con giống người nuôi cũng gặp không ít rủi ro.
Nếu Minh Phú mua tôm nguyên liệu theo giá thị trường, DN sẽ có lời nhưng giá mua lại dưới giá thành, người nuôi tôm sẽ bỏ ao và DN cũng gặp khó khăn theo
Từ 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Huỳnh Văn Sơn (ấp Long Phước, Long Mỹ - Mang Thít - Vĩnh Long) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Dọc theo Quốc lộ 4D từ xã Tòng Sành (Bát Xát) lên đến thị trấn Sa Pa (Sa Pa), du khách thường gặp đồng bào dân tộc Mông, Dao đỏ bán những xâu cá suối tươi vừa bắt dưới suối lên. Cá suối Sa Pa là món ăn dân dã mà hấp dẫn.